Đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, điều kiện phục vụ cho kỳ thi của ngành Giáo dục đã cơ bản hoàn thành. Các thí sinh cũng đã chuẩn bị cho mình một hành trang kiến thức tốt nhất để bước vào kỳ thi. Đồng chí Lê Văn Dung, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo thi của tỉnh khẳng định: "Toàn ngành quyết tâm thực hiện một kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc, đúng quy chế và đạt kết quả cao nhất, làm tiền đề cho kỳ thi "2 chung" năm 2010".
Công tác chuẩn bị đã hoàn thành
Theo báo cáo của Sở Giáo dục - Đào tạo, kỳ thi năm nay toàn tỉnh có 14.995 thí sinh, trong đó có 12.311 thí sinh THPT và 2.684 thí sinh bổ túc THPT được chia thành 11 cụm thi với 33 Hội đồng thi, 639 phòng thi. Toàn tỉnh huy động gần 2.000 giáo viên coi thi và 62 thanh tra thi của Sở. Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng cử 140 thanh tra ủy quyền thuộc các đơn vị: Học viện Ngân hàng, Cao đẳng Cộng đồng Hải Phòng và Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thanh Hóa. Hiện bộ phận công tác in, sao đề thi, chấm thi đã được Sở bố trí địa điểm làm việc an toàn, nghiêm túc với 3 vòng bảo vệ.
Ban chỉ đạo thi của tỉnh cũng đã chuẩn bị tốt các điều kiện, phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho yêu cầu của kỳ thi, đặc biệt là việc mua sắm, bảo hành các loại máy in sao đề thi, máy chấm thi trắc nghiệm và các phần mềm chấm thi. Có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho việc in sao đề thi, vận chuyển giao nhận đề thi, coi thi và chấm thi… Xây dựng kế hoạch thanh tra, chỉ đạo và tổ chức điều hành công tác thanh tra trước, trong và sau kỳ thi một cách khách quan và có hiệu quả. Chuẩn bị tốt hồ sơ của các kỳ thi, ký duyệt, cấp phát bằng theo đúng quy định.
Ban chỉ đạo thi của tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành, thị thành lập các Ban chỉ đạo thi ở địa phương. Từ nay đến sát ngày thi, Sở GD-ĐT thường xuyên tổ chức và thanh, kiểm tra các Hội đồng thi để kịp thời phát hiện những khó khăn, bất cập trong quá trình tổ chức, báo cáo, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh có những chủ trương, giải pháp phù hợp đảm bảo cho kỳ thi đạt kết quả tốt. Ngày 20 và 21-5, Sở cũng đã tổ chức cho học sinh toàn tỉnh thi thử lần cuối để học sinh nắm được phương pháp làm bài. Chỉ đạo các cụm trường có kế hoạch phục vụ kỳ thi tốt.
Thầy Nguyễn Hữu Tính, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Ninh Bình), Cụm trưởng cụm các trường: THPT Dân lập Hoa Lư, Hoa Lư A và Đinh Tiên Hoàng cho biết: Hiện nay, cụm đã cơ bản hoàn thành các công việc nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý thi như: Phòng thi, làm số báo danh cho thí sinh, hồ sơ dự thi…, đồng thời kiểm tra lần cuối cùng để đảm bảo không xảy ra sai sót trong kỳ thi. Họp ban chỉ đạo cụm thi để phân công rõ trách nhiệm của từng bộ phận, nhất là việc giúp đỡ thí sinh ở xa phải ở lại các điểm thi.
Vững tin bước vào kỳ thi
Đến thời điểm này, các trường cũng đã hoàn thành việc ôn tập thi tốt nghiệp cho các thí sinh. Các trường tiến hành làm tốt công tác tư tưởng cho học sinh trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tại Trường THPT Yên Khánh A, chúng tôi nhận thấy không khí ôn thi đang diễn ra hết sức khẩn trương. Thời gian thi học kỳ II được nhà trường chủ động tiến hành sớm. Đặc biệt ngoài 3 môn thi tốt nghiệp đã biết trước là Toán, Văn, Ngoại ngữ thì khi Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố 3 môn thi tiếp theo gồm: Lý, Sinh, Địa, Trường đã huy động những giáo viên giàu kinh nghiệm giảng dạy đảm nhiệm việc ôn tập cho học sinh.
