Cô giáo Kiều Thị Nhung, GVCN lớp 12D, Trường THPT Nho Quan C chia sẻ, thực tế, vào đầu năm học, khi Ban Giám hiệu phân công, có nhiều giáo viên không muốn nhận làm công tác chủ nhiệm. Bởi đơn giản một điều, hầu hết công việc của người GVCN là những công việc không tên, trong đó có rất nhiều thứ việc buộc GVCN phải quan tâm, chỉ đạo, triển khai thực hiện và hoàn thành... Đơn cử như việc hướng dẫn, giáo dục học sinh thực hiện nội quy nề nếp, tổ chức cho học sinh học tập, lao động, vệ sinh trường lớp, bảo vệ tài sản của lớp, của trường... Cùng với đó tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động chung, triển khai các công việc theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; nắm bắt và thực hiện các thủ tục cho học sinh được hưởng chế độ chính sách; xử lý, giải quyết các tình huống, những vấn đề nảy sinh trong lớp, trong các mối quan hệ giữa bạn cùng giới với khác giới...
Cô giáo Đinh Thị Ngọc Hà, giáo viên Trường THCS Trương Hán Siêu (thành phố Ninh Bình)-người có hàng chục năm làm công tác chủ nhiệm lớp chia sẻ thêm: Với GVCN, vào đầu năm học, trong khi các giáo viên bộ môn chỉ phải lo tập trung soạn, chuẩn bị bài để giảng dạy, thì GVCN tất bật với một "núi" công việc, như ổn định, làm quen, nắm bắt, dặn dò học sinh; phân công ban cán sự lớp, sinh hoạt tuần lễ công dân, lao động vệ sinh trường lớp… Nhưng, công việc nặng nề, phức tạp và ngại ngần nhất mà GVCN phải làm là thu các khoản tiền của học sinh. Việc thu tiền không chỉ tiêu tốn thời gian, đôi khi còn làm giáo viên khó xử khi phải tiếp đón phụ huynh, giải thích cho họ về các khoản thu theo quy định để họ lắng nghe và đồng thuận.
Được biết, nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm khá nặng nề, trong khi chế độ ưu tiên không đáng kể. Họ chỉ được giảm dạy 3-4 tiết học trong 1 tuần, trong khi lại phải dành 1-2 tiết dự cuộc họp chủ nhiệm để đánh giá, rút kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ... Trong khi đó, GVCN không chỉ giảng dạy trên lớp như những giáo viên khác mà còn phải kiêm thêm nhiều nhiệm vụ, hoạt động khác, luôn phải đến sớm và về muộn, như đến lớp cùng học sinh 15 phút đầu giờ; hoàn thiện hàng loạt các loại sổ sách, hồ sơ về công tác chủ nhiệm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; cùng học sinh lao động, tham gia các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT...; khi "may mắn" có học sinh đạt giải cuộc thi, hội thi, thì chính GVCN phải là người theo sát, động viên, đưa-đón các em đi thi, đi nhận giải thưởng... Cùng với đó là áp lực về thành tích học tập, công tác thi đua, khen thưởng, xếp loại; quan tâm, nắm bắt tâm sinh lý, nền nếp học sinh và giữ thông tin, liên lạc đến gia đình học sinh...
Nỗi niềm khi làm GVCN thì có nhiều. Một giáo viên ở một trường THPT từng làm chủ nhiệm lớp có học sinh nữ mang bầu phải nghỉ học để cưới gấp và sinh con, chia sẻ, cô cảm thấy thật đáng tiếc cho học sinh này, bởi đó là một lớp phó học tập, rất hiền ngoan, học giỏi và gương mẫu. Khi sự việc xảy ra, ai cũng bất ngờ, bản thân cô còn bất ngờ hơn và luôn suy nghĩ mình ít nhiều có lỗi trong việc này, bởi giá như có thời gian gần gũi, quan tâm hơn đến tâm tư, suy nghĩ của em ấy, thì biết đâu không xảy ra sự việc đáng tiếc đó. Nhiều GVCN ở các trường miền núi, nông thôn mang nỗi lo học sinh nghỉ học, bỏ học sớm để kiếm sống, lập gia đình...; ở các trường đô thị thì lo học sinh trốn học, lấy tiền đi chơi điện tử, tụ tập hội nhóm tham gia vào các tai, tệ nạn xã hội... Đấy là chưa kể đến việc, khi có các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa, hội trại... nỗi lo của GVCN là làm sao để các hoạt động ấy diễn ra không chỉ vui vẻ, hiệu quả, mà còn phải đảm bảo an toàn về mọi mặt cho các em học sinh.
Theo Ban Giám hiệu các nhà trường, những người được tin tưởng giao nhiệm vụ làm chủ nhiệm lớp, thường là những giáo viên ngoài có trình độ chuyên môn vững vàng, còn phải có tình yêu nghề, sự kiên trì, nhẫn nại và cả quỹ thời gian nhất định mới có thể ngày nào cũng phải có mặt ở lớp và gần gũi các em học sinh. Cho nên, cùng với sự vất vả, những áp lực, niềm vui, sự tự hào đối với các GVCN cũng có rất nhiều. Nhất là với những GVCN bậc THPT, thường có 3 năm gắn bó với các em học sinh. Từ khi các em còn bỡ ngỡ bước vào lớp 10, được GVCN quan tâm, chia sẻ, định hướng cho các em sẽ để lại những ấn tượng, kỷ niệm tốt đẹp, để sau này, khi đã trưởng thành rồi, các em vẫn nhớ về cô giáo chủ nhiệm của mình với một tình cảm trân trọng, yêu thương và lòng biết ơn-Đó cũng chính là phần thưởng quý giá nhất của mỗi GVCN trong cuộc đời dạy học.
Mỹ Hạnh