"Đánh thức" thư viện trường học
Thư viện của Trường THCS Cúc Phương (huyện Nho Quan) là một trong những thư viện hoạt động hiệu quả, thu hút được lượng lớn học sinh tham gia đọc sách mỗi ngày. Thầy giáo Nguyễn Đức Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trước đây, cũng như nhiều thư viện trường học khác, thư viện nhà trường cũng trong tình trạng… "ít" bạn đọc.
Hình ảnh học sinh tìm đến thư viện đọc sách là vô cùng hiếm hoi, các cuốn sách trên kệ phủ bụi theo thời gian. Nguyên nhân thư viện chưa thu hút được học sinh đó là bởi cơ sở vật chất còn hạn chế, đầu sách nghèo nàn, đơn điệu. Nhưng nay, vẫn là một ngôi trường còn nhiều khó khăn, chưa có nhiều kinh phí để bổ sung đầu sách thường xuyên, trang bị cơ sở vật chất đầy đủ… nhưng lượng học sinh tìm đến sách ngày một tăng.
"Thay vì để sách trên thư viện, nhà trường đã đưa sách về tủ sách của các lớp học, để các em thuận tiện tìm đọc vào mỗi giờ giải lao, mỗi khi tới lớp. ở đó, các em có thể được tìm kiếm các loại sách theo nhu cầu, hoặc có thể mượn về nhà. ở nhóm zalo thư viện, cô thủ thư sưu tầm các bản sách mềm để các em học sinh có thể vào đọc trực tuyến.
Ngoài ra, nhà trường thường xuyên tổ chức khen thưởng những em ham đọc sách, nhớ và đọc nhiều đầu sách vào các tiết chào cờ. Nhà trường cũng tích cực phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức ngày hội đọc sách hàng năm với nhiều hoạt đông sôi nổi, thiết thực. Đặc biệt, để khắc phục tình trạng thiếu sách, nhà trường đã tranh thủ sự hỗ trợ của Thư viện tỉnh để mượn sách hàng năm, bổ sung vào tủ sách các lớp…" - thầy Nguyễn Đức Dũng chia sẻ.
Đặc biệt, nhận thức được tầm quan trọng của thư viện trường học, tỉnh Ninh Bình là một trong số ít các tỉnh, thành phố trong cả nước chủ động đăng ký thực hiện mô hình thư viện thân thiện Room to Read do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với tổ chức phi chính phủ Room To Read của Mỹ triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước. "Chúng tôi lựa chọn những địa phương còn nhiều khó khăn để hỗ trợ thực hiện mô hình.
Tuy nhiên, Ninh Bình là một trong 10 tỉnh không thuộc diện hỗ trợ nhưng đã chủ động đăng ký thực hiện mô hình. Rõ ràng, tỉnh Ninh Bình rất quan tâm đến vấn đề thúc đẩy văn hóa đọc trong học đường"- Ông Tạ Quốc Việt, Trưởng bộ phận giám sát, đánh giá của Tổ chức phi Chính phủ Quốc tế Room to Read khẳng định.
Là một trong những trường áp dụng khá thành công mô hình thư viện thân thiện Room To Read, cô Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh) cho biết: Qua một thời gian triển khai mô hình cho thấy, mô hình này có nhiều ưu điểm hơn so với thư viện truyền thống.
Thay vì sách vở được sắp xếp trên kệ thì lại gợi mở, sắp xếp theo lứa tuổi của học sinh. Kệ sách được thiết kế phù hợp với chiều cao của trẻ, các em đến có thể tiếp cận với sách một cách dễ dàng, chủ động và độc lập mà không cần phải có sự trợ giúp của thủ thư. ở phòng thư viện có góc tra cứu, góc sáng tạo để khuyến khích học sinh đọc các loại sách khác nhau. Sau khi đọc xong, các em thể hiện sự hiểu biết về cuốn sách thông qua vẽ, hoạt cảnh hoặc viết cảm nhận…
Đặc biệt, mỗi tuần các lớp sẽ được bố trí 1 tiết học thư viện. Trong tiết học này, cô giáo sẽ lựa chọn để giới thiệu và đọc một cuốn sách. Tiết học có thể lựa chọn 1 trong 4 cách đọc: đọc to, nghe chung; cùng đọc; đọc đôi và đọc cá nhân. Trong quá trình đọc, có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, qua đó gợi mở sự sáng tạo, hấp dẫn và háo hức cho trẻ.
Ông Phạm Văn Tỉnh, Phó trưởng phòng Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Với những hiệu quả thiết thực của Room To Read, đến nay, đã có 25 trường học thực hiện mô hình trường học Room To Read. Con số này sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, bởi hiện tại đã có nhiều trường đăng ký thực hiện mô hình.
