"Cầu" vượt "cung" và nỗi ám ảnh mang tên: Học thêm
Con chuẩn bị vào lớp 1, theo trào lưu, tôi xin cho con học thêm mặc dù cháu đã khá quá tải với lịch học đàn, học múa, học bơi và học tiếng Anh nhưng mọi người đều bảo nếu không học thêm tính nhẩm, đọc viết trước thì vào lớp sẽ không theo kịp bạn bè, chương trình tiểu học giờ khác với xưa. Bất đắc dĩ, tôi nhờ cô bạn đang công tác trong ngành giáo dục xin hộ và nhận được lời trách móc: "Trời ạ, sao bây giờ mới nói, muộn quá, lớp nào vào lớp ấy hết rồi. Chị ấy dạy 3 ca một ngày mà nhiều người nhờ quá, lớp đông cháu không chất lượng. Tớ phải nói mãi mới xin được đấy, nhưng đừng bảo làm báo nhé, chị ấy không nhận đâu". Tìm hiểu ra, tôi mới biết, hầu hết các bạn cùng lớp mầm non với con tôi khi vừa kết thúc năm học mẫu giáo đã tìm chỗ học thêm vào lớp 1. Thường mỗi lớp các cô chỉ nhận 20 cháu nhưng do nhu cầu đông nên có lớp lên đến tận 25, 30 cháu. Dù phòng học chỉ là nhà văn hóa phố mà cô giáo mượn hoặc thuê, mỗi buổi học có hơn 20 học sinh nhưng không khí đi học của các em vừa bước khỏi lớp "mầm" rất nhộn nhịp: Cũng cặp sách, bút chì, thước kẻ, cũng vui khi được cô giáo khen như ở trường vậy... "Niềm vui" đến trường sớm ấy không biết có bằng những giọt mồ hôi thấm đầy trên tóc, trên lưng áo các em bé khi 1 tuần các em phải theo học 3 buổi như thế khi còn chưa biết trường, lớp là gì và giữa cái nắng nóng gần 40 độ của những ngày tháng 6, tháng 7.
Còn một cô bạn của tôi thì thở ngắn than dài: Con tớ năm nay lớp 9, nhìn lịch học của nó mà chóng hết cả mặt để làm sao hoàn thiện chương trình trong học kỳ I, đến học kỳ II chỉ để ôn thi vào lớp 10. Vậy là kỳ nghỉ hè này của đứa trẻ ấy trở thành "học kỳ III" theo đúng nghĩa với lịch học dày đặc, có ngày lên tới 3 ca, giữa 2 ca còn không có thời gian nghỉ ngơi mà chỉ cầm chừng bằng cái bánh mỳ và hộp sữa mà bố mẹ mang theo để bồi dưỡng. Tôi gặp cháu khi vừa đi học 2 ca về, gương mặt thất thần và mệt mỏi kèm những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, thấy xót xa cho cái "học kỳ III" của các em quá. Đúng là "Tuổi thơ dữ dội" khi các em mới bắt đầu vào học đã phải đi học thêm, cuối cấp thì học ôn để luyện thi, không còn một chút thời gian rảnh nào để có sống với những đam mê riêng có của mình. áp lực học hành, áp lực thi cử đang làm các em bị "đánh cắp" những ngày hè lẽ ra phải được vui chơi, nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động cộng đồng, sinh hoạt hè ở khu phố... Và chung quy lại cũng là do "cầu" nhiều hơn "cung", do phụ huynh sợ con mình không theo kịp bạn bè nên tình trạng học thêm, dạy thêm mới trở nên nhộn nhịp như thế.
Thực tế có những em học sinh tiểu học không có ngày nghỉ trong tuần, thậm chí học còn nặng ca hơn trong năm học chính thức. Học phí của "học kỳ III" cũng không theo một quy định nào mà do sự thỏa thuận giữa người dạy và người học. Nói là "thỏa thuận" nhưng thực chất là do sự áp đặt của người dạy hoặc người tổ chức lớp học. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn cũng phải cố "thắt lưng buộc bụng", chi một khoản tiền đáng kể để đóng học cho con, con số đó với học sinh THCS phải lên đến vài triệu nếu học thêm ở các Trung tâm tiếng Anh, học sinh tiểu học cũng phải tiền triệu nếu học đủ các môn văn, toán, ngoại ngữ.
