Những ngày hè bị "đánh cắp" Cuối giờ sáng một buổi ngày tháng 7, có mặt tại một điểm học thêm trên địa bàn Thành phố Ninh Bình, chúng tôi thấy có rất đông phụ huynh đang chờ đón con sau buổi học luyện chữ, tập làm phép tính dành cho học sinh chuẩn bị bước vào lớp 1. Chị N., một phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 cho biết lớp học do một cô giáo trong trường mở ra và đã hoạt động gần 2 tháng nay. Dù diện tích phòng học hơi nhỏ (chính xác là một phòng trên tầng 2 của nhà cô giáo), mỗi buổi học chỉ có hơn 20 học sinh nhưng không khí đi học của các em vừa bước khỏi lớp "mầm" rất nhộn nhịp: Cũng cặp sách, bút chì, thước kẻ, cũng vui khi được cô giáo chấm điểm cao, buồn khi bị điểm thấp như ở trường vậy... "Niềm vui" đến trường sớm ấy không biết có bằng những giọt mồ hôi thấm đầy trên tóc, trên lưng áo các em bé khi 1 tuần các em phải theo học 3 buổi như thế khi còn chưa biết trường, lớp là gì? Những ngày hè tuổi thơ của các em bị "đánh cắp" bởi học thêm như vậy sao? Cũng theo vị phụ huynh này thì do thời gian học linh hoạt, học phí không quá đắt (hơn 500.000 đồng/học sinh/tháng) nên dù lớp học được tổ chức theo mô hình lớp ghép, nghĩa là dạy cùng lúc học sinh chưa biết chữ và học sinh đã đọc thông, viết thạo nhưng vẫn có rất nhiều phụ huynh đăng ký cho con theo học. Chị còn thì thầm vào tai tôi: Nghe nói cô này dạy giỏi lắm em ạ, toàn dạy lớp chọn thôi, chị phải nhờ người quen xin mới được học đấy...
Nghe câu nói của chị, tôi chợt nghĩ đến chuyện xin học thêm hè của cô em chồng tên H. H. có con gái năm nay lên lớp 3, đầu tháng 6 vừa rồi đến nhà tôi kêu ca: Chị ơi chị quen nhiều, xin cho con em học thêm hè lớp cô L. với chứ để nó ở nhà chơi suốt thế này thì vào năm học chữ nghĩa bay khỏi đầu mất. Tôi bảo: Sao không cho đi sinh hoạt hè ở Trung tâm Thanh Thiếu nhi hoặc cho tham gia các hoạt động hè ở phố, phường...?, nó gắt lên: Chị cứ như trên trời ấy, hè nắng nôi thế này phố phường nào tổ chức sinh hoạt hè, chỉ lấy giấy xác nhận theo yêu cầu của nhà trường thôi, làm gì có hoạt động nào. Trung tâm thì đông, toàn vào thời gian mình đi làm, đưa đón sao được mà học mấy cái ấy không thiết thực. Chị mà không cho con đi học thêm hè thì vào lớp ú ớ, chẳng biết gì đâu...Rồi muôn ngàn lý do nữa cô em chồng kể ra để thuyết phục tôi đi xin học hè cho con và rồi tôi cũng gật đầu.
Đến đúng nhà cô giáo mà H. yêu cầu, cô tiếp khách với thái độ rất dè dặt khi đặt vấn đề học thêm mặc dù tôi có quen biết từ trước: Chị chỉ kèm thêm con, cháu trong nhà thôi, có mấy đứa ấy mà. Với lại đợt này đang cấm kinh lắm. Nhưng thôi nể chỗ quen biết chị sẽ thu xếp, tuần 3 buổi nhé, nếu điểm từ điểm 7 trở xuống thì học thêm ca chiều cùng ngày... Nhìn cơ ngơi nhà cô giáo có vẻ hoành tráng tôi nghĩ chắc cháu mình sẽ được học phòng tương đối mát mẻ chứ không đến nỗi học xong đứa nào cũng mồ hôi như tắm giống như cảnh luyện chữ lớp 1 vừa mới chứng kiến nhưng khi ra đến chỗ để xe tôi mới ngã ngửa người ra. Lớp học chính là chỗ để xe của nhà cô với những bộ bàn ghế được đóng tạm bợ, mái thì lợp tôn cũng...tạm bợ mà trời nắng nóng thì tôi phải chắc đến 99,99% là nóng như rang... Thế mà cô em chồng tôi hớn hở ra mặt vì được cô nhận vào, 1 tháng sau khi sự nghiệp xin học thêm thành công, nó hớn hở bảo với tôi: Cô dạy tốt lắm chị ạ, lớp hơi đông một tí nhưng toàn đứa học được. Con em sắp xong nửa chương trình lớp 3 rồi đấy, cô còn giới thiệu cho cô giáo kèm thêm tiếng Anh nữa. Cho ở nhà thì có mà...mù chữ, vào năm học gắn tên lửa vào đít cũng không theo kịp các bạn...ở khu nhà em có đứa học tuần 6 buổi, thêm 2 buổi tiếng Anh ở Trung tâm Occean nữa là kín tuần luôn.
