Con số thống kê đó có thể chưa nói lên tất cả những chuyển biến tích cực của Văn Phương bởi theo lãnh đạo xã thì cái được lớn nhất khi triển khai công tác giảm nghèo ở đây là việc thay đổi nhận thức, tư duy về nếp nghĩ, nếp làm vốn rất cũ kĩ của người dân, giúp họ từ bỏ thói quen ỷ lại, tự lực vươn lên thoát nghèo.
Để giúp chúng tôi có cái nhìn đầy đủ hơn về Văn Phương, đồng chí Chủ tịch UBND xã không ngại ngần chia sẻ: Nhà báo cứ hình dung cách đây khoảng 6-7 năm, khi tỷ lệ hộ nghèo của xã lên tới 40%, tức là có gần một nửa số hộ dân trong xã thuộc diện hộ nghèo thì hầu như ai cũng coi cái nghèo, cái đói là chuyện bình thường. Vậy nên mới có chuyện, địa phương mở các lớp dạy nghề cho nông dân nhưng chẳng có mấy người theo học, lý do đủ cả, người sợ theo học mất nhiều thời gian trong khi mỗi khóa học chỉ diễn ra từ 3-5 ngày hoặc dài nhất là 2 tháng, người lại cho rằng học cũng chẳng để làm gì… Tất cả cũng chỉ bởi tâm lý "trời sinh voi, trời sinh cỏ" đã ăn sâu bén rễ trong tư tưởng của họ.
Còn nhớ, thời gian đó tỉnh đang triển khai mạnh mẽ Nghị quyết 10 về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo, đi kèm là rất nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân. Khi Nghị quyết này về với Văn Phương, các công trình giao thông nông thôn, trường học, công trình điện, nước… được đầu tư xây mới, nâng cấp đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển. Cùng với đó là việc các hộ nghèo được hưởng sự ưu đãi và hỗ trợ lớn của tỉnh, của huyện. Nhưng lại xuất hiện một nghịch lý là một số hộ không muốn thoát nghèo. Thực tế mỗi lần tổ chức cuộc họp bình xét hộ nghèo khá vất vả. Nhà này xin, nhà kia kiện nhưng tựu chung cũng chỉ muốn được nằm trong diện nghèo. Anh Bùi Nguyên Khánh ở thôn Tiền Phương 1, trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo nhớ lại: Ngày ấy không ít người trong chúng tôi cho rằng là hộ nghèo thì đến các dịp lễ, Tết đều được tặng quà, phát gạo miễn phí và được hỗ trợ xây nhà, hỗ trợ chăn nuôi… vậy nên cũng không mặn mà với việc thoát nghèo.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: ở thời điểm đó lãnh đạo xã đã họp bàn và đánh giá dù hiện tượng này không phải là phổ biến nhưng nếu không kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sẽ để lại những hệ quả đáng tiếc, có thể ảnh hưởng đến cả sau này. Việc cần làm ngay chính là phải xóa nghèo trong nhận thức của người dân, giúp họ hiểu rằng việc xây nhà, trợ cấp gạo và bảo đảm quyền lợi của người nghèo thông qua những chính sách an sinh xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp hỗ trợ trước mắt. Về lâu dài, cần nắm bắt những cơ hội thoát nghèo khác mà Trung ương và địa phương đang tiếp tục triển khai như hỗ trợ dạy nghề, vay vốn… phát triển sản xuất. Đồng thời phải coi việc giảm nghèo trước hết thuộc về từng cá nhân, gia đình chứ không chỉ trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Từ nhận thức đúng đắn đó, xã đã triển khai tuyên truyền rộng khắp bằng nhiều hình thức từ hội họp cho tới việc cán bộ đến từng nhà để giải thích, động viên người dân tích cực tham gia công tác giảm nghèo. Vậy là với sự quyết tâm, bền bỉ của cán bộ địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động theo phương châm "Mưa dầm thấm lâu" bước đầu đã làm cho người nghèo muốn thoát nghèo. Đây có thể coi là bước tiến quan trọng trên hành trình giảm nghèo của Văn Phương.
