Đồng chí Tạ Văn Giáp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Mùa mưa lũ năm 2008 đã làm ngập 3.337 ha nuôi trồng thủy sản (NTTS), ước giá trị thiệt hại 43,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, do có sự nỗ lực khắc phục nên vẫn đảm bảo mùa vụ thả giống, mật độ và diện tích nuôi, phong trào chuyển đổi ruộng trũng được duy trì và phát triển nên NTTS nước ngọt vẫn đạt kết quả cao, tổng diện tích nuôi là 8130 ha, trong đó diện tích nuôi cá - lúa là 4238 ha, tập trung ở các huyện: Nho Quan 1570 ha, Gia Viễn 1370 ha, sản lượng đạt 15.029 chiếm 120,0% KH. Sản lượng đạt 15.029 tấn chiếm 120,2% KH và bằng 114,0% so với năm 2007.
Để đạt và vượt chỉ tiêu trên, ngay từ đầu vụ, Chi cục thủy sản Ninh Bình đã xây dựng được lịch thời vụ nuôi cụ thể cho từng đối tượng nuôi và vùng nuôi tại các địa phương trong tỉnh, giúp người dân tránh được thời tiết bất lợi, góp phần hạn chế được dịch bệnh. Trên cơ sở đó nhiều huyện cũng đã ban hành lịch thời vụ cụ thể theo từng vùng sinh thái trên địa phương mình.
Trong quá trình nuôi, ngành cũng đã thường xuyên có văn bản hướng dẫn người nuôi các phương pháp khắc phục và xử lý bệnh trên vật nuôi, các biện pháp phòng ngừa thiên tai và tăng cường cải tạo môi trường trong NTTS. Năm 2008, ngành nông nghiệp đã tổ chức được 58 lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, an toàn vệ sinh thực phẩm hải sản… cho hàng trăm lượt người tham dự; đồng thời tổ chức các lớp về công tác thú y cho các trại giống, phổ biến quy định nhà nước về kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Mô hình nuôi cá lồng cho hiệu quả cao ở xã Thượng Hòa (Nho Quan).
Riêng đối với NTTS nước ngọt, đã tổ chức được các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá nước ngọt cho người dân miền núi, vùng sâu vùng xa và những vùng khó khăn có điều kiện địa lý phù hợp cho việc nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra còn xây dựng nhiều mô hình trình diễn tại các huyện đồng bằng, miền núi, vùng sâu…đồng thời Chi cục thủy sản cũng đã phối hợp với Đài PT-TH, Báo Ninh Bình xây dựng chuyên mục, và tuyên truyền về phòng chống rét, kỹ thuật cải tạo ao, đầm; phòng trị bệnh cho thủy sản nuôi. Những động thái tích cực ấy đã góp phần quan trọng làm tăng diện tích, năng suất và sản lượng NTTS trên địa bàn tỉnh, giúp người dân tránh được thời tiết bất lợi, góp phần hạn chế dịch bệnh. Đồng thời thực hiện thành công các đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh tế cao, góp phần đa dạng hóa đối tượng NTTS trên địa bàn tỉnh, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân, nhất là các vùng trung du, miền núi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực NTTS ở tỉnh Ninh Bình năm 2008 cũng còn rất nhiều tồn tại. Đó là vẫn còn một số hộ nuôi tôm chưa chấp hành tốt lịch thời vụ do Sở NN&PTNT khuyến cáo, thả nuôi trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, làm cho dịch tôm chết xảy ra ở một số vùng, hiệu quả kinh tế không cao…làm ảnh hưởng đến việc chăm sóc, quản lý môi trường ao nuôi và kích cỡ tôm thu hoạch chưa đạt yêu cầu chế biến xuất khẩu, giá bán thấp, hiệu quả kinh tế không cao.
Đồng chí Trần Đức Sáng, Trạm trưởng trạm kiểm dịch Thủy sản Ninh Bình cho biết: năm 2008 toàn tỉnh co 785 hộ có tôm bị chết với diện tích 463,1 ha. Nguyên nhân tôm sú bị chết là do môi trường tác động và một phần cũng là do môi trường nuôi như ao nuôi lâu năm đã bị suy thoái, nguồn nước cấp cho ao nuôi kém chất lượng, chất thải tích tụ lâu ngày gây ô nhiễm và kỹ thuật quản lý môi trường ao nuôi của người dân chưa được tốt và do bà con không chấp hành khuyến cáo lịch thời vụ và thả giống không qua kiểm dịch, chất lượng kém nên năng xuất, sản lượng tôm sú đạt thấp.
Việc cải tạo ao đầm nuôi cũng chưa thực sự quan tâm, và không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên môi trường biến động mạnh khi nhiệt độ thay đổi làm sốc và gây chết tôm, vì thế sản lượng tôm sú đạt không cao. Tổng diện tích NTTS năm 2008 là 10.241 ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú là 2.064 ha, sản lượng đạt 650 tấn; diện tích cua vụ 2 là 1850 ha với lượng cua giống thả là 8 triệu con và sản lượng thu hoạch là 700 tấn. Nét mới về nuôi trồng thủy sản năm nay là ngành thủy sản tỉnh đã đưa vào 47 ha nuôi Ngao, sản lượng thu hoạch đạt trên 800 tấn. Đây là đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, góp phần đáng kể trong thu nhập của vùng bãI bồi năm 2008.
Bài và ảnh: Đức Lam