Nhiều tuyến đê, kè, cống trên địa bàn được nâng cấp tạo nên diện mạo vững chãi như: Dự án nâng cấp tuyến đê biển Bình Minh II, nâng cấp đê tả Hoàng Long, đê hữu Đáy, đê Đầm Cút; nâng cấp hồ: Yên Quang, Yên Đồng; công trình thủy lợi Cầu Hội…
Đến tháng 6, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác tu bổ đê, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, thực hiện theo đúng đề án được duyệt, các quy định của Nhà nước. Công tác giải phóng mặt bằng phục vụ việc triển khai tu bổ đê cũng được các địa phương nghiêm túc thực hiện.
Đối với các tuyến đê cấp III, việc đắp đê thực hiện đều đạt 100% chỉ tiêu, với khối lượng đất, đá đào đắp trên 71 nghìn m3, đổ 632 m3 bê tông, khoan phụt vữa 7.326 mét khoan sâu(mks). Việc duy tu, bảo dưỡng đê điều đã tổ chức triển khai thi công và hoàn thành 18/20 hạng mục với khối lượng đất, đá đào đắp trên 11 nghìn m3, đạt 100% kế hoạch, đồng thời đã trồng 461 cụm tre, khoan phụt vữa 12.300 mks. Riêng các tuyến đê nội tỉnh, việc đầu tư tu bổ được giao cho UBND các huyện, thị xã làm chủ đầu tư, nguồn kinh phí hạn chế nên tu bổ vẫn còn ở mức độ.
Để đảm bảo phục vụ tốt trong mùa mưa bão, các công trình, dự án nâng cấp, tu bổ, xây dựng hệ thống đê điều đang được gấp rút hoàn thiện theo đúng tiến độ. Không khí lao động sôi nổi, khẩn trương trên khắp các tuyến đê trọng điểm, trên các kè, cống, cầu, âu… Chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng, đơn vị thi công đang tích cực đôn đốc, tập trung nhân công, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, cơ giới để làm nốt những công đoạn cuối cùng.
Tại đê biển Bình Minh II, các giai đoạn đã cơ bản hoàn tất, mặt đê đã được đổ bê tông, thông suốt toàn tuyến với trên 20 km, từ cống Như Tân đến cống Càn Trung. Đê Bình Minh II được đầu tư, nâng cấp có một vai trò quan trọng đối với tỉnh Ninh Bình nói chung, nhân dân Kim Sơn nói riêng, nhất là vùng kinh tế mới bãi ngang giàu tiềm năng. Giờ đây, những người sống ở vùng quai đê lấn biển này sẽ bớt đi nỗi lo về tính mạng, tài sản trước những trận cuồng phong, bão tố từ biển Đông.
Sau khi giai đoạn I hoàn thành, các hạng mục chính của đê tả Hoàng Long giai đoạn II đang tiếp tục được triển khai, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo ngăn lũ cho khu tả, ngạn sông Hoàng Long khi có bão lũ xảy ra. Các công đoạn chủ yếu đang tích cực được thi công là đắp đất mở rộng mặt đê, thân đê, đảm bảo mặt đê rộng 7 m, trong đó đổ bê tông rộng 6 m, dày 20 cm, đắp mở rộng cơ đê 6 m, mái đê m = 3/1, trồng cỏ bảo vệ; chống hiện tượng thẩm lậu, mạch đùn, mạch sủi, đắp lấp đầm sát chân đê. Nhờ được đầu tư, nâng cấp, nhiều đoạn được đổ bê tông thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân như đoạn qua xã Gia Hưng, Liên Sơn, Gia Trung; đoạn qua xã Gia Phú, Gia Thịnh… được khoan phụt vữa gia cố.
Cùng với đê tả Hoàng Long, đê Hữu Đáy cũng thuộc hệ thống đê quốc gia có nhiệm vụ chống lũ, bảo vệ sản xuất, đời sống dân sinh các xã, thị trấn của huyện Gia Viễn, Hoa Lư, Kim Sơn, Yên Khánh. Đê được hình thành từ lâu đời, trải qua nhiều thời kỳ xây dựng, cải tạo hiện đã xuống cấp.
Từ thực trạng đó, UBND tỉnh đã cho phép lập dự án nâng cấp, kiên cố tuyến đê. Với sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, dự án củng cố đoạn xung yếu đê hữu Đáy và sửa chữa cống Địch Lộng (Gia Viễn) đoạn từ K0 đến K8 + 300 trong giai đoạn 2007 - 2008 đến nay đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo đúng chỉ tiêu thiết kế mực nước chống lũ quy định. Mặt đê rộng 6 m, đổ bê tông rộng 5 m, dày 20 cm. Tại K0, mực nước thiết kế là 5,6 m, cao trình mặt đê 6 m; tại K8 + 300 mực nước thiết kế là 5 m, cao trình mặt đê 6 m.
Với phương châm: Kiên cố, hiện đại, chắc chắn, các công trình phòng, chống lụt bão đã đảm bảo vừa thi công nhưng đã sẵn sàng cho công tác phòng, chống lụt bão khi cần. Khi các công trình này được hoàn thành, không chỉ đảm bảo cho công tác phòng, chống lụt bão mà còn tạo mỹ quan cho khu vực và thúc đẩy giao thông, du lịch, dịch vụ... phát triển.
Bài, ảnh: Hoàng Tâm