Cuộc thi trực tuyến "Pháp luật học đường" do Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup phối hợp tổ chức, phát động trên toàn quốc vào Ngày pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2019 (9/11/2019). Cuộc thi hướng tới đối tượng là học sinh các trường THPT, học viên Trung tâm giáo dục thường xuyên và học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với quy mô phạm vi toàn quốc đặt trong bối cảnh tình hình vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên hiện có nhiều diễn biến phức tạp.
Với hình thức thi trực tuyến theo dạng trả lời trắc nghiệm trên website: www:timhieuphapluat.vn, các thí sinh tham gia thi trải qua 3 vòng thi: Vòng loại với 6 tuần thi (bắt đầu từ ngày 11/11 đến 21h ngày 21/12/2019); vòng bán kết (từ ngày 10/2-23/2/2020) và vòng chung kết toàn quốc, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26/3/2020.
Đối với tỉnh Ninh Bình, ngay sau khi Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch số 3086/KH-BTP ngày 15/8/2019 tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật trong các nhà trường và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, UBND tỉnh đã giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn và các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố hưởng ứng triển khai thực hiện tại địa phương. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp cũng đã ban hành Kế hoạch và tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch hưởng ứng tổ chức Cuộc thi trực tuyến "Pháp luật học đường" tới toàn thể các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thành phố, coi đây là một trong các hoạt động, điểm nhấn hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2019 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Hưởng ứng Cuộc thi, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn và UBND các huyện, thành phố đã ban hành văn chỉ đạo, đôn đốc các nhà trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tích cực vận động, khuyến khích, tạo điều kiện để các học sinh, sinh viên, học viên tham gia Cuộc thi. Theo đó, các nhà trường và cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để vận động, khuyến khích, tạo điều kiện thu hút đông đảo học sinh, sinh viên, học viên tham dự Cuộc thi như: Ban hành Kế hoạch; phổ biến các quy định hướng dẫn, thể lệ Cuộc thi trong các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp hàng tuần; đăng tải các văn bản Cuộc thi trên Website của trường; yêu cầu giáo viên chủ nhiệm quán triệt tới các học sinh, khuyến khích các em thi trên máy tính cá nhân/điện thoại cầm tay hoặc tạo điều kiện để học sinh thi tập trung tại phòng máy của nhà trường... Bên cạnh đó, để động viên, khuyến khích các em tham gia dự thi, các nhà trường cũng quy định hình thức động viên, khen thưởng kịp thời cho những học sinh tích cực và đạt kết quả tốt qua các vòng thi...
Kết quả sau 3 tuần vòng loại, đến nay, toàn tỉnh đã có 5.130 thí sinh dự thi, đứng thứ nhất toàn quốc về số lượng học sinh, sinh viên tham gia dự thi. Trong đó, địa phương có số lượng thí sinh tham gia thi đông nhất là thành phố Ninh Bình với 2.132 thí sinh, tiếp đó là huyện Kim Sơn với 2.130 thí sinh, huyện Yên Mô với 1.754 thí sinh... Đặc biệt, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (thành phố Ninh Bình) đạt 89% tổng số học sinh toàn trường tham gia, đứng thứ 6 toàn quốc; Trường THPT Yên Mô A (huyện Yên Mô) đạt 86%, đứng thứ 7 toàn quốc; Trường THPT Kim Sơn B (huyện Kim Sơn) đạt 67%, đứng thứ 13 toàn quốc... Tuy nhiên, tại một số địa phương, nhiều nhà trường chưa huy động, động viên được nhiều thí sinh dự thi, nhất là học sinh, học viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.
Cuộc thi trực tuyến "Pháp luật học đường" tạo cơ hội cho các em học sinh, sinh viên, học viên có thể nhận được Giấy chứng nhận đạt giải và phần thưởng có giá trị từ Ban Tổ chức Cuộc thi. Đặc biệt, các thí sinh đạt giải Nhất, giải Nhì vòng Chung kết được ưu tiên xét tuyển khi đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Luật Hà Nội. Thí sinh đạt giải Nhất có thể được xét cấp học bổng tương tự như thủ khoa đầu vào khi đăng ký dự tuyển và trúng tuyển vào Trường Đại học Luật Hà Nội. Đồng thời, các tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong Cuộc thi sẽ có cơ hội nhận Bằng khen từ Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Và quan trọng hơn, thông qua Cuộc thi giúp các em học sinh, sinh viên được tiếp cận các kiến thức cơ bản và cần thiết về pháp luật học đường, từ đó giúp các em xây dựng, hình thành và có thái độ sống đúng đắn, tích cực, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp, các ngành Tư Pháp - Giáo dục - Đoàn Thanh niên và chính quyền các cấp, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình của các giáo viên, học sinh, sinh viên, học viên trong các nhà trường và cơ sở giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh, tin rằng, Cuộc thi trực tuyến "Pháp luật học đường" trên địa bàn tỉnh Ninh Bình sẽ đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.
Hạnh Chi