Qua tìm hiểu trên địa bàn thành phố Ninh Bình, hầu hết các khoản đóng góp đều tăng, từ việc mua sách giáo khoa, bảo hiểm y tế đến việc may đồng phục, tiền ăn, tiền bán trú… Chi phí đầu năm cho 1 học sinh tiểu học khoảng 700.000 đồng, trong khi đó, không ít gia đình chỉ có thu nhập bình quân khoảng 500.000 đồng/tháng. Một khoản chi không nhỏ đó là việc phải mua sách giáo khoa. Mỗi năm học, phụ huynh phải chi trên 100.000 đồng/học sinh để mua sách giáo khoa. Đến những ngõ, xóm lao động ở các phường, xã: Ninh Phúc, Ninh Phong, Ninh Khánh…, mấy ngày đầu năm học này ai cũng cảm nhận được nỗi lo trên từng gương mặt của những người mẹ có con đi học, họ phải góp nhặt từng đồng để kịp nộp tiền đóng góp đầu năm cho con. Chị Nguyễn Thị Lý, phường Ninh Khánh có đến 3 con đang đi học, chị tâm sự: "Các con tôi bắt đầu đi học nên chi phí trong gia đình rất khó khăn, vợ chồng đang gom góp để có thể đủ tiền đóng góp cho các cháu". Chị Trần Thị Kim, xóm Yên Khoái, xã Ninh Phúc ngồi nhẩm tính lại những khoản tiền trường vừa mới đóng cho 2 đứa con học lớp 1 và lớp 4, chị cho biết, riêng tiền đóng góp cho hai đứa 1 triệu đồng.
Sách giáo khoa, học phí là những khoản chi bắt buộc. Ngoài ra, mỗi học sinh đều phải đóng thêm nhiều khoản chi khác như: Quỹ trường, quỹ lớp, quỹ Đội, tiền điện, nước, bảo vệ, tiền bán trú, tiền nước sạch…, thậm chí có trường còn yêu cầu học sinh phải mua vở viết, bảng "đồng phục" được quy định cho từng lớp, từng khối (mỗi lớp, mỗi khối học một màu). Chị Đặng Thị Phượng có con đang học lớp 1, Trường Tiểu học L.T.T cho biết: Ngoài tiền học phí, bán trú, chị phải đóng thêm 160.000 đồng tiền bảo hiểm (bảo hiểm y tế và Bảo việt), 145.000 đồng tiền đồng phục, 50.000 đồng tiền quỹ lớp, 50.000 đồng tiền điện, nước/học kỳ, 60.000 đồng tiền mua vở… Chị phàn nàn: "Các khoản đóng góp đầu năm của con bằng cả tháng lương của tôi. Không hiểu vì sao lại bắt học sinh phải viết vở của cô giáo mua, trong khi đó tôi đã mua đầy đủ cho cháu trước khi bước vào năm học. Lãng phí quá". Bảo hiểm y tế và Bảo việt năm nay có tăng hơn nhưng dường như tất cả học sinh đều phải đóng. Nói là khoản thu không bắt buộc nhưng trường nào, lớp nào cũng lên danh sách sẵn. Phụ huynh không muốn đóng cũng không được.
Những khoản thu nhiều thường tập trung ở các trường tổ chức cho học sinh bán trú như Trường Tiểu học Thanh Bình, tổng số tiền học sinh đầu cấp phải đóng là 1.069.000 đồng, cao hơn so với các khối còn lại. Cô Phạm Thị Xuân Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Các khoản thu phục vụ cho học sinh trong năm học, chúng tôi đã cân nhắc, tính toán rất kỹ và đều có sự thống nhất giữa nhà trường với hội cha mẹ học sinh. Sở dĩ lớp 1 đóng nhiều tiền hơn bởi lớp đầu cấp, phải đóng thêm tiền sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất của nhà trường như: Bếp, xoong, chảo; mua giát giường, chiếu, chăn, gối… để phục vụ việc ở lại trưa cho các em. Cộng các khoản thu tiền trang bị ban đầu là 300.000 đồng. Còn lại tiền điện, nước, vệ sinh, bảo vệ đã lên dự kiến cụ thể, chi tiết, học kỳ I thu 70.000 đồng, còn học kỳ II căn cứ thực tế để thu tiếp, quỹ hội phụ huynh thu 50.000 đồng cũng được thỏa thuận với phụ huynh ngay từ cuối năm học trước. Tính ra những khoản thu của trường năm nay nhiều nhất cũng từ 8-9 khoản đối với bán trú, 5-6 khoản đối với các em học 1 buổi…
Các khoản thu không chỉ tăng ở khối trường tiểu học mà ngay ở bậc mầm non cũng "phát sinh" nhiều khoản. Ngoài tiền học phí, tiền bán trú hàng tháng, còn phải đóng các khoản khác như tiền gas, tiền điện, nước từ 25.000 - 30.000 đồng/tháng; quỹ phụ huynh 50.000 đồng/năm, quỹ lớp 100.000 đồng, tiền mua đồ dùng học tập cho các cháu 70.000 - 150.000 đồng/năm, tiền trông trưa 15.000 đồng/tháng. Do giá cả tăng nên tiền ăn của mẫu giáo cũng đã tăng, có trường tăng 2.000-3.000 đồng,
Cố gắng cho con đi học là một nỗ lực rất lớn của các bậc phụ huynh, nhất là đối với những phụ huynh có mức thu nhập thấp. Nhà trường cũng cần nghiên cứu kỹ những khoản thu sao cho hợp lý, vừa sức với phụ huynh để những khoản thu tiền trường đầu năm không còn là gánh nặng, không còn là nỗi băn khoăn của các bậc phụ huynh học sinh.
Thanh Hà