Tuy vậy, để phát huy tối đa hiệu quả của thư viện trường học, thì dù có lựa chọn mô hình có nhiều ưu điểm đến đâu thì chất lượng, hiệu quả cũng còn phụ thuộc nhiều vào chính cách thầy, cô giáo tư vấn, định hướng cho học sinh về cách đọc. Bởi lẽ, nuôi dưỡng văn hóa đọc trong học đường, trước hết cần khơi gợi niềm đam mê, yêu thích đọc sách trong học sinh. Để thực hiện được điều đó, vai trò của nhà trường và giáo viên hết sức quan trọng.
Các thầy cô giáo chính là tấm gương, là người truyền cảm hứng và định hướng cho các em lựa chọn sách, hướng dẫn các em đọc sách hiệu quả. Bên cạnh đó, các nhà trường cần đổi mới các hoạt động ngoại khóa, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, giới thiệu sách hay, triển lãm sách… để khơi dậy đam mê, hứng thú tìm hiểu, đọc sách cho các em học sinh, dần dần hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Nỗ lực đưa sách về cơ sở
Để hấp dẫn được người trẻ, lôi cuốn người trẻ đến với thói quen đọc sách, những năm qua, Thư viện tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp như: Tổ chức các buổi tuyên truyền, giao lưu với độc giả; phối hợp với thư viện các trường học trưng bày sách nhằm thu hút bạn đọc; hướng dẫn học sinh cách đọc sách…
Đặc biệt, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc dành cho học sinh các cấp học được tổ chức hàng năm có nhiều điểm hấp dẫn như đề tài viết tiếp câu chuyện mà em yêu thích, các em học sinh sẽ phải đọc và có cảm nhận về câu chuyện, từ đó thỏa sức sáng tạo, gửi gắm mong muốn của bản thân thông qua việc viết tiếp câu chuyện.
Hàng năm Thư viện tỉnh cũng đã bổ sung đầu sách theo nhu cầu của bạn đọc, nhất là nhu cầu của đối tượng là thanh, thiếu niên, nhi đồng góp phần làm phong phú thêm tủ sách thiếu nhi, đáp ứng nhu cầu đa dạng của trẻ. Nhằm tạo điều kiện cho trẻ đọc sách được thoải mái, thư viện bố trí phòng đọc riêng được trang bị đầy đủ ánh sáng, bàn ghế sạch sẽ, thoáng mát… phục vụ các em đến đọc sách, tra cứu thông tin.
Hiện nay, kho sách của Phòng đọc sách thiếu nhi đa dạng với nhiều thể loại khác nhau được thiếu nhi quan tâm như: truyện tranh, truyện cổ tích, sách về những nhân vật lịch sử, các nhà bác học tài năng trong và ngoài nước…
Thư viện cũng bố trí thủ thư là người vững nghiệp vụ và có kiến thức, kỹ năng giao tiếp với trẻ để tư vấn, hướng dẫn các em lựa chọn những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi và có thể tự chọn những cuốn sách mà mình yêu thích. Sách, báo được sắp xếp khoa học, tạo điều kiện cho các em tìm đọc dễ dàng.
Ngoài ra, thư viện còn tăng cường các nội dung hoạt động bằng nhiều hình thức phục vụ đa dạng, phong phú, kết hợp với các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh nhằm thu thút các em đến với thư viện, hướng các em đến với việc đọc sách một cách chủ động và tích cực.
Đặc biệt, để đưa sách về với trẻ em vùng xa, thư viện tỉnh đã tổ chức đưa xe thư viện lưu động về tận các huyện trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho trẻ ở vùng xa được tiếp cận với nguồn sách, báo phong phú. Từ đó, trẻ tìm được sự thú vị trong từng trang sách.
Chị Lại Thu Hà, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh chia sẻ: Thư viện tỉnh đã có nhiều sự đổi mới trong các hoạt động nhằm thu hút bạn đọc và trên thực tế cũng đã góp phần khơi dậy văn hóa đọc sách trong cộng đồng nói chung, đối tượng thanh thiếu niên, nhi đồng nói riêng. Mỗi năm, trung bình Thư viện tỉnh phục vụ khoảng 250 nghìn lượt bạn đọc.
Mặc dù có cải thiện hơn so với những năm trước, tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với thực tế và chưa bền vững. Và để đọc sách trở thành văn hóa cần nhiều những cách làm sáng tạo hơn nữa từ tỉnh đến cơ sở cũng như sự thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức, cách tiếp cận thông tin từ mỗi người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên.
Đào Hằng