Với vai trò nòng cốt trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Hội Khuyến học tỉnh đã không ngừng khuyến khích, hỗ trợ việc dạy và học trong nhà trường cũng như hoạt động khuyến học ngoài nhà trường. Đặc biệt, ngày 20-2-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 281/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020" đã tiếp thêm sức mạnh cho phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng ngày càng đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả thiết thực.
Theo đó, Hội đã làm tốt vai trò tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp, góp ý với ngành Giáo dục - Đào tạo về các chủ trương, chính sách, biện pháp để phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục; thực hiện gắn kết giáo dục nhà trường với gia đình và xã hội; vận động nhân dân tích cực học tập, học tập suốt đời nhằm nâng cao dân trí, nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp... nhằm từng bước hình thành xã hội học tập.
Bên cạnh đó, Hội phát huy mạnh mẽ vai trò liên kết, phối hợp hoạt động giữa các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đưa phong trào khuyến học, khuyến tài đi vào chiều sâu và chuyển sang giai đoạn mới - giai đoạn xây dựng xã hội học tập.
Thực tế thời gian qua cho thấy, gia đình, dòng họ, cộng đồng là một trong những nhân tố cơ bản và đóng vai trò quyết định trong xây dựng xã hội học tập. Vì vậy hàng năm, Hội Khuyến học các cấp đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Trong đó công tác xây dựng tổ chức Hội và phát triển hội viên được tập trung củng cố, kiện toàn. 6 tháng đầu năm 2016 đã kiện toàn một số chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, chi hội trưởng, phó các hội khuyến học, ban khuyến học dòng họ. Đã thành lập mới 39 chi hội, phát triển thêm trên 12 nghìn hội viên, nâng số hội viên Hội khuyến học trên địa bàn toàn tỉnh lên trên 280 nghìn người, chiếm trên 30% dân số.
Cùng với đó, phát huy thế mạnh của các Trung tâm học tập cộng đồng, thời gian qua, các Trung tâm học tập cộng đồng của tỉnh đã có nhiều đổi mới, nỗ lực cố gắng liên kết, lồng ghép các nội dung trong hoạt động của các tổ chức, dự án để tổ chức các lớp học, tập huấn với nhiều nội dung đa dạng, phong phú tại cơ sở.
Trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức được 1.654 buổi tập huấn, quán triệt, triển khai các văn bản, chính sách, pháp luật của Trung ương và địa phương, nhất là việc thực hiện Đề án 281 về "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến năm 2020", tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHKT áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi…, thu hút trên 126 nghìn lượt người tham gia học.
Đặc biệt, triển khai thí điểm mô hình "Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập" bước đầu đã mang lại hiệu quả, thu hút đông đảo người dân tham gia. Đến tháng 6-2016, toàn tỉnh đã có trên 154 nghìn gia đình đăng ký danh hiệu học tập, đạt tỷ lệ 64%; 2.159 dòng họ đăng ký danh hiệu học tập, đạt 70%; 1.410 cộng đồng đăng ký danh hiệu học tập, đạt tỷ lệ 72%; 441 cơ quan thuộc xã quản lý đăng ký danh hiệu đơn vị học tập, đạt 65%.
Kết quả bước đầu thực hiện mô hình "Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập" đã và đang làm cho giáo dục nhà trường gắn kết chặt chẽ hơn với giáo dục gia đình, giáo dục xã hội, tạo được sự đồng thuận trong từng cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy chủ trương xã hội hóa giáo dục và phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt" trong các cơ sở giáo dục...
Ông Lê Văn Toại, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: Để xây dựng xã hội học tập, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người về mục đích, ý nghĩa, vai trò và lợi ích của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập bằng nhiều hình thức; phối hợp, hỗ trợ ngành Giáo dục - Đào tạo nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trong nhà trường, mở rộng nhiều hình thức học tập đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân; phát triển nhiều hình thức giám sát, phản biện, tư vấn về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tích cực huy động nguồn lực xã hội để tăng thêm các suất học bổng cho học sinh nghèo, học sinh tàn tật, mồ côi không nơi nương tựa, học sinh dân tộc thiểu số...
Cùng với đó, vận động các gia đình của cán bộ, hội viên, đoàn viên phấn đấu trở thành "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", góp sức xây dựng "Cộng đồng học tập" và "Đơn vị học tập"; củng cố, phát triển các Trung tâm học tập cộng đồng, câu lạc bộ học tập cộng đồng, để nơi đây trở thành trường học cho người lớn có chất lượng, đạt hiệu quả thiết thực trong thời đại cả xã hội phấn đấu và luôn học tập như hiện nay
Đồng chí Đỗ Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Việc tổ chức "Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời" hàng năm đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, hình thành thói quen đọc sách thường xuyên của mọi người và xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng.
Trong thời đại kỷ nguyên số với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, người dân, nhất là học sinh, sinh viên đứng trước rất nhiều sự lựa chọn khai thác các tài nguyên tri thức. Vì vậy, văn hóa đọc của người dân cũng dần chuyển hướng sang những cách thức phong phú và đa dạng hơn.
Để hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời năm 2016 từ ngày 2 đến 9-10, với chủ đề "Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số" đạt hiệu quả và trở thành nền nếp, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở tăng cường xây dựng thư viện ở các nhà trường, các Trung tâm học tập cộng đồng; khuyến khích xây dựng thư viện điện tử ở các trường học có điều kiện cơ sở vật chất tốt. Tổ chức giới thiệu sách và tài liệu hữu ích trên website của đơn vị.
Cùng với đó lựa chọn phát động các cuộc thi, như cuộc thi "Trưởng thành cùng sách", để các em học sinh tự lập ra mục tiêu kế hoạch đọc của mình; cuộc thi "Tạo fanpage và blogs" giới thiệu sách, tài liệu hay nhằm tạo ra một cộng đồng đọc sách online gồm cả giáo viên và học sinh, qua đó thường xuyên trao đổi, đàm đạo về những cuốn sách hay; cuộc thi "Thiết kế Trailer sách"…
Đồng thời tổ chức các chuyên đề hướng dẫn cho người dân sử dụng máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử khác để truy cập Internet và tìm đọc những thông tin hữu ích phục vụ đời sống. Khuyến khích giáo viên mầm non dành thời gian đọc sách, kể chuyện cho trẻ, hướng dẫn các trường tích cực sử dụng phương tiện dạy học kỹ thuật số để giúp trẻ được "nghe sách" thường xuyên hơn…
Thêm vào đó, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh cần xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Tuần lễ rộng khắp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Hạnh Chi