Đặc biệt gần đây sáng kiến "các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục ở Trường tiểu học Ninh Xuân" của chị đã góp phần quan trọng tạo nên diện mạo mới cho ngôi trường này, được bạn bè, đồng nghiệp và các bậc phụ huynh đánh giá cao. Nhân ngày 8/3, chị Phạm Thị Minh đã có những chia sẻ với độc giả của Báo Ninh Bình về những nỗ lực trong công việc và những bí quyết chăm sóc gia đình.
Phóng viên (P.V): Hiện nay nói đến xã hội hóa giáo dục, không ít người vẫn chỉ chú trọng nhiều đến việc huy động vật chất và kinh phí phục vụ cho việc dạy và học. Chị nghĩ thế nào về quan điểm này?Chị Phạm Thị Minh: Theo tôi đó là một quan niệm chưa đầy đủ. Hiện nay, trong điều kiện kinh phí đầu tư của nhà nước còn nhiều hạn chế, thì xã hội hóa giáo dục (XHHGD) là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm đa dạng chủ thể đầu tư, chủ thể tham gia và giám sát các hoạt động giáo dục; xây dựng xã hội học tập, bảo đảm điều kiện học tập suốt đời cho mọi người dân; thực hiện tốt phương châm phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh đáp ứng mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông.
Các nguồn lực mỗi nhà trường cần duy trì, phát triển đó là nguồn nhân lực (con người), tài lực (quỹ, ngân sách), vật lực (CSVC, trang thiết bị…). Bên cạnh đó còn có các nguồn lực được coi là vô hình như môi trường giáo dục, văn hóa trường học, các yếu tố tinh thần, sự ủng hộ chủ trương giáo dục, sự tư vấn, trao đổi thông tin, kinh nghiệm..., trong đó "hình ảnh" và "danh tiếng" là mục tiêu hướng tới của mỗi nhà trường.
Xét trên góc độ nhà trường và xã hội, để làm tốt công tác XHHGD, nhà trường cần phát huy tốt nội lực (Hiệu trưởng, cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh) và nguồn lực bên ngoài (các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể, cha mẹ học sinh, các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội…)
P.V: Trường tiểu học Ninh Xuân đóng trên địa bàn một xã nghèo của huyện Hoa Lư, để xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, việc xã hội hóa giáo dục là điều rất cần thiết. Với vai trò là hiệu trưởng, chị đã làm thế nào để góp phần thực hiện xã hội hóa giáo dục ở địa phương?
Chị Phạm Thị Minh: Vâng, là trường đóng trên địa bàn một xã nghèo có diện tích nhỏ và dân số ít của huyện, đặc biệt không có một cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp nào đóng trên địa bàn xã do vậy xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, việc xã hội hóa giáo dục là điều rất cần thiết và hết sức khó khăn.
Song để thực hiện tốt Nghị quyết của Huyện ủy, kế hoạch của UBND huyện Hoa Lư cũng như Chương trình hành động của UBND xã về phát triển giáo dục và đào tạo, trường tiểu học Ninh Xuân đã làm tốt công tác XHHGD ở địa phương, trường đã đạt Trường chuẩn Quốc gia mức độ 2, Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3.
Với vai trò là Hiệu trưởng, trong công tác XHHGD tôi luôn chủ động tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền, Sở và phòng GD&ĐT. Tuyên truyền, vận động các ban ngành đoàn thể, cha mẹ học sinh và nhân dân địa phương, các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ về chủ trương XHHGD, các văn bản liên quan đến quyền lợi của học sinh, trách nhiệm của cộng đồng, xã hội đối với việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, các thành quả đã đạt được và kế hoạch trong thời gian tiếp theo trong công tác XHHGD của nhà trường.
Chủ động phối hợp với các tổ chức, đoàn thể địa phương để thực hiện nhiệm vụ của họ cũng như thực hiện nhiệm vụ giáo dục trong nhà trường. Đặc biệt với các tổ chức, cá nhân, các tổ chức phi chính phủ, tôi coi giao tiếp là chìa khóa để thành công, trong giao tiếp, tôi luôn chân thành chia sẻ những khó khăn, sự mong muốn của trường và qua tâm huyết của mình khích lệ tâm huyết của họ.
