Kể từ khi được thông qua tại hội nghị toàn thể của UNESCO vào năm 1972, tính đến nay đã có 188 nước phê chuẩn tham gia Công ước Di sản thế giới và đã có 936 di sản của 153 quốc gia được ghi vào Danh mục Di sản thế giới với các giá trị nổi bật toàn cầu mà các di sản đạt được.
Kể từ khi Công ước được thông qua và những điểm di sản thế giới đầu tiên được ghi vào Danh mục Di sản thế giới, Công ước đã ngày càng phát triển, hoàn thiện và phản ánh nhu cầu to lớn của các điểm di sản khác nhau trong việc nhận diện giá trị và bảo tồn chúng.
Các cảnh quan văn hóa, di sản liên vùng, các chương trình chuyên đề dành riêng cho di sản vùng biển, di sản thiên nhiên rừng, du lịch bền vững, kiến trúc gạch đã được triển khai và các quốc đảo nhỏ ở các quốc gia đang phát triển được thành lập để giải quyết các nhu cầu cụ thể của những di sản này. Danh sách các di sản thế giới trong tình trạng lâm nguy đã giúp xác định việc hỗ trợ những di sản này thoát khỏi tình trạng bị đe dọa bởi sự biến đổi khí hậu, xung đột, nạn săn bắt trái phép, tốc độ đô thị hóa…
Trong những năm qua, gần 1.000 di sản có giá trị độc đáo, thường xuyên bị đe dọa bởi việc mất đi giá trị nổi bật toàn cầu đã được nhận diện. Việc bảo vệ những di sản này ngày càng được nâng lên và đạt được những thành công to lớn, góp phần giữ gìn và bảo tồn cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Đây chính là minh chứng không thể phủ nhận cho sự thành công vượt bậc của Công ước Di sản thế giới.
Là một trong những thành viên của Công ước Di sản thế giới, Việt Nam đã có những hoạt động tích cực để hưởng ứng Công ước 1972 thông qua việc ban hành những văn bản pháp lý quan trọng giúp cho việc thực thi các biện pháp quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa và thiên nhiên trong nước như: Luật Di sản được ban hành năm 2001; Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Du lịch (được cụ thể bằng Nghị định 92/2007/NĐ-CP)… Cùng với những chính sách của Nhà nước và sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã có nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên được bảo vệ, phát huy được những giá trị to lớn của di sản, trở thành tiền đề để Việt Nam phát triển du lịch.
Từ năm 2009, Chính phủ đã cấp bằng công nhận di tích cấp Quốc gia đặc biệt cho một số di tích trong cả nước. Mới đây Ninh Bình đã bổ sung vào danh sách với 2 di tích là danh lam thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư. Đó là minh chứng cho những nỗ lực của Ninh Bình trong việc bảo vệ và giữ gìn các di sản văn hóa thiên nhiên, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong khi Ninh Bình đang xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới.
Ghi nhận những nỗ lực của Ninh Bình trong việc tham gia bảo vệ và giữ gìn các di sản văn hóa - thiên nhiên, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã chọn Ninh Bình là nơi tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Công ước 1972.
Đây là một sự kiện văn hóa lớn không chỉ của riêng Ninh Bình, Việt Nam mà của cả thế giới. Sự kiện này đã nêu cao vai trò, vị trí của Việt Nam tại khu vực trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Xây dựng mạng lưới liên kết giữa các di sản, các khu dự trữ sinh quyển thế giới, góp phần vào việc xây dựng cộng đồng Văn hóa - xã hội ASEAN.
Kể từ khi trở thành thành viên chính thức của Công ước 1972, đến nay, Việt Nam đã có 7 di sản vật thể (2 địa danh thiên nhiên là Vịnh Hạ Long và Phong Nha - Kẻ Bàng; 5 địa danh văn hóa gồm Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Thành nhà Hồ). Cả 7 di sản vật thể trên, không di sản nào được công nhận là di sản thế giới theo tiêu chí hỗn hợp (kết hợp tiêu chí văn hóa và cảnh quan thiên nhiên). Vì vậy, nếu được UNESCO vinh danh, Quần thể danh thắng Tràng An của Ninh Bình sẽ là di sản vật thể thứ 8 của Việt Nam, nhưng là di sản văn hóa thế giới đầu tiên của nước ta theo tiêu chí hỗn hợp. Đây là vinh dự nhưng cũng sẽ là thách thức lớn đối với Ninh Bình trong tiến trình giữ gìn và bảo tồn các di sản.
Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, Ninh Bình đã tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, các cơ quan, bộ, ngành liên quan và du khách trong, ngoài nước thông qua việc thúc đẩy phát triển, quảng bá du lịch, thu hút sự chú ý của thế giới và Việt Nam vào Tràng An, Ninh Bình.
Đặc biệt, trong hành trình đưa Tràng An trở thành di sản thế giới, Ninh Bình đã nỗ lực hợp tác với các chuyên gia hàng đầu của UNESCO và các nhà khoa học trong nước để xác định những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản. Cùng với việc lập hồ sơ về các giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An Ninh Bình, đã cơ bản hoàn thành kế hoạch quản lý di sản.
Điều này đóng vai trò hết sức quan trọng giúp chúng ta có kế hoạch bảo vệ lâu dài và phát huy những giá trị của di sản. Muốn vậy chúng ta phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thức tỉnh được cộng đồng, xây dựng được trong cộng đồng trách nhiệm chung đối với Khu di sản Quần thể danh thắng Tràng An. Mục tiêu lớn là bằng công cụ quản lý của các giải pháp khoa học và kỹ thuật để biến khu di sản hỗn hợp Quần thể danh thắng Tràng An trở thành hợp phần hữu cơ của đời sống xã hội.
Nguyễn Thơm