Một kinh nghiệm thực tiễn nữa ở Văn Phương là việc vận động bà con tham gia công tác giảm nghèo không phải chỉ có "nói" cho dân hiểu mà còn cần phải "làm" cho dân tin. Mỗi khi đưa một giống cây, con mới vào sản xuất, cán bộ luôn là người đi tiên phong. Khi nhìn thấy hiệu quả thì chẳng phải nói nhiều, bà con sẽ mạnh dạn làm theo. Từ một số mô hình của cán bộ, đảng viên, đến nay toàn xã đã phát triển mạnh mẽ các trang trại, mô hình lớn nhỏ về chăn nuôi, đặc biệt là các con nuôi có giá trị cao như ong, hươu, rắn…
Anh Bùi Nguyên Khánh, chủ một trang trại nuôi lợn rừng ở thôn Tiền Phương 1 cho biết: Mỗi năm từ chăn nuôi, gia đình anh cũng thu được từ 50-70 triệu đồng. So với cuộc sống khốn khó trước đây thì khoản thu nhập này đã giúp anh không còn phải chạy ăn từng bữa, lúc đau ốm có tiền trang trải…
Anh Khánh nhớ lại: Trước đây vốn liếng của gia đình chẳng có gì vậy nên đánh vật với đất mấy năm ròng cũng không thoát khỏi cảnh túng quẫn. Rồi tới khi cán bộ đến vận động, kể những cách làm ăn, cách trồng trọt, chăn nuôi… anh nghe mới vỡ vạc ra đôi chút. Cùng lúc ấy trong thôn cũng đã bắt đầu có vài hộ nuôi lợn rừng, anh Khánh mạnh dạn làm theo. Khởi điểm anh được Hội Nông dân cho vay 20 triệu đồng, sau này lại vay thêm từ Ngân hàng Nông nghiệp 100 triệu đồng. Vốn có đến đâu thì mở rộng quy mô chăn nuôi đến đó. Không những thoát khỏi đói nghèo mà Tết năm nay gia đình anh Khánh còn no đủ với những sản phẩm "Cây nhà lá vườn" do chính tay mình làm ra.
Được biết, không chỉ chú trọng phát triển chăn nuôi, hiện nay xã Văn Phương còn đang phát triển mạnh cây vụ đông. Với mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm, địa phương chú trọng hỗ trợ, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ KHKT, đưa các giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh vào sản xuất. Trên cánh đồng của thôn Tiền Phương 1, những ngày giáp Tết bà con đang nhộn nhịp chăm sóc, thu hoạch cây rau mầu.
Ông Đinh Duy Hiền phấn khởi cho biết: Trồng cây vụ đông tuy vất vả, nhưng bù lại có thu nhập khá.Năm nay ngoài các cây trồng chủ lực như ngô, khoai tây, chúng tôi còn được hỗ trợ đưa cây cà chua vào sản xuất. Trung bình 1 sào trồng cà chua nếu trừ chi phí có thể thu lãi được hơn chục triệu đồng/vụ.
Đã bớt chút trăn trở, đồng chí Chủ tịch UBND xã chia sẻ với chúng tôi: Điều đáng mừng nhất hiện nay là người dân Văn Phương đã và đang phát huy bản chất cần cù của mình để nỗ lực thoát nghèo. Cùng với đó chúng tôi cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, của huyện. Vì vậy diện mạo của Văn Phương cũng đã khác trước rất nhiều, đường làng ngõ xóm được đổ bê tông, trạm y tế, trường học được xây dựng khang trang, sạch đẹp, đời sống của nhân dân được cải thiện nhiều mặt, số hộ nghèo giảm rõ rệt, nhiều hộ có bát ăn, bát để… Cũng bởi vậy mà mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân Văn Phương lại có thêm niềm mới - niềm vui của cuộc sống ấm no.
Đào Duy