Nhằm giảm bớt khó khăn về nhà ở cho người lao động (NLĐ), tỉnh đã quyết định dành hơn 100 ha đất để xây dựng nhà ở cho công nhân. Cụ thể, KCN Ninh Phúc: 20 ha, KCN Gián Khẩu: 30 ha, KCN Tam Điệp 30 ha, KCN Phúc Sơn: 30 ha, KCN Khánh Cư: 20 ha. Hiện, hầu hết các KCN, CCN đã hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư, riêng CCN Gián Khẩu đang từng bước thực hiện đầu tư. Theo kế hoạch, đến năm 2009 sẽ tiến hành làm đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước... để giao đất cho các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở và dịch vụ nhà ở theo tiến độ các KCN.
Thế nhưng, theo Ban quản lý các KCN tỉnh thì đến thời điểm hiện nay mới chỉ có 1 doanh nghiệp đăng ký thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu nhà ở và dịch vụ công nhân (KCN Tam Điệp).
Theo đại diện của Ban quản lý cho biết: "Muốn đầu tư xây dựng một khu nhà ở cho công nhân, doanh nghiệp phải đầu tư hàng chục tỷ đồng. Vậy mà khi cho công nhân thuê, doanh nghiệp chỉ thu 50.000 đồng/công nhân/tháng. Như vậy, phải đến vài chục năm, doanh nghiệp mới thu hồi được vốn. Từ phép tính đơn giản đó, nên các doanh nghiệp còn ngần ngại chưa muốn đầu tư vào".
Một doanh nghiệp xây dựng bộc bạch: "Nếu hạch toán kinh tế, thì chắc chắn không nhà đầu tư nào dám "đặt cược" vào lĩnh vực này. Bởi đơn giản, doanh nghiệp nào bỏ vốn ra mà không muốn thu hồi vốn và có lãi? Trong khi bỏ vốn ra xây nhà cho công nhân hàng chục tỷ đồng, thu hồi lại nhỏ giọt thì làm sao doanh nghiệp có lãi?"
Một góc phân xưởng Công ty TNHH may Đài Loan. Ảnh: Phạm Trường.
Cái khó hiện nay của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở cho công nhân còn thể hiện ở chỗ: Nguồn vốn đầu tư thì rất lớn, thu hồi phải thời gian rất dài, nhưng doanh nghiệp lại chỉ được vay vốn ưu đãi của ngân hàng trong vòng 3-5 năm. Chính vì vậy, không doanh nghiệp nào dám mạo hiểm vay ngân hàng nhiều vốn để xây nhà cho công nhân. Thiết nghĩ, vấn đề đầu tiên nhằm động viên các doanh nghiệp xây nhà ở cho công nhân đó là ngân hàng phải thực sự có chế độ ưu đãi cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp vay vốn.
Theo kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới, khi chính quyền cấp đất xây dựng KCN, CCN, bao giờ cũng dành một diện tích đất lớn cho xây dựng nhà ở công nhân ngay từ đầu. Lãnh đạo một doanh nghiệp trên địa bàn cho biết: "Xây nhà ở cho công nhân - lĩnh vực mang ý nghĩa xã hội nhiều hơn là kinh doanh lấy lãi. Thế nhưng, khi đầu tư vào lĩnh vực này, các doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ theo cơ chế, chính sách như những nhà đầu tư khác, chứ không được ưu đãi bất cứ gì như: Miễn giảm thuế, ưu tiên giao đất, ưu tiên vay vốn… Do đó, nếu lao vào dự án xây nhà công nhân, một khi rủi ro phát sinh, thì doanh nghiệp cầm chắc… phá sản mà không nhận được sự hỗ trợ, bảo hộ của Nhà nước. Bởi thế, doanh nghiệp không mạnh dạn đầu tư xây nhà ở cho công nhân".
Nhờ có KCN, CCN mà lực lượng lao động địa phương, trong đó có một tỷ lệ không nhỏ là lao động nông nghiệp có cơ hội tiếp cận đời sống công nghiệp, có tay nghề, việc làm và thu nhập. Và thực tế, ngày càng có nhiều dự án lớn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước được đầu tư vào các KCN, CCN của tỉnh. Song song với nỗ lực "trải thảm đỏ đón nhà đầu tư", tỉnh Ninh Bình cũng đã thể hiện sự quan tâm, chăm lo tới đời sống của người lao động - một vấn đề vốn được coi là bài toán khó đối với ngay cả các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...
Trong quy hoạch chi tiết khu nhà ở cho công nhân tại các KCN, CCN, có nhiều hạng mục mang tính xã hội cao như trường mầm non, trường tiểu học, chợ, khu thương mại dịch vụ, trạm y tế, khu sinh hoạt cộng đồng… Theo kế hoạch của tỉnh, đến đầu năm 2010, khu nhà ở cho công nhân ở các KCN, CCN phải được hoàn thành và đưa vào phục vụ.
Để hoàn thành kế hoạch và quan trọng hơn nữa là để người lao động sớm được hưởng lợi ích từ chủ trương đúng đắn này, cần có những cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực nhằm động viên, thu hút các doanh nghiệp có năng lực tham gia đầu tư triển khai thực hiện dự án.
Thu Hằng