Tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, làm giàu Nghe tâm sự của người đàn ông vừa mới tình nguyện hiến phần lớn diện tích đất vườn của gia đình để xây dựng trường mầm non của xã, ít ai nghĩ đó là một nạn nhân chất độc da cam. Vậy nhưng, với tấm lòng với trẻ nhỏ, với trách nhiệm của một người dân đã và đang thành công trên mảnh đất khó khăn, ông Nguyễn Đình Hợi ở thôn 3, xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) đã có việc làm ý nghĩa, được cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương rất trân trọng và biết ơn. Sinh ra ở xã Gia Trung (huyện Gia Viễn), ông Nguyễn Đình Hợi đã lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tại chiến trường miền đông Nam Bộ. 5 năm ở chiến trường, cùng đồng đội chiến đấu và trải qua nhiều gian khổ, khó khăn của cuộc sống thời chiến, nhưng ông Hợi chưa bao giờ nghĩ đến thứ chất độc quái ác ấy lại ngấm vào cơ thể mình sau những lần giặc Mỹ thả từ máy bay xuống những cánh rừng nơi ông và đồng đội đóng quân. Sau giải phóng, ông được chuyển ngành về ngành Y tế Yên Mô.
Từ năm 1983 ông chuyển sang làm ở Nông trường chè Tam Điệp rồi cả gia đình định cư ở xã Đông Sơn từ đó cho đến nay. Sinh được 3 người con, nhưng đứa thứ 2 sinh ra đã mắc bệnh động kinh, thiểu năng trí tuệ. Đưa con đi khám mới biết đó là do di chứng chất độc da cam từ bố. Con mắc bệnh nặng, buồn chán nhưng cả hai vợ chồng ông đều tự nhủ: phải cố gắng vươn lên ổn định kinh tế gia đình để có điều kiện chăm sóc con tốt hơn. Mặc dù với đồng lương hưu ít ỏi, nhưng cả vợ, cả chồng đều động viên nhau cần mạnh dạn hơn để tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp. Tại đây, nhận thức được mảnh đất đồi phù hợp với mô hình gì, ông mạnh dạn đầu tư trang trại vườn đồi với diện tích trên 10.000m2 đất canh tác, trong đó có trên 1.000m2 ao.
Ông Hợi đã ngày đêm mày mò nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật để chăn nuôi lợn, gà, thả cá và trồng những loại cây cho giá trị kinh tế cao như hoa đào. Chỉ tính riêng năm 2015, trang trại của ông đã cho lợi nhuận trên 150 triệu đồng. Hiện gia đình ông đang nuôi 8 con lợn nái, gần 100 con lợn thương phẩm, gần 3.000 con gà và thả nhiều loại cá. Dự kiến năm 2016 sẽ thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Từ một người có hoàn cảnh khó khăn, nay ông Hợi đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất khó khăn. Tấm gương vượt khó của ông Nguyễn Đình Hợi là hết sức tiêu biểu, không phải ai cũng làm được.
Người mẹ tần tảo chăm 2 con dị tật
Không có những thành tích xuất sắc về phát triển kinh tế như ông Nguyễn Đình Hợi, bà Tạ Thị Chuyên, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/diôxin xã Khánh Thủy (Yên Khánh) gây xúc động với chương trình bởi nỗ lực vượt khó chăm 2 con bị di chứng chất độc da cam. Chồng bà là ông Đỗ Văn Tám, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng. Sinh được 4 người con, trong đó có 2 đứa con bị di chứng chất độc da cam. Lúc còn cả vợ, cả chồng, việc chăm con rồi lo kinh tế gia đình có đỡ vất vả hơn chút xíu.
Từ khi chồng bị bệnh, mọi gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai gầy của bà Chuyên khiến gương mặt của người phụ nữ nông thôn hiếm khi nở nụ cười. Từ năm 2003 chồng mất thì mọi công việc làm ăn lẫn chăm sóc 2 con dị tật đều một tay bà Chuyên lo toan. Bà tâm sự: Con tôi bị dị tật, không thể nói được, suốt ngày chỉ ú a, ú ớ. Chúng có thể đập phá bất kể những gì trong tầm tay. Thậm chí, một lần nhân lúc mẹ đi làm, vớ được chiếc bật lửa ai đó để gần, 2 đứa con ngây ngô của bà Chuyên đã làm một mồi lửa đốt cháy cả nhà, bếp. May sao có hàng xóm bên cạnh kịp thời cứu không thì cũng không giữ được tính mạng. Thỉnh thoảng chúng nó lại bỏ đi lang thang bên ngoài khiến bà cứ đi đâu lại lo đứng, lo ngồi. Để bảo vệ con, bà Chuyên đã vay mượn thêm tiền để làm hàng rào thép quây kín xung quanh nhà để nhỡ bà có đi đâu vắng, hai đứa con sẽ không sợ bị ngã xuống ao hay đi đâu mất. Việc cho con ăn rồi tắm rửa cho con mới gian nan.
Mỗi lần cho chúng ăn phải mất hàng tiếng đồng hồ vì chúng thường la hét, ú ớ rồi lăn đùng ra bất tỉnh. Trong suốt buổi giao lưu, thỉnh thoảng bà Chuyên xúc động, rơi nước mắt. Những giọt nước mắt không phải vì đang phải trải qua muôn nỗi gian truân, mà là vì lo cho tương lai của các con. Bà cho biết: Một lần tôi ốm nặng, phải đi viện điều trị cả tháng. Việc chăm con phải nhờ cả vào người họ hàng. Nằm viện ốm mà đâu có yên tâm bởi việc chăm sóc người dị tật như con mình phải tự tay mình chăm mới được...
Bà cũng đã từ chối lời đề nghị đưa 2 con vào bệnh viện điều dưỡng của địa phương. Vì vậy, đến nay tuổi đã cao, sức khỏe yếu đi nên bà Chuyên chỉ có một mong ước duy nhất là còn khỏe mạnh để tiếp tục làm tốt việc chăm sóc 2 con. Nói về quãng đường đã qua, bà bảo khi lên dự hội nghị biểu dương nạn nhân da cam tiêu biểu ở trung ương, gặp gỡ và trò chuyện với nhiều hội viên, thấy được họ cũng khổ, cũng chịu đựng nỗi đau có khác gì mình, nên việc mình làm cũng hết sức bình thường. Bận rộn với công việc nhà, việc chăm 2 đứa con "ngẩn ngơ" như thế nhưng bà Tạ Thị Chuyên lại là một hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam tích cực của Hội xã Khánh Thủy. Bà thường xuyên tham gia các hoạt động của Hội, chia sẻ, động viên những hội viên có hoàn cảnh gian nan như mình. Bà Chuyên là một trong số các hội viên tiêu biểu của tỉnh vinh dự được dự Đại hội Thi đua của Hội Nạn nhân chất độc da cam/diôxin do Trung ương Hội tổ chức.
Bùi Diệu