Về thăm xã Khánh Trung (huyện Yên Khánh) vào mỗi dịp cuối tuần, du khách gần xa đều mải mê bởi những làn điệu hát chèo, những bản nhạc được tấu lên từ những nhạc cụ dân tộc như nhị, sáo, trống… rộn rã cả một vùng. Cũng chẳng đợi dịp đặc biệt, những người yêu nghệ thuật chèo trong xã đã lựa chọn cuối tuần là thời điểm để tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ giữa những "nghệ sĩ làng" với các CLB chèo của một vài xã lân cận. Ông Phạm Văn Khánh-một thành viên tích cực của CLB chèo xóm 3 cho biết: ở xã Khánh Trung nói riêng và ở huyện Yên Khánh nói chung, nghệ thuật hát chèo được xem là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống nhân dân. Tình yêu với nghệ thuật chèo có lẽ được truyền nối từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Trước đây, từ những buổi tập hát, rồi đi biểu diễn cùng nhau mà nhiều đôi lứa trong CLB chèo nên duyên bởi mến nhau từ tiếng hát, nụ cười hay tiếng sáo da diết, vợ chồng ông Khánh cũng nên duyên từ những chiếu chèo như thế. Đến nay, cả hai ông bà đều tích cực tham gia vào CLB văn nghệ của xóm và trở thành hạt nhân tích cực trong vận động, truyền dạy môn nghệ thuật chèo cho thế hệ trẻ. Hiện nay, đội văn nghệ của thôn có hơn 20 thành viên. 100% thành viên là nông dân. Bận rộn, vất vả với công việc nhà nông, song các thành viên đều hăng say tham gia vào đội văn nghệ như một cách khiến cuộc sống tươi đẹp hơn. Ông Khánh chia sẻ: Những bài hát, những điệu múa giúp chúng tôi quên đi sự nhọc nhằn, lo toan trong cuộc sống, để rồi như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới để tiếp tục công việc của nhà nông và xây đắp một cuộc sống gia đình hạnh phúc hơn…
Ông Nguyễn Quang Thao, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Khánh cho biết: Yên Khánh là vùng đất nổi danh với môn nghệ thuật chèo truyền thống. Người dân Yên Khánh đều nặng lòng với môn nghệ thuật chèo truyền thống của quê hương, nhiều người trong số đó đã trở thành nghệ nhân để gìn giữ, truyền dạy các làn điệu chèo cổ cho thế hệ trẻ, họ chính là "hạt nhân", là nền tảng để phong trào văn nghệ quần chúng được khơi dậy. Trong thời gian qua, các hoạt động văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi khắp các thôn, xóm, phố. 100% xã, thị trấn có câu lạc bộ văn nghệ. Đến nay, toàn huyện có trên 250 CLB văn nghệ. Có thể khẳng định, các CLB văn nghệ ra đời đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho bà con huyện nhà, bởi vậy đã nhận được sự ủng hộ tích cực tham gia của nhân dân mọi độ tuổi. Tất cả các CLB văn nghệ đều hoạt động trên tinh thần tự nguyện đóng góp kinh phí của các hội viên. Không chỉ biểu diễn phục vụ bà con vào những ngày lễ, tết, đội văn nghệ còn thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương tới nhân dân dưới hình thức sân khấu hóa, được nhân dân tiếp nhận rất hiệu quả. Không chỉ mang lời ca tiếng hát để thêm yêu cuộc sống, góp phần xây dựng văn hóa ở thôn, làng mà qua những buổi gặp gỡ giao lưu ấy, thành viên trong các CLB còn được chia sẻ với nhau những kinh nghiệm trong xây dựng hạnh phúc gia đình, dạy con ngoan. Và cũng là nơi để các hội viên trút bầu tâm sự, giãi bày tâm tư, nỗi buồn để rồi được an ủi và được lắng nghe…, mọi phiền muộn tiêu tan, tất cả tình yêu, hạnh phúc và niềm tin lại lắng đọng thành câu hát, điệu múa hăng say.
Những năm qua, ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh ta đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm khuyến khích, động viên phong trào văn nghệ quần chúng ở các địa phương trên địa bàn tỉnh nhà ngày càng phát triển. Qua đó, góp phần gìn giữ những môn nghệ thuật truyền thống, đặc trưng của từng vùng, miền. Nhiều mô hình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống duy trì hoạt động có hiệu quả: CLB hát Chèo (huyện Yên Mô, Yên Khánh), CLB Ca trù (huyện Kim Sơn), CLB hát Xẩm (xã Yên Thành, huyện Yên Mô), nghệ thuật Trống Nhảy (Tân Khẩn, xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn), nghệ thuật Múa trống (xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh), Đội Kèn đồng (xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn); Các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường, huyện Nho Quan: Múa sạp, cồng chiêng, hát Đúm, Sắc bùa, Hát giao duyên tiếng Mường, Giai điệu Mường xưa… Hiện nay, toàn tỉnh có 700 tổ, đội, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng, hàng năm tổ chức hàng nghìn buổi biểu diễn, giao lưu văn nghệ quần chúng, thu hút đông đảo người xem và thường xuyên thu hút 52% người dân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại nhà văn hóa. Hàng năm tổ chức Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh, trình diễn gần 490 tiết mục văn nghệ, với sự tham gia của hơn 2.000 lượt diễn viên, nhạc công không chuyên đến từ cơ sở, góp phần bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, xẩm… nhằm ca ngợi truyền thống lịch sử văn hóa, vẻ đẹp của quê hương, đất nước và những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới trên quê hương Ninh Bình nói chung, tuyên truyền về việc thực hiện xây dựng nông thôn mới nói riêng.
Cùng với việc đẩy mạnh phong trào nghệ thuật quần chúng, hàng năm, Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo Phòng Văn hóa-Thông tin các địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và đưa các sản phẩm văn hóa phục vụ nông dân, đặc biệt chú trọng tới các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện gần 200 chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ nhân dân; Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng thực hiện 1.600 đợt chiếu phim phục vụ trên 800.000 lượt người xem; củng cố hệ thống Thư viện cấp huyện, tủ sách, phòng đọc tại các Trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, bản. Luân chuyển 700.000 lượt sách, báo, tặng 10.000 bản sách cho thư viện cơ sở, phục vụ 240.790 lượt độc giả tại cơ sở…, qua đó, từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân các địa phương.
Bài, ảnh: Thanh Hà