Đồng chí Võ Mậu Lương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho biết: Đảng ủy, HĐND, UBND xã xác định tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp-làng nghề chế tác đá mỹ nghệ là khâu mũi nhọn góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Xã có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thay thế công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu bằng công nghệ mới tiên tiến hiện đại… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh và bảo vệ môi trường.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho người thợ. Xã đã chủ động liên kết thường xuyên với Trường Cao đẳng nghề Nam Định đào tạo nghề cho con em địa phương. Đến nay đã mở được 10 lớp cho 455 học sinh và khi ra trường có tay nghề bậc 3/7, hiện có công việc làm ổn định ở các doanh nghiệp, tổ hợp tác trên địa bàn xã. Toàn xã hiện có 80 doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ; trên 500 hộ cá thể và tổ hợp tác sản xuất chế tác đá mỹ nghệ; 13/13 thôn, xóm có lao động làm nghề đá mỹ nghệ. UBND tỉnh hiện đã công nhận làng nghề cho 10 thôn và 1 làng nghề đá mỹ nghệ tập trung.
Các doanh nghiệp và hộ gia đình đã chủ động, tích cực cải tiến các mẫu mã sản phẩm đá mỹ nghệ phù hợp với thị hiếu, thị trường, tạo thương hiệu trong nước và quốc tế; tích cực đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, chuyển đổi hình thức sản xuất nhằm huy động nguồn lực vào đầu tư phát triển.
Các doanh nghiệp từ các nguồn vốn đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại vào khai thác đá, xẻ đá, chạm khắc đá... trong cụm công nghiệp làng nghề của xã có quy mô 34,6ha và đất ven núi. Nhằm quảng bá thương hiệu làng nghề, chào mời khách hàng trong và ngoài nước, Hiệp hội làng nghề đá mỹ nghệ xã đã xây dựng Website cho các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hộ cá thể để giới thiệu về các sản phẩm của doanh nghiệp, tổ hợp tác. Các sản phẩm của làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân hàng năm còn tham gia các triển lãm, hội chợ ở trong và ngoài tỉnh.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cũng cho biết: Năm 2010, giá trị sản xuất của xã mới đạt 113 tỷ đồng, trong đó: Chăn nuôi, nông nghiệp đạt 22 tỷ 623 triệu đồng, chiếm 20%; tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đạt 90 tỷ 495 triệu đồng, chiếm 80% tỷ trọng kinh tế; thu nhập bình quân đầu người là 11 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo là 5,94%...
Ước năm 2019, tổng giá trị kinh tế của toàn xã đạt 493,6 tỷ đồng, tăng 380,4 tỷ đồng so với năm 2010, trong đó: Giá trị thu từ nông nghiệp và chăn nuôi là 40,1 tỷ đồng, chiếm 10%; giá trị từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đạt 453,5 tỷ đồng, chiếm 90% cơ cấu kinh tế của xã.
Thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều còn 3,69%. Số lao động có việc làm thường xuyên là 5.000 người. Cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện; bộ mặt nông thôn có sự thay đổi rõ nét. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Quân sự, quốc phòng được tăng cường...
Đó là những kết quả vững chắc của một xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2015) và đang trên con đường xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Bài, ảnh: Đinh Chúc