Chiều 7-11, trời đã xẩm tối, mưa lây phây, trên cánh đồng Chệ Bái, Tiểu ban dồn điền, đổi thửa thôn Vũ Xá gồm 9 thành viên vẫn đang tiến hành kéo thước đo những thửa ruộng cuối cùng. Bốn người kéo thước ở hai đầu ruộng, hai người đóng cọc, hai người ghi chép và một người vẽ sơ đồ. Bác Lã Huy An, Trưởng tiểu ban dồn điền, đổi thửa thôn Vũ Xá thông báo: Hôm nay là kết thúc công việc đo đạc, vẽ sơ đồ. Ngày mai mời nhân dân đến nhận ruộng, ký vào tờ phiếu cam kết giữa các hộ có số thửa sát bên nhau.
Năm 1993, thực hiện Quyết định 313 của UBND tỉnh, trên địa bàn xã Ninh Vân đã tổ chức giao ruộng cho nông dân với bình quân chung cả địa phương là 5,3 thửa ruộng/hộ. Đến năm 2003, thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa của tỉnh và huyện, xã Ninh Vân đã thực hiện dồn đổi gọn lại ruộng để thuận tiện cho nhân dân canh tác và bình quân còn 3,3 thửa/hộ. Theo quan sát và nhận xét của nhiều người, việc dồn đổi ruộng đã cơ bản khắc phục được tình trạng manh mún trong quá trình sản xuất của các hộ. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập và hạn chế nhất định như chưa thực hiện quy hoạch đồng bộ giao thông, thủy lợi nội đồng. Vì từ trước tới nay, hầu hết không có đường vận chuyển ở các thửa ruộng mà chỉ có ở những vùng chính, trong khi những con đường nhỏ (từ 1,5 - 2,5 m) thì mặt đường đã xuống cấp, bị sạt lở nhiều, không đảm bảo cho vận chuyển, quá trình sản xuất hầu như nhân dân phải dùng sức lao động để vận chuyển, khó khăn cho việc đưa cơ giới vào sản xuất.
Cùng với khó khăn đó là hệ thống kênh mương tưới tiêu trên các xứ đồng cũng dần bộc lộ những bất cập, mặc dù trước đây đã được quy hoạch nhưng chưa đồng bộ, chỉ có kênh cấp 2, trong khi đó chưa có kênh cấp 3 (tưới và tiêu kết hợp). Vì thế chỉ có thể vận hành việc cấp, thoát nước bằng cách "tiêu tràn, tưới tràn"- phương pháp này không chủ động được thời gian, nhất là khi tiêu úng khẩn cấp.
Để đảm bảo nguyên tắc dân chủ, dân bàn, dân kiểm tra trong quá trình thực hiện, Ban chỉ đạo dồn điền, đổi thửa của xã thực hiện từng bước: Các tiểu ban ở thôn tiến hành họp nhân dân đồng loạt trên toàn xã.
Sau khi thông qua toàn bộ quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng, diện tích đất cần nhân dân hiến và tổng khối lượng, kinh phí phân bổ theo từng HTX để nhân dân bàn bạc, thống nhất và nhất trí cao theo hướng dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Theo thống kê của Ban chỉ đạo dồn điền, đổi thửa xã, các tuyến kênh mương cần phải thực hiện là 123 tuyến, diện tích đất cần cho các công trình là gần 39 nghìn m2, chiều dài trên 23 nghìn m, với khối lượng đào đắp trên 20 nghìn m3 để làm các tuyến đường giao thông đảm bảo cho các hộ sản xuất đều có đường vận chuyển nông sản, phân bón...
Một trong những cách làm hay mà chúng tôi ghi nhận ở Ninh Vân là: Việc dồn điền, đổi thửa được thực hiện một cách chặt chẽ, đảm bảo tính dân chủ. Ban chỉ đạo cùng các tiểu ban của các thôn thống kê diện tích đất 313 của từng hộ gia đình (lấy diện tích đất đã dồn điền, đổi thửa năm 2003 làm căn cứ) và diện tích đã thu hồi, đền bù, diện tích chuyển nhượng của các hộ để cân đối diện tích thực tế còn lại của từng hộ gia đình. Sau đó, vẽ sơ đồ từng thửa ruộng đã được quy hoạch và làm thủy lợi nội đồng theo số thửa mới của từng thôn, từng đội sản xuất và tiến hành giao ruộng theo từng thửa mới mà các thôn hiện đang canh tác.