Tôi hỏi: Học sinh cấp 2 với THPT chứ gì, học để chuẩn bị thi vào cấp 3 và thi Đại học chứ học sinh tiểu học thì học thế chịu sao được? Nó phẩy tay: Toàn học sinh tiểu học chứ cấp 2, cấp 3 học có mà đặc kín, ngày phải mấy ca ấy chứ...Tôi nhớ đến điệu bộ mệt mỏi của đứa cháu khi hoàn thành xong bài tập ở nhà sau buổi học thêm nhà cô giáo: Bác ơi, nhiều bài quá, cháu mỏi hết cả tay, mệt lắm. Mà tuần vừa rồi không được đi chơi biển cùng cả nhà vì phải học thêm...Đúng là "tuổi thơ dữ dội" bởi sự nghiệp học hành.
Chỉ vài cây số trên các tuyến đường trên địa bàn Thành phố Ninh Bình, đâu đâu cũng thấy quảng cáo cô nọ, cô kia ở trường này, trường khác dạy tốt lắm, học sinh học hè đông lắm. Và trên thực tế có những em học sinh tiểu học không có ngày nghỉ trong tuần, thậm chí học còn nặng ca hơn trong năm học chính thức. Để "kéo" học sinh đến lớp, một số giáo viên đã vận dụng "tiểu xảo" như: Thông báo cho phụ huynh học sinh có con theo học năm tới là mình sẽ dạy lớp đó rồi cho "chạy trước" chương trình, PR (Quảng cáo) năng lực bản thân bằng những bài khó mà chỉ đi học thêm mới làm được, chấm điểm để phụ huynh thấy được học lực của con mà tích cực cho đi học...Học phí của mỗi buổi học thêm thường không theo một quy định nào mà do sự thỏa thuận giữa người dạy và người học. Nói là "thỏa thuận" nhưng thực chất là do sự áp đặt của người dạy hoặc người tổ chức lớp học. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn cũng phải cố "thắt lưng buộc bụng", chi một khoản tiền đáng kể để đóng học cho con.
Có nên chuyển từ "cấm" sang "quản"?
Vấn đề đáng quan tâm là hoạt động học thêm, dạy thêm diễn ra trong hầu như suốt cả dịp hè khiến cho nhiều học sinh, nhất là các em tiểu học không có được những giây phút nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm học bận rộn, căng thẳng. Điều 4, Thông tư số 17 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 16-5-2012 quy định về dạy thêm, học thêm đã ghi rõ: "Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao và rèn luyện kỹ năng sống". Sau đó, tháng 11-2014, Bộ tiếp tục ban hành Chỉ thị về chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học với nhiều quy định cụ thể, xử lý kiên quyết hơn tình trạng này.
Riêng ở tỉnh ta, Sở Giáo dục và đào tạo cũng như các phòng Giáo dục các huyện, thành phố cũng từng có văn bản yêu cầu các đơn vị không dạy thêm đối với học sinh trước khi vào lớp 1, học sinh tiểu học. Bắt đầu từ năm học 2014 - 2015, cả nước đã thực hiện Thông tư 30 quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học, trong đó có việc không cho điểm học sinh mà chỉ tiến hành ghi nhận xét, đánh giá. Quy định này theo nhận xét của nhiều người là đã làm giảm áp lực điểm số, giúp việc học của học sinh trở nên nhẹ nhàng hơn, qua đó góp phần giảm tình trạng dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, trên thực tế, các lớp học thêm dành cho học sinh tiểu học vẫn sáng đèn, số lượng chẳng những không giảm mà còn có chiều hướng tăng.
Quy định cấm đã có hơn 3 năm qua, nhưng đến nay chưa đi vào thực tế là do những thiếu sót trong công tác kiểm tra, quản lý của các cơ quan có trách nhiệm. Không thể đổ hoàn toàn lỗi do ý thức của phụ huynh mà thay vào đó, nên làm tốt công tác quản lý giáo viên. Khi triệt tiêu mọi nguồn "cung" thì "cầu" dù có cũng không thể thực hiện. Bên cạnh đó, cần thay đổi quan niệm từ "cấm dạy thêm" sang "tổ chức quản lý thế nào cho có hiệu quả". Trường hợp phụ huynh có nhu cầu cho con đi học thêm, hơn ai hết giáo viên chính là người đóng vai trò định hướng cho học sinh nên học môn gì, thời lượng bao nhiêu là phù hợp. Ngoài ra, trong dịp hè, các trường, nhất là trường tiểu học nên có sự phối hợp tốt với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể ở địa phương trong việc tổ chức sinh hoạt, quản lý học sinh trong dịp hè. Chỉ khi làm tốt những điều đó, căn bệnh trầm kha mang tên "dạy thêm, học thêm" mới được trị tận gốc, không trở thành nỗi nhức nhối của xã hội như thời gian qua.
Đức Quỳnh