Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết về diễn biến tình hình nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh?
Đ/c Hoàng Huy Phương: Tính đến ngày 20-9-2013 tích lũy phát hiện nhiễm HIV/AIDS ở Ninh Bình là 3.101 trường hợp. Trong đó số người nhiễm HIV còn sống là 1.602 trường hợp, số bệnh nhân AIDS còn sống là 871 người, số tử vong do AIDS là 628 người. Từ ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào năm 1995, hiện nay dịch HIV/AIDS đã lan ra 100% huyện, thành phố, thị xã và 96% xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Trong đó, 4 huyện có số lượng người nhiễm HIV/AIDS cao là huyện Kim Sơn, Hoa Lư, thành phố Ninh Bình và Nho Quan, chiếm trên 80% số ca nhiễm trong toàn tỉnh. Hiện nay, Kim Sơn là huyện có tích lũy số người nhiễm cao nhất với 940 trường hợp, Hoa Lư là huyện có tỷ lệ người nhiễm cao nhất: 650 người/100.000 dân, xã Trường Yên là xã có số người nhiễm HIV cao nhất tỉnh với tích lũy 332 người nhiễm, đã tử vong 90 người, không kể số xét nghiệm ở nơi khác, Yên Mô là huyện phát hiện ca nhiễm thấp nhất. Toàn tỉnh hiện có 6 xã chưa phát hiện người nhiễm HIV là xã Khánh Phú (Yên Khánh), xã Yên Hưng, Khánh Thịnh (Yên Mô), xã Kim Hải, Kim Đông (Kim Sơn) và xã Gia Thắng (Gia Viễn).
Từ tình hình nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn cho thấy hình thái dịch ở Ninh Bình vẫn đang trong giai đoạn tập trung, đối tượng nhiễm HIV vẫn chủ yếu tập trung trong nhóm đối tượng nguy cơ cao, đặc biệt là đối tượng nghiện chích ma túy. Tình hình nhiễm HIV/AIDS ở tỉnh có xu hướng chững lại và không tăng nhanh như những năm trước đây, nhưng về cơ bản chưa khống chế được. Tình trạng nghiện chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn, dân di biến động là những yếu tố nguy cơ có thể làm bùng nổ dịch trong thời gian tới.
PV: Để giúp người nhiễm HIV/AIDS có điều kiện trong việc điều trị, chăm sóc sức khỏe, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã triển khai các hoạt động gì?
Đ/c Hoàng Huy Phương: Hiện nay "tảng băng HIV/AIDS" ở Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng đang nổi dần lên, do vậy số bệnh nhân AIDS được phát hiện ngày càng gia tăng nhanh chóng. Đặc biệt, sau khi có chương trình điều trị ARV, nhiều bệnh nhân AIDS đã vượt qua sự kỳ thị, tự công khai danh tính, tiếp cận với các dịch vụ y tế để được hỗ trợ, chăm sóc và điều trị. Bên cạnh đó, số người nhiễm HIV trong giai đoạn ủ bệnh thường đi làm ăn xa, chỉ đến khi bệnh tiến triển ở giai đoạn cuối họ mới trở về địa phương để chữa bệnh. Do vậy, nhu cầu bệnh nhân cần được hỗ trợ, chăm sóc và điều trị, đặc biệt là điều trị ngoại trú ngày càng cao.
Trước tình hình trên, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã triển khai 9 chương trình hành động nhằm đối phó với sự gia tăng của đại dịch AIDS. Trong đó, chương trình điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) bước đầu đã thu được kết quả nhất định. Hàng chục bệnh nhân hiện đang sống khỏe mạnh 10-13 năm sau khi phát hiện nhiễm HIV, đặc biệt số bệnh nhân tử vong do AIDS đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước. Hiện nay, mạng lưới điều trị ARV đang được triển khai tại 2 phòng khám ngoại trú tại Trung tâm Y tế huyện Kim Sơn và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, tại 3 điểm điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa Hoa Lư, Trại giam Ninh Khánh và Trung tâm Chữa bệnh và giáo dục, lao động xã hội tỉnh đã tạo thuận lợi rất nhiều cho người nhiễm HIV/AIDS trong việc được chăm sóc, điều trị, nâng cao sức khỏe.
PV: Năm nay là năm thứ 2 "Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS" tiếp tục thực hiện chủ đề "Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV". Vậy để thực hiện có hiệu quả chủ đề của Tháng hành động, Ninh Bình tập trung vào các nội dung gì?
Đ/c Hoàng Huy Phương: Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cùng với sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân; công tác phòng, chống HIV/AIDS ở tỉnh ta bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Kết quả trong 3 năm gần đây, công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh ta đã đạt được mục tiêu "ba giảm": Giảm số ca nhiễm mới HIV; Giảm số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS; Giảm số người tử vong do AIDS. Đồng thời, chúng ta đang từng bước kiềm chế được tốc độ gia tăng của lây nhiễm HIV, khống chế thành công tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức 0,3% như kế hoạch hành động phòng, chống AIDS tỉnh Ninh Bình đã đặt ra.
Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Số người mới nhiễm HIV được phát hiện hàng năm vẫn còn, lây truyền HIV qua quan hệ tình dục có xu hướng gia tăng kéo theo sự tăng lên các trường hợp nhiễm HIV trong phụ nữ và trẻ em. Trong khi đó, kiến thức chung về HIV/AIDS, việc thực hành các hành vi an toàn phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư vẫn còn hạn chế, đặc biệt là trong các nhóm người sử dụng ma túy, người mua-bán dâm, người di biến động... Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vẫn còn khá nặng nề, mạng lưới cung cấp dịch vụ ở một số địa bàn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế... Đây chính là những nguy cơ tiềm tàng có thể gây bùng nổ dịch trở lại nếu chúng ta lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của các cấp lãnh đạo và của các tầng lớp nhân dân về phòng, chống HIV/AIDS; Hưởng ứng Chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu giai đoạn 2011-2015 do Liên hợp quốc phát động với chủ đề "Hướng tới mục tiêu ba không: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS", thực hiện sự chỉ đạo của ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; và Kế hoạch của UBND tỉnh Ninh Bình; Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội của tỉnh đã chính thức phát động "Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS" ở tỉnh ta từ 10-11 đến 10-12- 2013, với chủ đề "Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV".
Để thực hiện có hiệu quả chủ đề của Tháng hành động, Ninh Bình đã và đang tập trung vào một số nội dung: Tiếp tục nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi của các cấp lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và các tầng lớp nhân dân về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; Tăng cường cung cấp các dịch vụ để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết bảo đảm quyền được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV của tất cả mọi người; Huy động sự hỗ trợ của gia đình, xã hội đối với người nhiễm HIV/AIDS và đồng thời tăng cường trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội nhằm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS; Vận động mọi người dân tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; nhằm tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng, sự đồng tâm hợp lực của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS vì mục tiêu "Không còn người nhiễm mới HIV".
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Phan Hiếu (Thực hiện)