Tích cực chuẩn bị cho lễ hội Về Hoa Lư những ngày cuối tháng 3, trên tuyến đường từ ngã 3 Cầu huyện tới xã Trường Yên và đầu các tuyến đường lớn qua huyện, cờ Tổ quốc, cờ hội, pa nô, tranh cổ động tuyên truyền cho Lễ hội truyền thống Trường Yên được chăng treo khắp nơi. Huyện Hoa Lư đã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể cho công tác tổ chức lễ hội.
Theo đó, công tác tuyên truyền được thực hiện tập trung từ cuối tháng 3 đến 20-4-2016; trong đó, tăng cường tin bài tuyên truyền các hoạt động lễ hội trên đài truyền thanh huyện, đài truyền thanh các xã; làm pano thông báo chương trình lễ hội đặt trước Bưu điện xã Trường Yên, ngã ba Cầu huyện, bến xe lễ hội; làm giàn tranh cổ động rộng 90 m2 tại trung tâm lễ hội; xây dựng các cụm panô tuyên truyền tại khu vực Cố đô; treo cờ Tổ quốc, cờ hội tại các điểm đền vua Đinh, đền vua Lê, nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ, khu vực sân lễ hội, hồ bán nguyệt, núi Lăng, núi Cột cờ, động Thiên Tôn, Cầu huyện. Ban quản lý danh thắng Tràng An cùng các xã chuẩn bị 4 kiệu rồng, 2 rồng vải, 50 cờ Tổ quốc, 50 cờ thần, 50 cờ hồng, trang phục cho đội khiêng kiệu, cầm rồng, cầm cờ, đội bát âm, người chèo thuyền và đảm bảo các điều kiện hậu cần cho lễ rước nước, lễ tế phẩm, lễ khai mạc…
Ông Trần Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Yên cho biết: Là người con quê hương, được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cố đô, chúng tôi tự hào với truyền thống của quê hương. Việc chuẩn bị chu đáo các điều kiện, gắn kết các mắt xích trong khâu tổ chức góp phần để lễ hội diễn ra an toàn, trang nghiêm, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất Cố đô Hoa Lư luôn được cấp hội, đoàn thể, cán bộ, nhân dân trong huyện, trong xã đặt lên vị trí hàng đầu.
Đối với hơn 1 nghìn cán bộ, hội viên Hội nông dân xã đều đã chủ động trong công tác chuẩn bị đối với những người tham gia các tiết mục trong lễ hội như cầm đầu rồng, đua thuyền và thi chọi gà đều được tổ chức tập luyện sớm; các hội viên khác tham gia dọn vệ sinh môi trường thôn, xóm; các gia đình treo cờ Tổ quốc; 16/16 thôn xóm tham gia đăng ký tế lễ tại đền thờ vua Đinh, vua Lê; xây dựng kế hoạch cụ thể trong công tác tổ chức thi chọi gà, đua thuyền đảm bảo không khí vui tươi, lành mạnh.
Đối với các đơn vị tham gia tại lễ hội Trường Yên, sức nóng trong công tác chuẩn bị cũng không hề kém, nhất là ở các huyện có các tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian đặc sắc của quê hương, với mong muốn mang tới lễ hội nét văn hóa đặc trưng của địa phương mình.
Tái hiện các giá trị di sản văn hóa truyền thống
Để tưởng nhớ công ơn vĩ đại của vua Đinh Tiên Hoàng trong công cuộc dựng nước và giữ nước, sau khi đức Vua mất nhân dân đã lập đền thờ đức Vua và tổ chức lễ hội hàng năm (từ ngày 8-10 tháng ba âm lịch), từ đó trở thành lễ hội truyền thống của cộng đồng dân cư xã Trường Yên. Hơn 10 thế kỷ qua, khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư vẫn giữ được những giá trị di sản của một Cố đô sầm uất thông qua hiện vật quý mà cha ông để lại với gần 700 hiện vật, di vật cổ và nhân dân xã Trường Yên vẫn lưu giữ được các nghi lễ truyền thống đặc trưng từ thời đại Đinh Lê.
Từ năm 2015 đến nay, lễ hội được tổ chức theo nghi thức lễ hội di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, theo quy mô lễ hội cấp tỉnh. Nhiều giá trị di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của quê hương Ninh Bình được tái hiện trong các nghi thức tế lễ cũng như trong phần hội. Trong đó, phần lễ được tổ chức trang nghiêm, đảm bảo các nghi lễ truyền thống, nêu cao đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" nhằm tôn vinh, tri ân công đức các bậc Đế vương, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; thể hiện ước nguyện nhân dân cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, trăm dân vui vẻ. Các nghi thức tế lễ được duy trì hàng nghìn năm nay như lễ mở cửa đền, lễ dâng hương, lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ tiến phẩm, lễ rước kiệu từ các di tích lịch sử liên quan đến các triều đại Đinh, Tiền Lê về lễ hội, tế lễ cổ truyền, lễ cầu siêu và lễ hội hoa đăng, lễ tạ.
Phần hội gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian; khai thác, phục hồi các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian của địa phương, tạo không khí vui tươi, lành mạnh tại không gian lễ hội. Trong đó lễ khai mạc được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ trình diễn màn "Trống hội Hoa Lư", lễ đăng quang Hoàng đế, cờ lau tập trận, kéo chữ Thái Bình, giao lưu văn nghệ quần chúng, biểu diễn trống hội và cồng chiêng, thi trưng bày mâm ngũ quả tiến vua, thi chèo thuyền khéo, thi thư pháp, biểu diễn múa lân, múa rồng, hội trại thanh niên, giải vật dân tộc năm 2016, kéo co, bắn nỏ, các hoạt động trưng bày, quảng bá về hình ảnh, hiện vật kinh đô Hoa Lư, triển lãm ảnh nghệ thuật "Non nước Ninh Bình", trưng bày giới thiệu các sản phẩm thủ công, đặc sản tiêu biểu của tỉnh và nhiều hoạt động quảng bá du lịch.
Theo Ban Tổ chức Lễ hội truyền thống Trường Yên, lễ hội là dịp để tuyên truyền, giáo dục về truyền thống dựng nước của cha ông ta, về các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Ninh Bình với nhân dân trong và ngoài tỉnh. Thông qua các hoạt động của lễ hội góp phần bảo tồn, kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc; quảng bá tiềm năng thế mạnh về du lịch, thu hút khách tham quan trong và ngoài nước về với Ninh Bình.
Hồng Vân