Quyết tâm cao từ các địa phương Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng năm qua, huyện Nho Quan lại là địa phương đi đầu trong việc thực hiện tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất nông nghiệp. Đến nay, những khái niệm về cánh đồng mẫu, cánh đồng tập trung đã trở nên quen thuộc với bà con nông dân nơi đây.
Năng suất lúa cao hơn, ít tốn công lao động và dễ dàng áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất là những hiệu quả thiết thực mà mô hình này mang lại. Nhận thấy những lợi ích từ việc tham gia mô hình cánh đồng tập trung của hợp tác xã nhiều hộ dân đã sẵn sàng tham gia vào mô hình mới này.
Ông Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện theo lợi thế từng vùng: Vùng trũng chủ yếu phát triển theo phương thức chuyên canh cá, lúa - cá, cá - lúa - vịt đẻ trứng, cá - cây ăn quả, điển hình như mô hình lúa - cá của HTX Văn Phong, vùng ven là mô hình phát triển kinh tế tổng hợp theo phương thức lúa - cá, lúa - cây ăn quả - một số con nuôi đặc sản; vùng cao các gia trại, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đang được phát triển nhân rộng, đặc biệt là mô hình nuôi vỗ béo bò thịt ở các xã: Phú Long, Kỳ Phú, Cúc Phương.
Ngoài ra, trong năm 2016 một số công ty đã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện như: Công ty TNHH Dược thảo Hoàng Thành thuê đất của nông dân 5 năm, diện tích 11,5 ha tại xã Văn Phương để trồng cây dược liệu; Công ty giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình đã thuê 34 ha của xã Đồng Phong đang thực hiện làm đất để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất cánh đồng khép kín theo hướng chuỗi giá trị.
Năm 2017, huyện Nho Quan tiếp tục giao chỉ tiêu tích tụ ruộng đất cho 21 xã với tổng diện tích là 600 ha; với mục đích để ứng dụng các công nghệ tiên tiến, tạo ra nền sản xuất nông nghiệp tập trung và các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu địa phương như cá đồng Nho Quan, khoai sọ Yên Quang…
Huyện cũng đã rà soát và quy hoạch vùng có diện tích từ 10 ha trở lên để tạo quỹ đất khuyến khích các doanh nghiệp, HTX vào đầu tư, sản xuất; UBND các xã cần tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục pháp lý để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuê đất yên tâm sản xuất; tuyên truyền để cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng về chủ trương này.
Cần nhiều giải pháp hỗ trợ từ phía Nhà nước
Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, từ năm 2012 đến nay, tỉnh ta có trên 90 xã thực hiện xong, mỗi hộ có từ 1-2 thửa ruộng.
Đây được coi là phương thức để giảm số thửa, đưa máy móc vào sản xuất, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả cho người nông dân. Tuy nhiên, để sản xuất hàng hóa quy mô lớn cần tập trung những mảnh ruộng nông dân không thiết tha sản xuất hoặc sản xuất kém hiệu quả thành những khu ruộng lớn, tạo quỹ đất sạch thu hút doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Sau dồn điền, đổi thửa trên địa bàn tỉnh đã manh nha xuất hiện một số mô hình thuê, mượn ruộng, tích tụ ruộng đất cho hiệu quả kinh tế khá cao như ở Yên Khánh, Yên Mô, Nho Quan... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành trên 100 mô hình tích tụ ruộng đất, với tổng diện tích trên 500ha; trong đó hơn 200ha đã được doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; giá trị trên ha canh tác đạt trên 120 triệu đồng/ha/năm trở lên; tích tụ ruộng đất đang là hướng đi phù hợp, thúc đẩy người nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đưa cơ giới hóa và sản xuất. Đặc biệt, khi tham gia mô hình này, người nông dân có thể trở thành chủ trang trại, cơ sở thu mua, chế biến nông sản.
Theo ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT: Đến nay, sản xuất nông nghiệp đang chuyển sang nền nông nghiệp chuyên môn hóa, sản xuất hàng hóa, bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tất yếu phải tích tụ, tập trung ruộng đất và mở rộng quy mô đất đai cho các đơn vị sản xuất, coi đây là bước đột phá của sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp phải chỉ đạo quyết liệt mới thành công.
Để thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, ông Vũ Nam Tiến cho rằng: Các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là các HTX nông nghiệp ở địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nói chung, chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất nói riêng.
Điều quan trọng là để người nông dân thấy được sự cần thiết và lợi ích của tích tụ, tập trung ruộng đất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đi liền với đó là động viên và hướng dẫn cách làm ăn hiệu quả qua tích tụ, tập trung ruộng đất, khắc phục tâm lý băn khoăn, e ngại tích tụ, tập trung ruộng đất sẽ dẫn đến bất ổn về xã hội.
Đối với các địa phương cần gắn quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, bố trí phân công lại lao động trên phạm vi địa phương. Nhờ đó mới bảo đảm giải quyết tốt công ăn, việc làm cho số lao động dôi dư, không còn đất chuyển sang ngành, nghề khác. Như vậy cơ cấu lại nền kinh tế nhanh hay chậm sẽ tác động trực tiếp đến tốc độ và quy mô tích tụ, tập trung ruộng đất.
Về phía Nhà nước cần hỗ trợ nông dân trong quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, như hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo lao động, hỗ trợ các khâu dịch vụ trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi tối đa để thúc đẩy phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, trong đó bao gồm tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng trong tháng 3 năm 2017. Chủ trương này được xem là động lực để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Nguyễn Thơm