Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Tam Điệp) được đánh giá là một trong những đơn vị đón đầu ứng dụng công nghệ thông tin, tiên phong tổ chức thành công các lớp học trực tuyến. Cô giáo Đoàn Kim Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: Hơn 2 tháng qua, nhà trường đã thực hiện khá thành công việc ôn tập và dạy bài mới trên trang học trực tuyến, nhận được sự đồng thuận, phối hợp thực hiện nhịp nhàng, hiệu quả của phụ huynh, học sinh và giáo viên.
Theo đó, ngay thời gian đầu tạm nghỉ do dịch bệnh, nhà trường đã khuyến khích giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Lúc này, ứng dụng học tập chưa xây dựng các lớp học trực tuyến, nên các giáo viên tự quay video bài giảng của tiết học, hoặc sưu tầm những video, bài giảng trên mạng, thẩm định thấy chất lượng tốt, gửi cho học sinh nghe, nắm bắt bài trước.
Sau đó, khi ứng dụng các lớp học trực tuyến đi vào hoạt động, nhà trường triển khai dạy 8 môn trắc nghiệm theo hình thức các môn thi THPT quốc gia, bao gồm: Văn, Toán, Ngoại ngữ, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân. Tại đây, học sinh, giáo viên có tài khoản, có nguồn học liệu. Học sinh làm bài tập, kết quả được báo luôn tới giáo viên và giáo viên gửi đường link này tới phụ huynh. Hàng tuần có đề thi thử kiểm tra trình độ học sinh, từ đó đánh giá kết quả học tập và rút kinh nghiệm những vấn đề còn bất cập trong quá trình dạy và học để đạt hiệu quả cao nhất.
"Để duy trì lớp học trực tuyến thành công như hiện nay, chúng tôi nhận được sự quan tâm, ủng hộ tích cực của phụ huynh, sự hào hứng, tham gia học tập của học sinh và nỗ lực không ngừng của mỗi giáo viên. Thời khóa biểu học online được nhà trường thiết kế phù hợp với giáo viên, học sinh. Trong các buổi sáng, trường chia 2 ca; ca 1 từ 7h30 phút đến 9 giờ; sau đó giáo viên, học sinh nghỉ 30 phút và tiếp tục đến 11 giờ trưa. Ban Giám hiệu nhà trường cũng phân công lãnh đạo thường xuyên dự giờ, kiểm tra đột xuất các lớp học.
Đồng thời, để giám sát chất lượng học sinh, Ban giám hiệu cũng yêu cầu giáo viên có bảng đánh giá như tỷ lệ chuyên cần, giơ tay phát biểu, đã làm bài chưa… Đối với học sinh, sau những tuần đầu chỉ ôn tập kiến thức, 3 tuần gần đây, khi có quyết định nghỉ học và giảm tải chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường triển khai dạy học bài mới.
Trường THPT Nguyễn Huệ cũng là trường đầu tiên trong toàn tỉnh tổ chức thi thử trực tuyến thành công và đánh giá sát với năng lực học sinh cho học sinh lớp 12, thời gian tới tiếp tục tổ chức thi trực tuyến cho các khối lớp 10, 11 trong toàn trường..." - cô giáo Đoàn Kim Dung - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết thêm.
Được biết, việc triển khai dạy học trực tuyến tại Trường THPT Nguyễn Huệ ban đầu cũng gặp những khó khăn nhất định. Đó là những giáo viên có tuổi, sắp về hưu, ngại áp dụng công nghệ nên từ chối dạy trực tuyến, Ban giám hiệu nhà trường đã động viên, cắt cử giáo viên trẻ hướng dẫn và cùng thực hiện, sau đó, 100% giáo viên của Trường đều đã chủ động với lớp học trực tuyến. Việc dạy học trực tuyến vất vả và khó khăn hơn dạy trực tiếp rất nhiều, đó là giáo viên phải chuẩn bị giáo án online như làm Power Point, slide bài giảng, video, nội dung dạy cần đảm bảo đa dạng....
Hiện, Ban giám hiệu nhà trường cân nhắc việc giảm thời lượng dạy cho giáo viên từ 90 phút xuống 60 phút/tiết dạy. Đấy là chưa kể, nhiều lần mạng internet không ổn định, không dạy được, nhiều giáo viên phải dạy bù vào các buổi khác...
Tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thành phố Tam Điệp), cô giáo Ngô Thị Lễ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Do thời gian tạm nghỉ học phòng dịch COVID-19 kéo dài, nhằm giúp học sinh không quên kiến thức, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong đã chủ động phối hợp với Công ty FPT triển khai tập huấn và hướng dẫn cho 100% cán bộ quản lý và giáo viên sử dụng hệ thống dạy học trực tuyến Vio.edu và 100% học sinh của nhà trường đã được mở tài khoản miễn phí học trực tuyến trên Vio.edu từ ngày 10/2/2020.
Cùng với đó, nhà trường bám sát vào các văn bản hướng dẫn của ngành, vào tình hình thực tế của phụ huynh và học sinh để xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến, có lộ trình thực hiện cụ thể, phân công rõ nhiệm vụ của tổ, khối chuyên môn, của giáo viên, của tổ tư vấn kỹ thuật, trong đó phần quan trọng là sự phối hợp, tham gia của phụ huynh trong quá trình học của con và chuẩn bị các phương tiện, đồ dùng cần thiết để con được học.
Học sinh tham gia học trực tuyến trên Vio.edu được ôn tập lại các kiến thức đã học, có sự kiểm soát của giáo viên, bài tập của các em được đánh giá theo các mức độ, từ đó các em được tư vấn và hỗ trợ việc học kịp thời. Đặc biệt, khi ngành Giáo dục có hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II, năm học 2019-2020, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong tiếp tục khai thác các ứng dụng của Vio.edu và phần mềm dạy học trực tuyến Zoom Wating để tổ chức cho học sinh học trực tuyến từ lớp 1 đến lớp 5.
Đối với lớp 1, 2, tập trung vào 2 môn Toán và Tiếng Việt, lớp 3, 4, 5 tập trung vào các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Các môn Âm nhạc, Thể dục, Mĩ thuật… nhà trường hướng dẫn giáo viên làm video gửi qua gmail hoặc zalo của nhóm lớp để hướng dẫn học sinh học theo video. Đến ngày 10/4, 100% lớp đã được mở tài khoản dạy học trực tuyến, thực hiện dạy ôn tập và tiếp tục chương trình mới của học kỳ II...
Qua đánh giá của các nhà trường, dạy học trực tuyến là trải nghiệm mới đối với cả giáo viên và học sinh, trong đó cần sự quan tâm, đồng hành của các phụ huynh. Trong điều kiện phải tạm nghỉ học do dịch bệnh COVID-19, hình thức dạy học này được coi là phù hợp và đã mang lại hiệu quả, nhất là phát huy năng lực cá nhân và năng lực làm việc nhóm đối với cả giáo viên và học sinh, đồng thời thực hiện hiệu quả chủ trương "tạm dừng đến trường, không dừng việc học" của Bộ Giáo dục và Đào tạo, góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học thời đại công nghệ 4.0.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh