Với tinh thần "Khai thác và huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển…", Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XIX đã nêu mục tiêu đến năm 2010 "Phấn đấu GDP tính theo đầu người đạt mức bình quân chung của các tỉnh đồng bằng sông Hồng". Còn nhớ trong quá trình thảo luận dự thảo văn kiện chuẩn bị cho Đại hội và thảo luận tại Đại hội, đây là một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm, tập trung nhiều ý kiến, không ít ý kiến băn khoăn liệu có thực hiện được không? Làm thế nào để thực hiện được trong khi các tỉnh trong khu vực cũng tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển với nhiều lợi thế? Nhưng Đại hội đã nhất trí cao và phải phấn đấu để đạt mục tiêu này.
GDP bình quân đầu người chỉ có thể tăng nhanh trên cơ sở kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững và bảo đảm quy mô dân số. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thể hiện ý chí, quyết tâm của Đại hội không những bằng chương trình hành động, các nghị quyết chuyên đề mà bằng cả những giải pháp cụ thể, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện nhằm khai thác, huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong tỉnh. Kết quả là: Kinh tế liên tục tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước, năm 2006: 12,6%, năm 2007: 15%, 6 tháng đầu năm 2008: 18,6%, ước tính cả năm 2008: 18,9%, trong khi mục tiêu Đại hội đề ra đến năm 2010 là 14,5% trở lên. Công nghiệp là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất: Năm 2006: 15,6%, năm 2007: 15,9%, 6 tháng đầu năm 2008: 53,2%, trong khi mục tiêu Đại hội đề ra đến năm 2010 là 26%. Tiếp đến là dịch vụ: năm 2006: 15,6%, năm 2007: 18,6%, 6 tháng đầu năm 2008: 17%, trong khi mục tiêu Đại hội đề ra đến năm 2010 là 15%. Sự phát triển của công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng vạn lao động và tăng thu ngân sách, trực tiếp đưa nền kinh tế Ninh Bình phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nông - lâm nghiệp - thủy sản tốc độ tăng trưởng còn chậm: Năm 2006 là 7,5%, năm 2007 là 4,71%, 6 tháng đầu năm 2008 là 3,5%. Trên cơ sở tốc độ tăng trưởng như vậy, cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng từ 39% (năm 2006) lên 40% (năm 2007) và trong 6 tháng đầu năm 2008 là 42% (mục tiêu đến năm 2010 là 48%); dịch vụ từ 33,3% (năm 2006) lên 34% (năm 2007) và 33% trong 6 tháng đầu năm 2008, ước tính cả năm 2008 đạt 35% (mục tiêu đến năm 2010 là 35%). Nông, lâm nghiệp, thủy sản từ 27,7% xuống 26% và 25% (mục tiêu đến năm 2010 là 17%).
Tình hình chung trong cả nước về thực hiện công tác dân số mấy năm qua có khó khăn, nhưng tỉnh ta vẫn giữ được mức giảm tỷ lệ sinh hàng năm 0,22%o.Với những kết quả trên, GDP bình quân đầu người từ 6,4 triệu đồng/năm 2006 lên gần 7,9 triệu đồng/năm 2007 và ước tính năm 2008 là 11,5 triệu đồng (khoảng 700 USD). Trong khi mục tiêu đến năm 2010 là 13,57 triệu đồng và bình quân GDP tính theo đầu người của các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2007 là 6,965 triệu đồng.
Như vậy đến năm 2007 Ninh Bình đã đạt mức GDP tính theo đầu người cao hơn bình quân các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng, trước 3 năm so với mục tiêu của Đại hội. Đây thực sự là một trong những ấn tượng nổi bật nhất trong nửa nhiệm kỳ qua, là kết quả thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, cố gắng phấn đấu của các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên, nhân dân toàn tỉnh trong điều kiện có những thuận lợi và cũng không ít khó khăn, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh bạn đều được tăng lên.
Tuy nhiên, so với yêu cầu và tiềm năng thì như trong báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đánh giá: "Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm". Đến năm 2007 trong khi bình quân chung cả nước tỷ trọng công nghiệp, xây dựng là 41,6%, dịch vụ là 38,15%, nông - lâm nghiệp - thủy sản là 20,25%; bình quân các tỉnh đồng bằng sông Hồng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng là 41,80%, dịch vụ 44,24%, nông - lâm nghiệp - thủy sản là 13,96%, thì tỉnh Ninh Bình mới đạt 40%, 34% và 26%. Nguyên nhân là do tuy công nghiệp đã tăng nhanh nhưng thu hút đầu tư nước ngoài còn ít, chưa kêu gọi được những tập đoàn kinh tế mạnh, có năng lực lớn đầu tư vào địa bàn tỉnh. Một số dự án triển khai chậm. Khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm công nghiệp còn yếu. Hiệu quả hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực đã đầu tư. Đấy là những tồn tại, khuyết điểm, nhưng đồng thời lại là một tiềm năng, bởi nếu như qua sơ kết giữa nhiệm kỳ tạo được thống nhất cao trong đánh giá và có giải pháp tập trung khắc phục các tồn tại, khuyết điểm ấy, vượt qua những khó khăn, thách thức mới, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã nêu trong báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, phát huy hiệu quả các dự án đã xây dựng đưa vào hoạt động và các dự án đã và sẽ được đầu tư trong những năm sắp tới thì nhất định sẽ tạo bước phát triển mới trong những năm còn lại của nhiệm kỳ này, hoàn thành vượt mức các mục tiêu Đại hội đã đề ra, tạo đà cho bước phát triển mạnh hơn trong những năm tiếp theo.
Thanh Túc