Các ruộng xen canh của các hộ được dồn gọn vùng, gọn thửa thuận lợi cho việc quản lý, canh tác sau này. Hơn nữa, Ninh Vân thực hiện các bước chuyển đổi ruộng từ hộ này sang hộ kia trong phạm vi thôn và thống kê diện tích các hộ được ưu tiên không phải dồn đổi. Các tiểu ban ở thôn thống kê những hộ có nhu cầu tách ruộng cho con, thừa kế đất khi bố mẹ qua đời, những hộ đi xa không về chuyển cho anh em (đối với bố mẹ cho con phải có giấy cho, tặng của người có tài sản, đối với đất thừa kế phải có biên bản họp gia đình để lại cho người sử dụng, đối với những người đi xa không về thì phải có giấy ủy quyền của hộ, được ủy quyền và phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú).
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đối với những hộ tự nhận ruộng, được nhân dân trong thôn nhất trí, đồng thuận và phải có cam kết thì mới áp dụng cho tự nhận ruộng. Nếu không được đồng thuận thì phải gắp vé để bảo đảm sự công bằng. Đối với những hộ phải chia chỉ có một lô trên một diện tích thửa, thừa thiếu phải nhảy qua bờ. Trên cơ sở sơ đồ ruộng được giao, các thôn tiến hành phương án dồn điền, đổi thửa của riêng thôn mình, đảm bảo theo đúng quy định của Ban chỉ đạo xã. Được biết, ở Ninh Vân đã tổ chức 35 hội nghị cấp xã, 165 cuộc họp thôn, xóm để nhân dân bàn bạc, thông qua nghị quyết và biểu quyết cụ thể, ghi và tổng hợp vào phương án.
Đồng chí Lã Huy Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã, Phó trưởng Ban chỉ đạo dồn điền, đổi thửa xã cho biết: Sau khi các thôn lập phương án dồn điền, đổi thửa, Tiểu ban ở thôn xem xét cho các hộ tự nhận ruộng gồm các dòng họ, gia đình, bố con, anh em và những hộ có nhu cầu nhận ruộng vào một chỗ với nhau để thuận tiện cho canh tác, sản xuất sau này. Thôn lên danh sách diện tích cụ thể của từng hộ gia đình để cân đối diện tích đất 313 thực tế phải dồn của đơn vị mình. Đồng thời thống kê toàn bộ những hộ đã có ao làm mô hình nuôi cá ở trong thôn. Những hộ làm ao cần đầu tư phù hợp với kế hoạch của UBND xã và quy hoạch chỉnh trang đồng ruộng thì được trừ đi diện tích của ao không phải dồn; số ruộng còn lại của các hộ vẫn phải thực hiện dồn đổi như các hộ khác.
Dự kiến đến ngày 15-11, xã Ninh Vân giao đất ngoài thực địa cho 1.577 hộ có ruộng, với bình quân 2,5 thửa/hộ. Sau khi hoàn thiện hồ sơ địa chính của từng thửa ở thôn, các tiểu ban dồn điền, đổi thửa của thôn hoàn chỉnh số liệu ngay sau khi nhân dân được nhận ruộng, lập phiếu của từng hộ làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân. Như vậy bước vào vụ đông xuân 2014-2015, người dân Ninh Vân sẽ bắt đầu canh tác trên khu ruộng mới.
Dồn điền, đổi thửa tuy không phải tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nhưng lại là yếu tố quyết định thành công của nhiều tiêu chí khác. Những mảnh ruộng rộng lớn... giúp nông dân đưa cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất, chuyển đổi hướng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động... nhằm nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người nông dân ở các xã nói chung và xã miền núi Ninh Vân nói riêng.
Bài, ảnh: Minh Đường