Để đáp ứng yêu cầu mới của công tác PCGD, XMC, Ban Chỉ đạo PCGD, XMC của tỉnh đã xây dựng các kế hoạch chỉ đạo thực hiện nhằm đạt mục tiêu phổ cập, xóa mù chữ trong từng giai đoạn và cho từng năm; ban hành các văn bản hướng dẫn về chuyên môn của công tác PCGD, XMC; tổ chức các lớp tập huấn về các nội dung liên quan, đặc biệt là tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật điều tra, thống kê số liệu trẻ trong độ tuổi ra lớp, người mù chữ tham gia học xóa mù… Cùng với đó, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng được các cấp, nhà trường đặc biệt quan tâm. Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đều đảm bảo điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo quy định.
Đối với phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đến thời điểm hiện tại, 100% nhóm lớp trên địa bàn tỉnh đều đủ giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ; 100% giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó trên chuẩn đạt trên 92%; 100% số giáo viên, với 983 giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi đạt yêu cầu chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non; 100% giáo viên dạy lớp 5 tuổi được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành. Nhờ đó, công tác PCGD cho trẻ 5 tuổi của tỉnh đã đạt được kết quả tích cực. Đến tháng 10/2016, toàn tỉnh có 151 trường mầm non với trên 2 nghìn nhóm lớp, trong đó có 450 lớp 5 tuổi. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non giảm mạnh và bền vững. Có 8/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn về PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt gần 100% và tất cả đều hoàn thành chương trình giáo dục mầm non trước khi vào lớp 1.
ở nội dung PCGD tiểu học, năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 150 trường tiểu học với trên 71 nghìn học sinh. 100% giáo viên đạt chuẩn trở lên, trong đó trên chuẩn đạt 97,9%. 100% trường tiểu học có giáo viên dạy các môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, tiếng Anh và tin học. Tất cả các trường đều đảm bảo đủ thiết bị dạy học tối thiểu, có sân chơi, bãi tập, hệ thống cây xanh, vệ sinh, nước sạch, khu để xe… Tỷ lệ học sinh hoàn thành các môn học đều đạt từ 99,7% trở lên, trong đó 83,3% học sinh được khen thưởng. Học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,7%, riêng học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,99%. Kết quả, năm 2016, 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.
Đối với phổ cập giáo dục THCS, theo đánh giá của Bộ Giáo dục và đào tạo, năm 2016, tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Toàn tỉnh có 1 đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 1; 56 đơn vị cấp xã đạt chuẩn mức độ 2 và 88 đơn vị cấp xã đạt chuẩn mức độ 3. Số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 2 trở lên là 144/145 đơn vị, đạt 99,3%. Có 8/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn mức độ 2 trở lên, trong đó có 3 đơn vị đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3. Cùng với đó, công tác phân luồng học sinh và xóa mù chữ được thực hiện hiệu quả. Với việc duy trì và phát triển mạng lưới các trường THPT và Trung tâm GDTX trong toàn tỉnh, hàng năm toàn tỉnh có từ 80-85% số học sinh tốt nghiệp THCS vào học tiếp THPT, GDTX, còn khoảng 15-20% số học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học nghề và vừa làm vừa học nghề. Đội ngũ tham gia dạy xóa mù chữ 100% giáo viên của các cơ sở giáo dục, mỗi cơ sở giáo dục đều cử cán bộ hoặc giáo viên theo dõi, phụ trách xóa mù chữ. Ninh Bình đã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2016.
Theo ông Đỗ Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, để đạt được những kết quả trên, các cấp, các ngành, trong đó chủ chốt là ngành Giáo dục đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và nỗ lực thực hiện hiệu quả. Điển hình như công tác tuyên truyền và thực hiện PCGD, XMC được ngành Giáo dục và các địa phương tập trung triển khai thông qua hệ thống thông tin tuyên truyền; phối hợp với các sở, ngành liên quan đưa sách, báo đến các điểm dân cư, các bưu điện văn hóa xã; trang bị ti vi, tủ sách tại các nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với sách báo, truyền hình... Lực lượng cán bộ, giáo viên có sức khỏe, nhiệt huyết, kinh nghiệm cũng được ngành phân bổ về các cơ sở, địa phương còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc. Phòng Giáo dục các địa phương đã phối hợp tốt với Đoàn thanh niên, các đơn vị lực lượng vũ trang tích cực vận động trẻ trong độ tuổi phổ cập đến trường, tham gia vận động trẻ bỏ học trở lại trường, vận động các nguồn xã hội hóa cho PCGD. Các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm văn hóa thể thao ở các địa phương luôn được tận dụng, huy động tối đa hiệu năng hoạt động…
Cũng theo ông Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đỗ Văn Thông, trong quá trình thực hiện PCGD, XMC, tỉnh Ninh Bình còn gặp một số khó khăn. Đó là đời sống của một bộ phận nhân dân vẫn còn thấp; đội ngũ giáo viên các cấp học tuy cơ bản đảm bảo về số lượng nhưng chưa đồng bộ, tỷ lệ giáo viên trên lớp chưa cân đối; cơ sở vật chất nhà trường đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn trường phải học 2 ca, nhiều trường thiếu các phòng học bộ môn, phòng chức năng, thiết bị dạy học...; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc thực hiện PCGD, XMC còn gặp khó khăn do nhận thức chưa đầy đủ về công tác này. Cùng với đó, số dân trong độ tuổi từ 15-60 mù chữ chiếm tỷ lệ rất ít, nên việc tổ chức hoặc huy động ra học các lớp xóa mù gặp khó khăn… Trước thực tế đó, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất với tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm đầu tư hệ thống trường lớp để nâng cao tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày; tuyển dụng đủ số giáo viên cho bậc mầm non, đủ chủng loại giáo viên bậc tiểu học, THCS; chỉ đạo các trường trung cấp dạy nghề, trung tâm GDTX tổ chức dạy nghề có định hướng để sau khi hoàn thành khóa học, học viên tìm được việc làm hoặc xuất khẩu; có thêm nguồn kinh phí chi cho hoạt động PCGD, XMC…
Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước hướng tới mục tiêu "Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài", thời gian tới, tỉnh Ninh Bình đề ra mục tiêu duy trì đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi; duy trì đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3; công nhận đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3; duy trì xóa mù chữ mức độ 2. Cùng với đó củng cố, nâng cao kết quả PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, giáo dục thường xuyên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay.
Mỹ Hạnh