Trên cánh đồng phía đông nam xã Hùng Tiến, hầu hết những thửa ruộng gieo cấy lúa vụ mùa đã được thu hoạch hết. Trên cả cánh đồng rộng lớn chỉ còn duy nhất một chiếc máy gặt vẫn mải miết thu hoạch nốt diện tích lúa cuối cùng của gia đình bà Lê Thị Chín (xóm 13, xã Hùng Tiến). Những cây lúa của gia đình bà Chín khác hẳn so với những cây lúa thông thường với thân cây cao, bông lúa nặng trĩu ngả xuống thân, đặc biệt là hạt lúa màu đen chứ không phải màu vàng.
Bà Chín tươi cười giới thiệu: Đây là giống lúa nếp hạt cau, chúng tôi ở đây vẫn quen miệng gọi là nếp đen, là một giống lúa nếp đặc sản. Giống nếp này khi chín, vỏ hạt ngả màu cau khô, khi xát ra hạt gạo tròn, trắng đục. Trong nhà mà nấu xôi bằng thứ gạo này thì mùi thơm đặc trưng bay ra đến tận đầu ngõ. Xôi để 2 đến 3 ngày vẫn dẻo thơm. Vì vậy, nếp cau trở thành đặc sản mà cho đến nay vẫn chưa có giống lúa nếp nào có thể sánh được.
Vụ mùa năm ngoái, gia đình bà Chín chỉ cấy 3 sào giống lúa này, đến năm nay gia đình bà quyết định cấy hết cả 7 sào lúa nếp hạt cau. Bà tâm sự: "Nhờ giời, năm nay thời tiết ủng hộ, không có sâu bệnh nên lúa được mùa lớn. Như vụ mùa năm ngoái, một sào lúa nếp hạt cau chỉ được 1,4-1,5 tạ thì năm nay năng suất đạt đến 1,8-1,9 tạ/sào. Đây là năng suất lúa cao nhất của giống lúa nếp hạt cau, tính từ khi gia đình tôi gieo trồng giống lúa này".
Nhắc đến chuyện được mùa, chúng tôi chợt liên tưởng đến câu nói quen thuộc để phản ánh một nỗi xót xa của những người làm nông nghiệp, đó là "được mùa mất giá, mà được giá thì mất mùa". Liệu giống nếp hạt cau vụ mùa năm nay có chịu chung tình cảnh đó? Băn khoăn của chúng tôi cũng có câu trả lời qua câu chuyện của một thương lái đến thu mua lúa. Người thương lái đang cố gắng thương lượng với bà Chín để lại hết số lúa nếp hạt cau vừa thu hoạch cho mình với giá cao.
Bà Chín ngập ngừng từ chối: Chỉ còn lại vài tạ, tôi để xay xát rồi biếu họ hàng dịp Tết âm lịch sắp tới, nên không thể bán cho chị được. Chúng tôi vặn hỏi mãi, chị thương lái kia mới trả lời, rằng mấy tuần nay đôn đáo khắp đồng nọ ruộng kia để thu mua lúa nếp hạt cau, cũng đã thu mua được hơn trăm tấn. Đầu vụ chị thu mua với giá 8.000 đồng/kg lúa tươi, nay đã cuối vụ nên giá lên đến 9.000 đồng/kg. Chủ ruộng chỉ cần gật đầu là xe thồ chạy đến tận bờ chở đi, tiền cũng được trao ngay tại bờ khi từng bao lúa được chất lên xe.
Được biết, lúa nếp hạt cau khô có giá khoảng 12.000 đồng/kg, giá gạo còn cao hơn, thường dao động từ 20.000-30.000 đồng/kg tùy loại. Nhẩm tính thì gia đình bà Chín thu lãi từ 1,3-1,4 triệu đồng/sào nếu bán ngay lúa tươi, như vậy cả thửa ruộng 7 sào sẽ cho thu nhập gần chục triệu đồng.
Theo cán bộ Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Kim Sơn cho biết, lúa nếp hạt cau là giống lúa đặc sản chủ lực tại địa phương. Bên cạnh đó, còn có Tám xoan, Dự, Nếp cái hoa vàng, Mộc hương. Đây đều là các giống lúa dài ngày nên chỉ cấy vào trà muộn của vụ mùa.
Trong những năm gần đây, diện tích lúa đặc sản trà muộn tại huyện Kim Sơn ngày càng được mở rộng. Trong vụ mùa năm 2019 này, diện tích lúa trà muộn là hơn 2.600ha, chiếm 32,1% tổng diện tích gieo cấy, tăng 930ha so với vụ mùa năm 2018.
Trong cơ cấu giống mùa muộn, lúa nếp hạt cau chiếm gần 90% diện tích. Diện tích lúa nếp hạt cau chủ yếu tập trung ở các xã Hồi Ninh, Kim Định, Ân Hòa, Hùng Tiến, Như Hòa, Quang Thiện, Kim Tân. Do thời tiết trong vụ thuận lợi, lúa ít sâu bệnh nên năng suất lúa đạt cao, trung bình từ 1,5 tạ - 1,8 tạ/sào, cá biệt có hộ đạt trên 2 tạ/sào. Không chỉ được mùa, lúa nếp hạt cau còn đang được cả giá, giá thu mua hiện dao động từ 9.000 đồng - 9.400 đồng/kg thóc tươi, trong khi giá năm 2018 là 8.500 đồng/kg thóc tươi.
Giá trị kinh tế từ cây giống lúa nếp hạt cau đạt trên 46 triệu đồng/ha canh tác. Như vậy có thể khẳng định rằng, vụ mùa năm 2019 là vụ lúa thắng lợi lớn của người nông dân Kim Sơn, đặc biệt là với người gieo cấy lúa nếp hạt cau: được mùa, được giá.
Bài, ảnh: Thái Học