Cần chế tài "cứng" và các giải pháp "mềm"
Để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trong dịp hè, UBND, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố đều có công văn phổ biến quy định của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian học sinh nghỉ hè, các cơ sở giáo dục không tổ chức dạy thêm, học thêm, dạy trước chương trình; đồng thời yêu cầu các trường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong và ngoài nhà trường tổ chức các hoạt động vui chơi, ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống nhằm tạo cho các em học sinh có những ngày hè bổ ích. Tuy nhiên, "dạy thêm, học thêm" vẫn là một căn bệnh trầm kha khó chữa bởi như đã phân tích ở trên nó xuất phát từ chính nhu cầu của phụ huynh và học sinh chứ không phải đòi hỏi của giáo viên. Nhiều giáo viên mà tôi biết tâm sự rằng không muốn dạy thêm nhưng nể mối quan hệ quen biết nên nhận dạy và đã dạy thì cũng không phải 1,2 em mà góp thành 1 lớp.
Vấn đề đáng quan tâm là hoạt động học thêm, dạy thêm diễn ra trong hầu như suốt cả dịp hè khiến cho nhiều học sinh, nhất là các em học sinh tiểu học không có được những giây phút nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm học bận rộn, căng thẳng. Điều 4, Thông tư số 17 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 16/5/2012 quy định về dạy thêm, học thêm đã ghi rõ: "Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao và rèn luyện kỹ năng sống". Sau đó, tháng 11/2014, Bộ tiếp tục ban hành Chỉ thị về chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học với nhiều quy định cụ thể, xử lý kiên quyết hơn tình trạng này.
Riêng ở tỉnh ta, Sở Giáo dục và đào tạo cũng như phòng Giáo dục các huyện, thành phố cũng có văn bản yêu cầu các đơn vị không dạy thêm đối với học sinh trước khi vào lớp 1, học sinh tiểu học. Đó là các chế tài "cứng". Tuy nhiên, trên thực tế, các lớp học thêm dành cho học sinh tiểu học, THCS vẫn sáng đèn, số lượng chẳng những không giảm mà còn có chiều hướng tăng. Và để "lách luật" là không dạy thêm tại nhà, tránh các đoàn kiểm tra thì địa điểm dạy và học thêm được chuyển sang các nhà văn hóa, gia đình người thân các thầy cô giáo... Vì thế, ngoài các chế tài "cứng", chúng ta cần các giải pháp "mềm". Không thể đổ hoàn toàn lỗi do ý thức của phụ huynh mà thay vào đó, nên làm tốt công tác quản lý giáo viên. Khi triệt tiêu mọi nguồn "cung" thì "cầu" dù có cũng không thể thực hiện. Trường hợp phụ huynh có nhu cầu cho con đi học thêm, hơn ai hết giáo viên chính là người đóng vai trò định hướng cho học sinh nên học môn gì, thời lượng bao nhiêu là phù hợp. Ngoài ra, trong dịp hè, các trường, nhất là trường tiểu học nên có sự phối hợp tốt với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong việc tổ chức sinh hoạt, quản lý học sinh trong dịp hè; tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt hè nơi cư trú để tạo sân chơi, sức hút, từ đó tạo được chuyển biến trong nhận thức của phụ huynh về vấn đề học thêm, học trước chương trình. Các kỳ thi, nhất là với các em học sinh tiểu học nên tiết chế lại, kể cả thi qua mạng để các bậc phụ huynh, các em học sinh không nhìn vào các kỳ thi cấp trường, cấp thành phố, cấp tỉnh để so đo thành tích cuối năm, phải đi học thêm nhiều mới có kết quả cao. Chuyển biến từ trong nhận thức của phụ huynh là giải pháp "mềm" quan trọng nhất bên cạnh các chế tài "cứng" cần xiết chặt để hoạt động dạy thêm, học thêm đi vào nền nếp, để "học kỳ III" đầy ám ảnh không còn tồn tại.
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh