Thị trường tiền tệ, đặc biệt là việc huy động tiền gửi tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn Ninh Bình đã có những thay đổi theo hướng nâng cao lãi suất để cạnh tranh nhau. Ngân hàng dầu khí toàn cầu (GP-Bank) chi nhánh Ninh Bình đang niêm yết mức lãi suất huy động mới, với mức 15%/năm. So với các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn mức lãi suất này được xem là hấp dẫn. Có lẽ vì vậy mà khá nhiều người - trong đó một số chưa phải là khách hàng truyền thống của GP-Bank, cũng tìm đến ngân hàng này.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, một khách hàng cho biết: tháng trước ông đã gửi tiền kỳ hạn 6 tháng tại một ngân hàng thương mại. Mấy ngày nay lãi suất huy động liên tục tăng nên ông quyết định rút trước thời hạn và đang tìm hiểu lãi suất của các ngân hàng để gửi hưởng mức lãi suất cao nhất. Tuy nhiên, theo ông Minh lúc này chỉ nên gửi ngắn hạn, chờ đến khi lãi suất ổn định mới gửi lâu dài. Ông cũng cho biết, sẽ phân phối tiền nhàn rỗi để gửi "trải thảm" ở các ngân hàng có mức lãi ngắn hạn cao nhằm hưởng lời. Hiện nay, tại các ngân hàng thủ tục gửi và rút tiền đều khá thuận và có nhiều dịch vụ bổ sung theo hướng tạo điều kiện tối đa cho khách hàng. Do đó người gửi có rất nhiều sự lựa chọn.
Bên cạnh động thái tăng lãi suất, nhiều ngân hàng đưa ra các hình thức khuyến mại hấp dẫn để thu hút khách hàng như ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (AgriBank) có chương trình gửi tiết kiệm bằng Việt Nam đồng được đảm bảo theo giá trị bằng vàng 3 chữ A. Thu hút khã đông khách hàng đến giao dịch. Ngoài những người rút ra - gửi vào ngay tại chỗ, có không ít người đem tiền nhàn rỗi, chưa có nhu cầu sử dụng hoặc rút tiền đã gửi ở ngân hàng khác đến gửi vào ngân hàng này. Chị Phạm Thị Lan (thành phố Ninh Bình) cho rằng, lần này các ngân hàng đều có biến động về lãi suất theo chiều hướng tăng, tuy nhiên qua khảo sát độ chênh lệch không lớn, nên chị chọn gửi ở ngân hàng có uy tín được hưởng thêm dịch vụ khuyến mãi.
Bên cạnh những khách hàng vội vã đi chuyển đổi tiền gửi vẫn có không ít người tỏ ra "cảnh giác" trước việc các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động. Thay vì chen nhau rút ra - gửi vào, họ án binh bất động, hoặc tính chuyện rút bớt tiền ra khỏi các ngân hàng nhưng không gửi lại. Theo những người này, khi một ngân hàng tăng lãi suất có thể là dấu hiệu bị thiếu vốn đầu vào, hoặc có nhu cầu vốn đột biến (ký kết tài trợ cho một dự án lớn), mà mức lãi suất hiện tại không bảo đảm huy động đủ vốn. Việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động quá cao có thể dẫn đến thua lỗ, vì lãi suất cho vay cũng tăng nhưng không tương ứng, trong khi ngân hàng phải chi trả nhiều khoản chi phí, chiết khấu khác cho "chiến dịch" chạy đua lãi suất này. Vì vậy, tạm thời rút tiền ra chính là một giải pháp an toàn; chờ đến lúc tình hình ổn định hơn mới đem gửi lại...
Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại trên địa bàn, tuy nhịp độ giao dịch có tăng hơn trước nhưng trên thực tế, lượng tiền huy động được tăng không nhiều. Bởi lẽ, có nhiều người rút ra chừng nào gửi vào lại chừng ấy theo hìmh thức đổi sổ tiết kiệm chứ không gửi thêm. Trong khi đó, những khách hàng mới thì chủ yếu gửi theo kiểu "thăm dò": cùng lúc gửi ở 2-3 ngân hàng, mỗi nơi một khoản chừng vài chục triệu đồng... Đáng lưu ý nữa là, lượng tiền gửi có tăng nhưng chỉ tăng cục bộ ở một số ngân hàng có lãi suất hấp dẫn chứ không tăng đều ở toàn hệ thống. Ngược lại, có nơi lượng tiền bị suy giảm, do khách hàng rút tiền gửi từ ngân hàng này sang ngân hàng khác để được lợi nhuận cao hơn. Đối với những khách hàng tiềm năng, có lượng tiền nhàn rỗi lớn, thường ít khi phản ứng ngay lập tức theo các biến động của lãi suất. Họ cần mức lãi chấp nhận được nhưng phải ổn định. Mặc dù chưa có thống kê chính thức lượng tiền gửi từ đợt điều chỉnh lãi suất này sẽ tăng bao nhiêu phần trăm so với trước đây. Nhưng nhiều ngân hàng cũng ước đoán lượng gửi tiền với kỳ hạn ngắn sẽ chiếm ưu thế hơn so với gửi tiết kiệm lâu dài.
Quốc Khang