Lates calcarifer (Block 1790) là tên khoa học của cá vược hay cá chẽm- một loài cá có giá trị kinh tế cao ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc châu Á và Thái Bình Dương. Chúng có khả năng thích nghi tốt với các điều kiện môi trường và các loại thức ăn khác nhau, ít bị dịch bệnh, phù hợp với trình độ thâm canh của người nông dân, đồng thời đáp ứng nhu cầu thị trường, đa dạng hóa đối tượng, sản phẩm và hạn chế rủi ro.
Từ thực tế trên, năm 2017, Chi cục Thủy sản đã triển khai mô hình "Nuôi cá vược thâm canh tại vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn", qua đó giới thiệu với các hộ dân trong vùng về loài cá đầy tiềm năng này cũng như các kỹ thuật nuôi cơ bản.
Hai hộ ông Vũ Văn Bạo và ông Trần Văn Phương ở xóm 6, Kim Đông được chọn để thực hiện mô hình. Mô hình được thực hiện trên ao đất với tổng diện tích 6.500 m2. Các cán bộ kỹ thuật của Chi cục đã tập huấn, hướng dẫn quy trình nuôi, hỗ trợ giống, thức ăn cho hai hộ.
Cá giống được thả vào ngày 10/4/2017 với số lượng là 6.500 con, cỡ giống 5 cm, mật độ 1 con/m2. Hai tháng đầu cho cá ăn cám công nghiệp và cá tươi băm nhỏ, mỗi ngày cho ăn 10% trọng lượng thân cá, các tháng tiếp theo cho ăn từ 3-5% trọng lượng thân cá.
Cho ăn ngày 2 lần, vào 8 giờ và 16 giờ. Ngoài ra, yếu tố môi trường, tốc độ tăng trưởng của cá cũng được theo dõi, kiểm tra thường xuyên. Bón Dolomide định kỳ 20 ngày/lần nhằm duy trì màu nước, ổn định độ pH.
Do được chăm sóc quản lý tốt, cho ăn đầy đủ cộng thêm sự tư vấn kịp thời của các cán bộ kỹ thuật trong xử lý môi trường ao nuôi nên cá phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Sau gần 8 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng bình quân trên 1,5 kg/con, tỷ lệ sống đạt trên 80%, sản lượng trên 8 tấn. Hạch toán kinh tế mô hình thu lãi trên 190 triệu đồng.
Ông Vũ Văn Bạo-người thực hiện mô hình thí điểm cho biết: Gia đình tôi vốn nuôi chuyên canh tôm từ nhiều năm nay nhưng gần đây dịch bệnh trên con tôm hoành hành dữ dội, thua lỗ, tôi đã tính bỏ đầm nhưng từ khi chuyển sang nuôi thử con cá vược này thấy hiệu quả và ăn chắc hơn hẳn con tôm. Cá vược ăn tạp, ít bị bệnh, nhanh lớn và chất lượng thịt cá thơm ngon.
Theo ông Bạo, muốn cá vược phát triển tốt, tránh bị hao hụt thì chỉ cần giữ môi trường ao nuôi ổn định, đảm bảo hệ thống bờ ao không bị rò rỉ. Thức ăn cho cá vược là cám viên tổng hợp và cá tạp rất sẵn trên thị trường nên rất thuận lợi cho người nuôi.
Tương tự, ông Trần Văn Phương cho biết, cá chẽm là đối tượng nuôi mới được người dân trong vùng đánh giá rất cao bởi tính chất dễ nuôi. Năm nay gia đình tôi thả 3.200 con, thu được gần 4 tấn cá, với giá bán 90 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi trên 80 triệu đồng.
Ông Phạm Văn Hải, Trạm trưởng Trạm Thủy sản Kim Sơn-Yên Khánh, cán bộ phụ trách mô hình chia sẻ: Việc triển khai thực hiện mô hình "Nuôi cá vược thâm canh tại vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn" được đánh giá là rất thành công, cá thích nghi tốt với nguồn nước, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tại vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn; sinh trưởng và phát triển mạnh, không bị dịch bệnh, tỷ lệ sống đạt trên 80%. Mô hình đã giúp người dân địa phương làm quen và tiếp cận với đối tượng nuôi mới.
Tuy nhiên, do đầu ra của cá vược thương phẩm chưa ổn định, thị trường còn khá bỡ ngỡ với loại sản phẩm này. Do vậy để bà con nhân rộng mô hình này, trước mắt cần mở rộng việc liên kết với các ngân hàng, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm tìm nguồn hỗ trợ vốn đầu tư và bao tiêu đầu ra ổn định cho sản phẩm này.
Hà Phương