Đồng chí Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Chánh văn phòng điều phối XDNTM tỉnh cho biết: Bước sang năm kế hoạch 2017, qua khảo sát có 18 xã đăng ký về đích trong năm và quá trình triển khai thực hiện có 2 xã đăng ký thêm, nâng tổng số các xã đăng ký về đích nông thôn mới trong năm lên 20 xã. Trong số các xã đăng ký về đích NTM trong năm 2017 có 8 xã đặc thù theo Quyết định 140 của Tỉnh ủy, 7 xã miền núi, 6 xã thuộc vùng phân lũ chậm lũ, 6 xã ven đô, 2 xã đăng ký thêm là Gia Sơn và Hùng Tiến... Các xã đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác XDNTM; kiện toàn hệ thống thực hiện Chương trình; phân công từng thành viên phụ trách vùng và lĩnh vực; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các thôn xóm; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức; đẩy mạnh phát triển sản xuất, ứng dụng và đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật, giống cây, con mới vào sản xuất; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn...Bằng sự nỗ lực của các xã; cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, đến giữa năm kế hoạch, Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh đã xét, duyệt và công nhận đợt 1 cho 4 xã đạt chuẩn: Đông Sơn, Yên Bình (thành phố Tam Điệp); Khánh Thịnh, Yên Lâm (Yên Mô). Mới đây Ban chỉ đạo cũng đã họp xét duyệt và công nhận đạt chuẩn cho 16 xã còn lại.
Cũng theo đồng chí Chánh văn phòng điều phối XDNTM tỉnh, chỉ tính trong 16 xã được Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh xét duyệt công nhận đợt 2 đã huy động được tổng nguồn lực là 3.609.058 triệu đồng vào XDNTM; trong đó: Vốn ngân sách có 740.298 triệu đồng, vốn tín dụng 1.088.298 triệu đồng, vốn doanh nghiệp 310.377 triệu đồng, vốn nhân dân đóng góp 1.467.602 triệu đồng ( có 1.235.156 triệu đồng nhân dân tự bỏ ra chỉnh trang nhà cửa, vườn ao, công trình phụ của gia đình; số còn lại được huy động vào làm đường giao thông, nhà văn hóa đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch, các hộ gia đình chính sách được miễn giảm).
Các xã trên đã tiếp nhận 30.645 tấn xi măng và cùng với việc nhân dân góp tiền mua cát, đá, giải phóng mặt bằng đã làm được 1.925 tuyến đường với tổng chiều dài 314 km. Hệ thống thủy lợi do xã quản lý được kiên cố hóa trên 85%, đảm bảo chủ động tưới tiêu cho trên 90% diện tích cây trồng. Hệ thống điện được bàn giao cho ngành điện lực quản lý và đã thực hiện xây mới, nâng cấp nhiều tuyến dây, trạm biến áp. Đối với hệ thống trường học: Xây mới và nâng cấp 115 phòng học các trường mầm non; 123 phòng của các trường tiểu học; 154 phòng của các trường trung học cơ sở. Đã đầu tư xây mới 12 nhà văn hóa trung tâm, nâng cấp 4 nhà; xây mới 109 nhà văn hóa thôn xóm, nâng cấp 44 nhà; xây dựng cải tạo 16 sân vận động trung tâm; nâng cấp 7 chợ nông thôn...
Đặc biệt các địa phương đã chú trọng đến công tác chỉ đạo, lãnh đạo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển kinh tế trang trại, gia trại; khuyến khích phát triển ngành nghề, dịch vụ phi nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên doanh, liên kết đầu tư vào sản xuất trên địa bàn địa phương...Do vậy, đến nay mức thu nhập bình quân của các xã trên đạt 33 triệu đồng/người/năm và ước đến hết năm đạt 35-37 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới mức quy định. Nợ xây dựng cơ bản xã nào cũng có, nhưng đều có lộ trình, bước đi trả nợ rõ ràng với khoảng 4 xã hoàn thành trong năm 2017, số còn lại chuyển sang năm 2018 với khoảng trên 31 tỷ đồng mà nguồn thu chủ yếu là đấu giá đất. Về giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, an ninh trật tư, hệ thống chính trị, hình thức tổ chức sản xuất... của các xã đều được đảm bảo; đạt và vượt theo yêu cầu của từng tiêu chí. Các xã cũng đã tổ chức phát phiếu lấy ý kiến nhân dân về sự hài lòng khi thực hiện Chương trình, kết quả bình quân có trên 90% nhân dân hài lòng, đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, qua ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo, cũng như kết quả thẩm định của các sở, ngành chuyên môn cũng cho thấy: Đến thời điểm này, ở một số xã vẫn còn những công trình dở dang, đang hoàn thiện (Nhà văn hóa trung tâm, nhà văn hóa thôn, sân vận động, trạm y tế, trường học) đường giao thông trục xã, thôn xóm chưa có lề đường và trồng cây; một số nơi hệ thống thủy lợi vẫn chưa hoàn chỉnh, dẫn đến úng, hạn cục bộ; môi trường vẫn tiềm ẩn những nguy cơ ô nhiễm; các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo đạt được kết quả nhưng chưa bền vững ...Điều quan trọng hơn cả là các xã đều cam kết sẽ hoàn chỉnh, hoàn thiện các tiêu chí trong khoảng thời cụ thể và sẽ được các cơ quan chuyên môn, chức năng của tỉnh giám sát, hậu kiểm tra xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đinh Chúc