Triển khai Chỉ thị 05, Hội Nông dân huyện đã chủ động quán triệt các nội dung đến cán bộ, hội viên nhất là cán bộ chủ chốt từ huyện xuống cơ sở với phương châm cán bộ Hội phải là người tiên phong, biết nêu gương cho hội viên, nông dân học tập, làm theo, đồng thời phải thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc của họ tới cấp ủy, chính quyền địa phương… Cùng với đó, các cấp Hội chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để phù hợp với từng đối tượng. Trong đó đáng chú ý là việc tích cực triển khai cuộc thi Tìm hiểu "Bác Hồ với Ninh Bình - Ninh Bình làm theo lời Bác", đã tuyên truyền được 126 buổi, cho 15.230 lượt người dự, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp đến các cơ sở hội, chi hội, nhằm định hướng việc rèn luyện đạo đức, lối sống của mỗi người.
Hội Nông dân huyện còn gắn việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, các phong trào thi đua của tổ chức Hội mà điển hình là phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Trong đó các cấp hội tiếp tục thể hiện được vai trò là "điểm tựa" tin cậy của bà con nông dân với việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ được tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật, vay vốn phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản… Trong năm quỹ Hỗ trợ nông dân đã tăng trưởng 126 triệu đồng, nâng tổng nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân toàn huyện là 4.895 triệu đồng. Hội còn làm tốt công tác phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT; Ngân hàng CSXH huyện duy trì và thành lập được 175 tổ tiết kiệm vay vốn với 6.499 thành viên, dư nợ trên 350 tỷ đồng. Bên cạnh đó các cấp Hội cũng chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp tổ chức 37 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật sử dụng phân bón cho 3.120 lượt hội viên; cung ứng trên 280 tấn phân bón trả chậm cho hội viên nông dân.
Điểm đáng chú ý ở phong trào này còn ở hoạt động tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của chính các hội viên nông dân thông qua phổ biến kinh nghiệm làm ăn, cho mượn vốn với lãi suất ưu đãi, tạo việc làm tại chỗ. Nhiều hội viên đã mạnh dạn xây dựng các mô hình trang trại sản xuất kinh doanh cho hiệu quả cao và giúp được nhiều hội viên khác cùng phát triển, điển hình như trang trại của anh Trịnh Đình Chính, xã Gia Vân, anh Bùi Đức Thịnh, xã Gia Hòa…
Bên cạnh việc tư vấn, hỗ trợ nông dân sản xuất, các cấp Hội còn đẩy mạnh phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới như đóng góp tiền của, ngày công, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế; vận động hội viên nông dân tích cực thực hiện nếp sống văn minh, tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường. Theo đó, cán bộ, hội viên nông dân đã đóng góp 12,6 tỷ đồng, 1.490 ngày công xây dựng Nông thôn mới. Đồng thời xây dựng 4 mô hình " Dân vận khéo" cấp huyện, đó là: "Xây dựng cánh đồng kiểu mẫu không vỏ thuốc bảo vệ thực vật" tại xã Gia Minh, Gia Hưng, hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa xóm 4 xã Gia Thắng và "cửa hàng nông sản an toàn Trang Quyết"- thị trấn Me; Hội nông dân các xã, thị trấn đã xây dựng được 27 mô hình "Dân vận khéo", tiêu biểu như xã Gia Xuân, Gia Vân, Gia Hưng, Thị trấn Me…
Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định thời gian qua việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị thường xuyên, sâu rộng, góp phần quan trọng khơi dậy ý chí tự lực và tinh thần sáng tạo trong lao động sản xuất của cán bộ, hội viên nông dân huyện Gia Viễn.
Đào Duy