Thầy giáo Hiệu trưởng Đỗ Văn Thông cho biết, mặc dù liên tục mấy năm qua tỷ lệ học sinh tốt nghiệp (đợt 1) của Trường luôn đạt gần 100% nhưng không vì thế mà thầy, trò nhà trường chủ quan, lơ là việc học. Đơn giản vì kỳ thi năm nay, hàng loạt những quy định chặt chẽ như môn thi trắc nghiệm vẫn chấm bằng máy, môn thi tự luận chấm chéo giữa các tỉnh, thi liên trường, thanh tra Bộ GD-ĐT tham gia coi thi… thì không chỉ học sinh mà ngay cả giáo viên cũng có lo lắng. Tuy nhiên, ngoài đầu vào chất lượng, nhà trường có đủ giáo viên vững vàng chuyên môn, nghiệp vụ, có thể đảm nhiệm tốt việc ôn tập cho học sinh
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2007-2008, Trường THPT Bán công Ninh Bình có tỷ lệ tốt nghiệp đợt 1 là trên 50%, lần 2 đạt 74%. Với tỷ lệ này, nhà trường đã đứng trong tốp đầu của khối trường ngoài công lập, tuy nhiên đây vẫn chưa phải là kết quả như dự tính của nhà trường. Năm học 2008-2009, nhà trường có 313 học sinh lớp 12. Năm học này, nhà trường tổ chức ôn tập ngay khi bắt đầu vào chương trình của năm học mới, với phương châm "học đến đâu ôn đến đó".
Cô giáo Trần Thị Lệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Với chất lượng đầu vào thấp, bình quân 2 điểm/môn. Giáo viên cơ hữu ít. Cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều hạn chế. Bước vào kỳ thi, nhà trường gặp không ít khó khăn về công tác ôn tập cũng như quản lý học sinh". Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm học này, nhà trường đã có phương án dự phòng, ký hợp đồng với nhiều thầy, cô giáo để đảm bảo không bị gián đoạn trong quá trình ôn tập của học sinh. Đến nay mọi công tác chuẩn bị của nhà trường cho kỳ thi tốt nghiệp đã hoàn tất.
Cùng khó khăn như Trường THPT Bán công Ninh Bình, Trường THPT Dân lập Yên Khánh đã khắc phục tình trạng thiếu giáo viên khi bước vào ôn thi bằng cách cho học sinh nghỉ vào thứ 5 trong tuần, học ngày thứ 7, chủ nhật để giáo viên có thể bố trí lịch dạy. Nhà trường đã tìm ra phương pháp ôn tập phù hợp với học sinh của trường là chỉ ôn những kiến thức cơ bản nhất, để đảm bảo học sinh có đủ kiến thức làm bài đạt điểm trung bình. Đây là năm đầu tiên nhà trường có học sinh thi tốt nghiệp, vì vậy sự quyết tâm không chỉ có ở Ban giám hiệu mà còn truyền sang cả tập thể sư phạm và học sinh của nhà trường.
Khắc phục những khó khăn
Khó khăn đối với thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 chính là việc đi lại, ăn nghỉ trong những ngày diễn ra kỳ thi. Nhiều học sinh ở Nho Quan, Kim Sơn có thể sẽ phải đi xa cách nhà gần 20 km.
Ông Nguyễn Văn Ninh, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng (Sở Giáo dục - Đào tạo) cho biết: Sở đã chỉ đạo các Ban chỉ đạo cụm trường thống kê số học sinh phải ở lại địa điểm thi để có kế hoạch giúp đỡ. Ban chỉ đạo cụm thi bàn bạc với hội phụ huynh học sinh ở các trường sở tại để chuẩn bị nơi ăn, ở thuận lợi cho thí sinh như: Mượn các trường ở khu vực xung quanh cho học sinh nghỉ trọ, liên hệ với các hàng quán khu vực diễn ra kỳ thi để bố trí cho thí sinh và người nhà ăn uống đảm bảo vệ sinh, giữ gìn sức khỏe trong thời gian diễn ra kỳ thi. Tuy vậy, Sở và các cụm trường vẫn chưa giải quyết hết được những khó khăn của thí sinh, chính vì thế các gia đình nên chủ động tìm chỗ ăn, nghỉ ở nhà người quen cho con em mình để các em có một tâm lý tự tin và sức khỏe tốt nhất khi bước vào kỳ thi.
Công an tỉnh phối hợp với công an các địa phương đã lập kế hoạch bảo vệ an ninh trật tự cho kỳ thi ở tất cả các khâu. Đặc biệt năm nay, do tổ chức thi theo cụm, nên trong những ngày diễn ra kỳ thi lưu lượng người đi lại ở khu vực thi là rất lớn, chính vì thế Công an tỉnh đã chủ động chỉ đạo việc phân luồng, đi lại của thí sinh, người nhà đưa đón để đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông.
Ngành Y tế cũng đã lên kế hoạch kiểm tra các điểm bán hàng ăn, uống khu vực có địa điểm thi tránh để xảy ra tình trạng ngộ độc thức ăn. Ngành cũng đã bố trí các đội y tế trực tại các điểm thi để xử lý kịp thời những bất trắc có thể xảy ra đối với học sinh và cán bộ trong trường thi. Hiện, Ninh Bình là một trong những tỉnh đang có dịch tiêu chảy cấp, chính vì vậy, ngành cũng khuyến cáo phụ huynh và các thí sinh không nên ăn uống ở những quán ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe trong những ngày diễn ra kỳ thi.
Nguyễn Thơm