Hiện nay, trường đã được hai tổ chức phi chính phủ tặng 16 bộ máy tính, 150 triệu đồng cho "Quỹ học bổng Em Ngọc" hàng năm nhà trường lấy lãi phát thưởng cho học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó. Tháng 2/2016 được Tổ chức Hỗ trợ phát triển giáo dục Miền núi kết hợp với Công ty Kim Tự Tháp tặng bộ phần mềm học Tiếng Anh trị giá 106.800.000 đồng.
Ngoài ra học sinh và giáo viên thường xuyên được Quỹ Giáo dục Marubeni Nhật Bản phát thưởng 1.000.000đồng/HS, 1.500.000 đồng/GV. Các ban ngành đoàn thể luôn phối hợp với nhà trường trong tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh, đặc biệt trong trong giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Việc khẳng định uy tín, chất lượng giáo dục chính là mục tiêu của phát huy nội lực nhà trường. Vì vậy tôi đồng thời quan tâm đến phát triển đội ngũ cũng như chất lượng giáo dục học sinh.
Đối với đội ngũ, tôi luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để mọi CBGV có thể phát huy hết khả năng của mình trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời tạo điều kiện cho GV nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ (hiện nay trường có 100% CBGV có trình độ đạt chuẩn, trong đó trình độ ĐH chiếm 89%), tôi cũng đặc biệt quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của CBGV (ghi nhận các kết quả GV đạt được dù rất nhỏ; tuyên dương, khen thưởng kịp thời; chia sẻ tâm sự về công việc, việc riêng của GV để hiểu, động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện cho GV; phối hợp với công đoàn tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao thường xuyên)
Đối với HS, tôi luôn quan tâm đến công tác kiểm tra chất lượng học tập; gần gũi, lắng nghe tâm sự của các em để chia sẻ, động viên, định hướng cũng như để điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy của nhà trường, đồng thời để phối kết hợp với cha mẹ các em trong công tác giáo dục.
Tôi coi mỗi học sinh là một tuyên truyền viên nhỏ tuổi để tuyên truyền đến gia đình và nhân dân về mục tiêu giáo dục nói chung cũng như mục tiêu giáo dục của nhà trường; các kiến thức, kỹ năng sống được nhà trường trang bị học sinh thường xuyên chia sẻ với người thân cũng như cộng đồng…
Qua quá trình nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác XHHGD ở trường Tiểu học Ninh Xuân, với sự nỗ lực của bản thân và CBGVNV, học sinh, cha mẹ học sinh, sự ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân địa phương sáng kiến đã rất thành công trong điều kiện, hoàn cảnh khó khăn của một xã miền núi nghèo của huyện Hoa Lư.
P.V:Đã dành rất nhiều tâm huyết và thời gian cho công việc của nhà trường, khi trở về gia đình chị làm thế nào để hoàn thành thiên chức của người phụ nữ?
Chị Phạm Thị Minh: Phụ nữ ngày nay rất bận rộn với công việc nhà nước nên để hài hòa giữa việc nước với việc nhà thì người phụ nữ cần quan tâm đến khả năng quán xuyến công việc gia đình, không nên tự mình cáng đáng hết mọi việc, mà quan trọng là cần biết cách sắp xếp, phân công công việc cho các thành viên một cách hợp lí; thu hút được sự tham gia tích cực của các thành viên trong chia sẻ công việc gia đình với mình.
Với tôi, trước hết tôi phải cảm ơn chồng và các con là những người đã luôn hiểu và chia sẻ với tôi những công việc trong gia đình, giúp tôi yên tâm hơn khi tham gia công việc ngoài xã hội. Gia đình tôi luôn thống nhất quan điểm: mọi người phải luôn tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình có thời gian học tập, tham gia tích cực vào các hoạt động của cộng đồng, xã hội và mỗi người cần xắp xếp công việc riêng để cùng có chung trách nhiệm hoàn thành những công việc chung trong gia đình.
Hàng ngày, tôi thường dậy sớm nấu cơm cho các con ăn để đi học. Chủ nhật thường cùng hai con làm những món ăn các cháu thích. Cùng đọc các cuốn sách phù hợp với lứa tuổi của các con. Sau mỗi buổi con đi học về tôi thường hỏi xem hôm nay cháu học thế nào, để chia sẻ những khó khăn với các con, hướng dẫn các con chuẩn bị bài học hôm sau…
P.V: Cảm ơn chị nhân dịp ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 chúc chị tiếp tục thành công trong công việc và hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình!
Đào Duy (thực hiện)