Bà Nguyễn Thị Thủy, Đội sản xuất Ghềnh, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao ngồi tần ngần trong ruộng dứa nhà mình tay cầm mấy quả dứa đã thối đen. Bà Thủy chỉ về phía ruộng dứa nói trong nước mắt: "Gần 1ha dứa nhà tôi đã chín rộ từ 10 ngày nay nhưng không được bán, có lệnh thu hoạch rồi nhưng Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao thu mua rời rạc, trong khi đó, đây là thời điểm nắng nóng, dứa chín nhiều gục hết cả xuống ruộng, tôi chỉ biết nhìn ruộng dứa mà ứa nước mắt không biết cầu cứu ai được nữa". Được biết nhà bà Thủy có 0,6ha đất trồng dứa, vụ này bà đầu tư vốn hết khoảng 90 triệu đồng cho giống và phân bón..., năng suất đạt 35-40 tấn.
Nếu như mọi năm gia đình bà cũng được ngót 150 triệu đồng. Nhưng năm nay bà mới chỉ đủ nộp sản lượng đăng ký với Công ty là 12,5 tấn với giá 3.300 đồng/kg. Như vậy doanh thu mới chỉ đạt khoảng 40 triệu đồng. So với số vốn bỏ ra, bà Thủy đã lỗ 50 triệu đồng chưa kể công lao động.
Bà Thủy cho biết: "Vốn để đầu tư trồng dứa vụ trước vẫn còn chưa trả hết nợ, giờ không biết lấy đâu ra tiền để trả và tái đầu tư tái sản xuất nữa. Làm không kể nắng mưa, ngày đêm chăm sóc cây dứa nhưng giờ ra vườn dứa là chỉ còn biết khóc, xót xa quá vì gần 20 tấn dứa phải vứt bỏ".
Cách nhà bà Thủy không xa là ruộng dứa của gia đình ông Viện. Khi chúng tôi đến vợ chồng ông đang chuẩn bị những bao tải dứa để đi chợ đêm. Nhìn đống dứa to bị loại ở bờ ruộng ai cũng xót xa. Ông Viện cho biết gia đình có 1 ha đang vào thu hoạch cách đây nửa tháng.
Nếu như mọi năm doanh thu trung bình đạt hơn 200 triệu đồng/vụ, lãi được 60-70 triệu đồng, nhưng năm nay mới thu được 8 tấn cho nhà máy, trong khi đó sản lượng gia đình ông cần nộp là 22 tấn. "Đến thời điểm này dứa của gia đình tôi đã chín thối khoảng 3 tấn.
Nếu trời cứ nắng nóng 35-37 độ như hiện nay và Công ty không thu mua nhanh cho gia đình tôi thì có lẽ năm nay không đủ sản lượng để nộp mà còn phải nộp phạt. Lại thêm khoản vay để đầu tư từ vụ trước nữa chúng tôi không biết lấy đâu ra để trả".
Để giảm bớt thiệt hại những quả bị nhà máy loại, gia đình ông Viện tiếp tục chọn để đem bán ở chợ đêm. Thế nhưng giải pháp này cũng không mang lại hiệu quả bởi giá ở chợ đêm cũng chỉ 1.500-2.500 đồng/kg, gần sáng không bán hết mang ra chợ Rồng bán 10 nghìn đồng/10-15 quả, chưa kể công, xăng xe đi lại, tiền phí chợ...
Theo điều tra của phóng viên, hiện tượng dứa thối đầy đồng không chỉ có gia đình bà Thủy, ông Viện mà nhiều hộ trồng dứa ở Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đều đang rơi vào tình trạng này. Trời nắng nóng, dứa chín theo giờ nhưng Công ty không thu mua kịp dẫn đến tình trạng bỏ dứa thối ngay tại ruộng.
Ông Lê Văn Hà, Đội sản xuất Ghềnh, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết: Bình thường dứa chín 1/3 quả chúng tôi sẽ xin lệnh thu hoạch, nhưng năm nay dứa chín mà phải đợi đến 1 tuần mới có lệnh thu hoạch cộng thêm thời tiết nắng nóng nên dứa chín thối đầy trên đồng.
Trong khi đó nhà máy thu mua không kịp thời, người dân chưa đủ sản lượng nộp cho nhà máy cũng không dám bán ra ngoài thị trường. "Chúng tôi rất băn khoăn, vì vùng nguyên liệu dứa của chúng tôi là trồng theo hợp đồng với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao chứ không phải tự phát nhưng đến nay Công ty chưa có giải pháp gì để giảm thiểu thiệt hại cho người dân", ông Lê Văn Hà nói.
Thực tế hiện nay, không chỉ có dứa Đồng Giao rơi vào tình trạng ế ẩm mà đây là tình trạng chung trong cả nước, chính vì vậy giá dứa ngoài thị trường cũng đang xuống thấp kỷ lục khiến người trồng dứa phải đối mặt với những khó khăn lớn về kinh tế khi mùa dứa chín rộ.
Điều này một lần nữa cho thấy, khi xây dựng một vùng nguyên liệu rất cần phải tính toán thật kỹ đầu ra cho nông sản, hạn chế tối đa việc nông sản rơi vào tình trạng "khủng hoảng thừa", còn người nông dân qua các vụ sản xuất đời sống không được nâng lên còn rơi vào cảnh nợ nần.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm