Toàn ngành đã thực hiện đa dạng hóa các loại hình trường lớp, phát triển khá phù hợp mạng lưới và quy mô giáo dục-đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường ở các cấp học, bậc học tăng dần qua các năm, đảm bảo duy trì sĩ số học sinh, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Chất lượng giáo dục được nâng lên, kể cả chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn. Tỷ lệ trẻ mầm non suy dinh dưỡng, tỷ lệ học sinh phổ thông có học lực yếu đều giảm ở tất cả các cấp học; tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi tăng hàng năm.
Công tác hướng nghiệp, dạy nghề bước đầu có chuyển biến tích cực, ngày càng hiệu quả và thực chất hơn. Cơ sở vật chất trường lớp phát triển, số lượng trường học đạt chuẩn Quốc gia và tỷ lệ phòng học kiên cố, phòng bộ môn, thư viện đạt chuẩn tăng; trang thiết bị giáo dục dần đáp ứng tốt hơn quá trình dạy và học. Đến tháng 6-2013, tổng số trường học đạt chuẩn Quốc gia toàn tỉnh là 338 trường, đạt 72,1% tổng số trường mầm non và phổ thông toàn tỉnh. 63 xã, phường, thị trấn có cả 3 trường mầm non, tiểu học và THCS đạt chuẩn Quốc gia. Công tác quản lý giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn tăng nhanh, đủ về số lượng, tương đối đồng bộ về cơ cấu; đa số nhiệt tình, tâm huyết với nghề. Tỷ lệ giáo viên và cán bộ quản lý toàn ngành có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên là 99,81%, trong đó trên chuẩn là 71,5%.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực có chuyển biến tích cực, hệ thống đào tạo được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, đi đôi với tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên để nâng cấp các cơ sở đào tạo lên cao đẳng, đại học. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 cơ sở đào tạo, trong đó có 1 trường đại học, 4 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp chuyên nghiệp, 6 trường trung cấp nghề và các trung tâm dạy nghề. Các trường đã chú trọng đổi mới chương trình đào tạo; tăng cường liên kết giữa các trường và giữa đào tạo với cơ sở sản xuất, mở rộng hoạt động hướng nghiệp và đào tạo nghề tại 8 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh…
Tuy nhiên, sự nghiệp giáo dục và đào tạo Ninh Bình vẫn còn những bất cập, yếu kém. Đó là quy mô trường lớp, nhất là bậc THCS chưa phù hợp, nhiều trường có quy mô quá nhỏ, gây lãng phí; chất lượng giáo dục-đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH của địa phương và đất nước. Việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học tuy đã đạt được một số kết quả ban đầu nhưng còn chậm và hiệu quả thấp. Cơ sở vật chất trường lớp chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đủ phòng học để đáp ứng yêu cầu học 2 buổi/ngày, thiếu phòng học bộ môn, phòng vi tính, phòng thực hành, phòng thiết bị, phòng đa năng…
Công tác quản lý giáo dục chưa có nhiều đổi mới, thiếu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực. Công tác dạy thêm, học thêm còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao, còn hiện tượng lạm dụng thu tiền đóng góp gây bức xúc trong xã hội. Hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT vào hệ thống các trường dạy nghề còn hạn chế; việc liên kết giữa các cơ sở đào tạo với cơ sở sản xuất chưa được chú trọng đúng mức. Một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; số lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên bậc tiểu học và THCS ở nhiều địa phương mất cân đối khá nghiêm trọng, vừa thừa, vừa thiếu, vừa không đồng bộ….
Những bất cập, yếu kém, tồn tại đó có nguyên nhân chủ yếu do tư duy về giáo dục chậm đổi mới, không theo kịp sự phát triển của đất nước trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Chính sách giáo dục, đào tạo chưa tạo được động lực, chưa huy động sự tham gia rộng rãi của toàn xã hội. Quản lý giáo dục, đào tạo còn nặng về hành chính, chưa phát huy tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo, chưa tạo được động lực đổi mới từ bên trong của ngành giáo dục. Các chủ trương về đổi mới và phát triển giáo dục, đào tạo chậm được cụ thể hóa và triển khai có hệ thống, đồng bộ. Nhiều cấp ủy đảng, chính quyền và cơ quan chức năng chưa nhận thức sâu sắc và chưa thực hiện đầy đủ quan điểm "Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, của Nhà nước và của toàn dân", "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu" và "Đầu tư cho giáo dục-đào tạo là đầu tư phát triển"…
Với mục tiêu tiếp tục phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh theo hướng toàn diện và vững chắc; thực hiện tốt mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đến năm 2020, Giáo dục Ninh Bình trở thành đơn vị giáo dục-đào tạo có chất lượng, uy tín trong khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và cả nước, ngày 23-2-2013, Tỉnh ủy Ninh Bình đã xây dựng Chương trình hành động số 17-CTr/TU (gọi tắt là Chương trình hành động 17) thực hiện Kết luận số 51-KL/T.Ư ngày 29-10-2012 Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" (gọi tắt là Kết luận 51). Tiếp đó, ngày 4-6-2013, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBND (gọi tắt là Kế hoạch 39) thực hiện Chương trình hành động 17 và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 22-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Theo đó, mục tiêu cụ thể của giáo dục và đào tạo Ninh Bình giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 là: Đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi năm 2013; đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 vào năm 2015; củng cố và duy trì kết quả phổ cập giáo dục THCS, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trung học giai đoạn 2015-2020. Về xây dựng trường chuẩn Quốc gia: Đến hết năm 2015 có 70% trường mầm non, 50% trường tiểu học (đạt chuẩn mức độ 2), 70% trường THCS, 30% trường THPT đạt chuẩn Quốc gia; đến hết năm 2020 có 100% trường mầm non, 50% trường tiểu học (đạt chuẩn mức độ 2), 100% trường THCS, 50% trường THPT đạt chuẩn Quốc gia.
Hoàn thiện Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và củng cố hệ thống mạng lưới trường trọng điểm chất lượng cao. Triển khai dạy môn Tiếng Anh theo Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 8-10-2012 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020" tỉnh Ninh Bình. Đến năm 2015, 100% giáo viên các cấp học đạt trình độ chuẩn về đào tạo, trong đó tỷ lệ trên chuẩn đạt 60%; đến năm 2020 có 80% giáo viên đạt trình độ trên chuẩn về đào tạo, trong đó cấp THPT là 30%. Đào tạo nghề cho khoảng 84.500 lượt lao động (trung bình 16.900 lượt lao động/năm); nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến năm 2015 đạt 40-45%...
Để thực hiện thành công Kết luận 51, Chỉ thị 02 và Chương trình hành động 17, trong Kế hoạch 39, UBND tỉnh đã nêu một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cần thực hiện đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, như: Triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011-2020. Phát triển hợp lý quy mô trường lớp; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Chú trọng giáo dục mũi nhọn, tăng số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế. Đổi mới mạnh mẽ quản lý Nhà nước đối với giáo dục và đào tạo. Khắc phục cơ bản tiêu cực trong dạy thêm, thi cử, lạm thu và sử dụng các nguồn thu không đúng mục đích, những tiêu cực trong đào tạo vừa làm vừa học. Tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo…
Theo đó, Kế hoạch 39 là căn cứ để các cấp, các ngành như Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Hoa Lư, các Sở: Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; các cơ quan thông tấn báo chí, thông tin truyền thông, UBND các huyện, thành phố, thị xã; các Hội, tổ chức, đoàn thể; các cơ sở giáo dục trong tỉnh… xây dựng kế hoạch hành động theo chức năng, nhiệm vụ của mình và chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá; đồng thời tăng cường sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 39, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Mỹ Hạnh