Mặt bằng thuận lợi
Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, Ninh Bình đã có chủ trương xây dựng những khu, cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn, vừa khai thác được lợi thế vùng, vừa tận dụng được nguồn lực của địa phương và phù hợp với xu thế phát triển kinh tế hiện nay.
Điều dễ nhận thấy là các khu, cụm công nghiệp tuy mới hình thành nhưng quy mô đều lớn, vị trí thuận lợi, điều kiện về hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Quy mô của các khu, cụm công nghiệp đảm bảo về diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng; cách tổ chức, bố trí không gian các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn phù hợp về nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm, công nghệ, vị thế, văn hóa - xã hội, nguồn lao động, đảm bảo vị trí cho từng ngành, từng loại hình phát triển như sản xuất công nghiệp mới, kỹ thuật cao, vật liệu xây dựng, dệt may, chế biến thực phẩm, công nghiệp tổng hợp... và việc chọn lọc các mô hình công nghiệp vừa và nhỏ làm vệ tinh ở các huyện thuần nông, các mô hình gắn với việc khôi phục các làng nghề truyền thống.
Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng được đẩy nhanh, cơ bản đúng tiến độ. Tại Cụm công nghiệp Gián Khẩu đã hoàn thành mặt bằng và đường giao thông chính phục vụ các nhà đầu tư triển khai dự án; phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng phần mở rộng. Khu công nghiệp Ninh Phúc đang triển khai các thủ tục bổ sung quy hoạch để bố trí địa điểm thuận lợi cho dự án kho ngoại quan, cảng nội địa và một số dự án; đôn đốc các nhà thầu triển khai các gói thầu như san lấp mặt bằng các lô giai đoạn I, xây dựng cống thoát nước, hệ thống cấp nước, kênh điều hòa, các tuyến đường giao thông chính, trạm biến áp 110 KV, nâng cấp Quốc lộ 10. Tại Cụm công nghiệp Phú Sơn đã hoàn thành thi công san lấp mặt bằng và bàn giao cho Công ty cổ phần xi măng Phú Sơn triển khai xây dựng nhà máy. Khu công nghiệp Tam Điệp đã phê duyệt và công bố quy hoạch chi tiết, đang tiến hành giải phóng mặt bằng, xây dựng các tuyến giao thông chính, hệ thống cấp điện, nước.
Chính sách thông thoáng
Cùng với quá trình triển khai đồng bộ việc xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tỉnh ta đã thu hút đầu tư với những cơ chế, chính sách thông thoáng, cởi mở để thu hút những nhà đầu tư tiềm năng. Với định hướng là phối hợp với nhịp độ cao và có hiệu quả, chú trọng phát triển các ngành nhiều lợi thế, chú ý đến việc phát triển bền vững, gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, việc làm, do vậy thời gian vừa qua các ngành liên quan đã tích cực thực hiện việc quảng bá để thu hút đầu tư nên các khu, cụm công nghiệp đã có nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
May xuất khẩu tại Công ty TNHH thủ công mỹ nghệ Đông Thành
Tính cho đến hết năm 2006, có 14 dựa án đầu tư được chấp thuận với tổng mức đầu tư là 8.400 tỷ đồng, trong đó có 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với mức vốn đầu tư 1 triệu USD. Đến năm 2007, kết quả thu hút đầu tư đã tăng đáng kể cả về số lượng dự án và tổng mức đầu tư, với tổng cộng 18 dự án, tổng mức đầu tư trên 16.599 tỷ đồng, trong đó có 5 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư trên 412 triệu USD. Khu công nghiệp Ninh Phúc có 4 dự án, Cụm công nghiệp Gián Khẩu có 10 dự án và 4 dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng.
Trong 6 tháng đầu năm 2008, đã có thêm 10 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng mức đầu tư là 18.750 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài trên 304 triệu USD. Khu công nghiệp Tam Điệp có 4 dự án được chấp nhận là Nhà máy may Việt Đức, Nhà máy nghiền đá Đôlômitcanxit; Nhà máy sản xuất cồn, Nhà máy sản xuất bơm tiêm, dây truyền dịch, dụng cụ y tế. Khu công nghiệp Ninh Phúc có 5 dự án đầu tư là Nhà máy sản xuất phôi thép, Nhà máy sản xuất, lắp ráp thiết bị ôtô, Nhà máy sản xuất phân đạm, Nhà máy sản xuất Sô đa, Nhà máy sản xuất vật liệu nhựa Composite. Ngoài ra, còn nhiều dự án khả quan khác đang tiếp tục được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Đầu tư hiệu quả
Hiệu quả phát triển các khu, cụm công nghiệp thời gian qua thể hiện rất rõ qua từng con số, qua sự đa dạng, phong phú của các sản phẩm và doanh thu đạt được của các doanh nghiệp, đơn vị. Nhờ vào khả năng huy động nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp, cho đến nay, nhiều nhà máy, công ty lớn đã đầu tư, chọn Ninh Bình để sản xuất, kinh doanh. Chỉ tính trong năm 2007 vừa qua, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Gián Khẩu ước đạt trên 383 tỷ đồng, gấp 6 lần so với năm 2006; giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt 807.258 USD, gấp 4 lần so với năm 2006; tổng số thuế nộp ngân sách đạt gần 13 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 2.000 lao động với mức thu nhập trung bình 1 triệu đồng/người/tháng.
Trong 6 tháng đầu năm 2008, một số dự án có vốn đầu tư lớn tại các khu, cụm công nghiệp đã đi vào sản xuất ổn định, đạt mức tăng trưởng cao, sản phẩm bán ra đáp ứng yêu cầu thị trường như xi măng Vinakansai, Duyên Hà; một số doanh nghiệp đã có thị trường tiêu thụ ổn định như Công ty TNHH thực phẩm Thái Bình Dương, Công ty FOTON... Giá trị sản xuất của các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp ước đạt 760,52 tỷ đồng, bằng 59% kế hoạch năm và gấp 8,8 lần so với cùng kỳ năm 2007, nộp ngân sách trên 15 tỷ đồng.
Kết quả phát triển ở các khu, cụm công nghiệp, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp đạt được đã rõ. Song vấn đề đặt ra hiện nay cho các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp phải từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của mình, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước.
Hoàng Tâm