Những năm qua, những người nông dân trên địa bàn Tam Điệp đã khai thác, phát huy lợi thế của kinh tế trang trại, xuất hiẹn nhiều gương nông dân làm giàu, góp phần tạo diện mạo mới cho thị xã.
Anh Trần Văn Công ở thôn 7, xã Đông Sơn cho biết: Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất anh đã thành công trong xây dựng mô hình kinh tế trang trại. Năm 2008 anh đã mua lại hơn 2 ha vườn vải cũ. Sau 3 năm, cây vải ở đây không đem lại hiệu quả như mong muốn, qua tham quan, tìm hiểu ở một số hộ trồng đào trong xã, thấy cây đào phai trồng trên đất này rất hiệu quả và phù hợp với điều kiện của địa phương, anh đã dốc toàn bộ vốn liếng vào mua đất, cải tạo vườn trồng đào phai với tổng diện tích 6 ha. Hiện nay vườn đào có khoảng 2.000 cây, Tết năm 2010 sẽ cho thu hoạch, 1 vạn cây sẽ cho thu hoạch trong năm 2011. Ngoài ra trang trại còn có gần 30 cây đào thế có giá trị, có những cây trị giá khoảng 40 triệu đồng. Giờ đây anh Công đã là chủ trang trại trồng đào với trị giá khoảng 4 tỷ đồng, mỗi năm cho lãi 500-600 triệu đồng. Không những thế anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Được biết, nhiều nông dân ở thị xã Tam Điệp đã nhận được sự quan tâm thiết thực của các cấp Hội nông dân trên địa bàn trong quá trình vươn lên làm giàu như: thường xuyên kết hợp với các cơ quan chuyên môn, các công ty, nhà máy mở các lớp chuyển giao KHKT, giúp nông dân có kiến thức, kinh nghiệm để áp dụng vào sản xuất, sử dụng nguồn vốn để kinh doanh hiệu quả và lựa chọn được các giống cây trồng, con nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, phát triển thành các vùng sản xuất chuyên canh như: Vùng đào phai xã Đông Sơn; vùng chè, dứa xã Đông Sơn, Quang Sơn; vùng chuyên nuôi con nuôi đặc sản xã Đông Sơn, phường Trung Sơn; vùng phát triển lúa - cá xã Yên Sơn. Hàng năm, Hội đã chủ động xây dựng các mô hình đạt hiệu quả và có giá trị nhân ra diện rộng như: Mô hình lúa lai cao sản BTE1; tổ hợp chăn nuôi "Cám con heo vàng"; Dự án lợn sinh sản siêu nạc đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhân giống và trồng khảo nghiệm khoai lang Nhật, cây Hoài Sơn; phối hợp với Công ty Trung Việt làm khảo nghiệm chế phẩm "Vườn sinh thái" trên cây dứa tại Quang Sơn. Hội nông dân các xã, phường đã liên doanh, liên kết với các trung tâm, các công ty xây dựng các mô hình như: Chương trình nuôi gà an toàn sinh học, nuôi thỏ, ếch, ba ba… Hội nông dân từ thị xã tới cơ sở đã chủ động liên doanh liên kết với các công ty, nhà máy tạo điều kiện cung ứng phân bón trả chậm, thức ăn gia súc cũng như tạo nguồn vốn vay hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Các trang trại, doanh nghiệp là nông dân ngày một phát triển đa dạng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nếu như năm 2007 bình quân trên 1 ha canh tác đạt gần 29 triệu đồng thì đến nay đạt 45 triệu đồng. Hiện thị xã có 224 trang trại, trong đó trang trại là nông dân chiếm trên 97%, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động là nông dân.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Hoàng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết: Sự phát triển kinh tế trang trại của thị xã thời gian qua đã góp phần khai thác thêm nguồn vốn trong dân, mở mang thêm diện tích đồi núi hoang hóa, làm cho nông sản hàng hóa thêm đa dạng, phong phú. Một số trang trại đã sản xuất và cung ứng giống cây trồng, con nuôi tốt làm kỹ thuật và dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân thị xã. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, phần lớn chủ trang trại còn hạn chế thông tin về thị trường, khoa học công nghệ và quản lý. Thiếu vốn sản xuất để phát triển lâu dài, việc tiêu thụ một số nông sản gặp khó khăn, công cụ lao động thô sơ, cơ cấu sản xuất chuyển biến chậm nên thu nhập chưa cao. Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng đây là hướng đi đúng đắn giúp người nông dân tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Vân Anh