Năm 2007, UBND tỉnh Ninh Bình đã có Quyết định số 389 phê duyệt Đề án "Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006-2015" với mục tiêu phát triển giáo dục mầm non theo hướng toàn diện, vững chắc, củng cố ổn định mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, đảm bảo cho các cháu đều được chăm sóc, giáo dục dưới nhiều hình thức thích hợp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Trên cơ sở đó, ngành Giáo dục đã có nhiều cố gắng chủ động nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các trường đã thường xuyên động viên và tạo điều kiện thuận lợi để các cô giáo tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời đẩy mạnh các phong trào thi đua như: Phong trào thi đua "Hai tốt", "Phụ nữ giỏi việc trường, đảm việc nhà", "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục"..., qua đó dấy lên khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp.
Đặc biệt, ngành đã chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp người thầy. Đội ngũ cán bộ, CNVC trong các trường mầm non của tỉnh được quan tâm bổ sung về số lượng, trẻ hóa, chuẩn hóa từng bước đáp ứng được yêu cầu dạy học trong giai đoạn phát triển mới của xã hội.
Toàn tỉnh hiện có tổng số 4.014 cán bộ, giáo viên mầm non, trong đó 15,5% giáo viên có trình độ đạt trên chuẩn. Hiện có 1.638 cô giáo đang theo học các lớp đại học, cao đẳng, trung cấp, đến năm 2010 sẽ chấm dứt tình trạng giáo viên mầm non dưới chuẩn.
Giờ vui chơi ngoài trời của cô và cháu trường mầm non Nam Thành.
Đi đôi với công tác xây dựng đội ngũ, thời gian qua, các cấp, ngành, các địa phương đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thực hiện phương châm "Trường ra trường, lớp ra lớp", góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đến nay, toàn tỉnh đã có 49/150 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
Phát huy những kết quả đạt được, toàn tỉnh Ninh Bình đã và đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2010 có ít nhất 50% số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (riêng các huyện còn nhiều khó khăn như: Nho Quan, Kim Sơn, Gia Viễn thì phấn đấu có 30% số trường mầm non đạt tiêu chí này). Để đạt được mục tiêu đề ra, Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, vùng đặc biệt khó khăn. Kết hợp nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với các nguồn vốn khác (Chương trình 135, phân lũ, chậm lũ…) để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho Đề án kiên cố hóa trường, lớp học…Các địa phương đã củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Các xã, phường, thị trấn đã chủ động quy hoạch, thiết kế, bố trí diện tích phù hợp và giảm dần các điểm trường lẻ để có điều kiện tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo các tiêu chí của trường chuẩn.
Trong 2 năm 2008-2009, toàn tỉnh đã đầu tư 58 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất cho 32 trường Mầm non (trong đó kinh phí từ nguồn trái phiếu Chính phủ là trên 45,5 tỷ đồng, 11 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia, còn lại là từ nguồn ngân sách của tỉnh). Theo dự kiến, đến cuối năm 2009 sẽ có 14/32 trường hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Và như vậy, mục tiêu đến năm 2010, toàn tỉnh có thêm 21 trường đạt chuẩn quốc gia sẽ không còn là vấn đề khó khăn.
Có thể nói, Nghị quyết số 20 của HĐND tỉnh về "Phê duyệt kế hoạch xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đến năm 2010" là cơ sở vững chắc để thực hiện có hiệu quả Đề án "Phát triển giáo dục Mầm non giai đoạn 2006-2015". Điều đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với ngành Giáo dục Mầm non.
Tuy nhiên, bà Lã Thị Lụa, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GT-ĐT) bày tỏ trăn trở: Hiện nay ngành Giáo dục Mầm non vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, đó là số giáo viên trong biên chế còn ít, toàn tỉnh mới chỉ có 1.029/4.014 người được biên chế (chủ yếu là cán bộ quản lý)... Tiền lương của giáo viên mầm non ngoài biên chế tuy đã được nâng lên rất nhiều so với trước đây, song vẫn còn quá thấp (thu nhập trung bình của mỗi cô giáo mầm non ngoài biên chế là 833.000 đồng/tháng, cao nhất chỉ có ở thành phố, thị xã mới đạt 1 triệu đồng/tháng). Trong khi đó, ở nhiều địa phương việc chi trả tiền lương cho giáo viên mầm non ngoài biên chế còn chậm, kéo dài 3 tháng 1 lần, có nơi 6 tháng mới trả 1 lần, khiến đời sống của các giáo viên mầm non khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Mặt khác, theo tiêu chí chuẩn mới thì mỗi trường Mầm non phải có 1 cán bộ chuyên trách y tế. Song trên thực tế, toàn tỉnh mới chỉ có 1 trường mầm non đạt tiêu chí này. Đây cũng là một trong những thách thức không nhỏ đối với công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia trong giai đoạn tới. Khắc phục được khó khăn trên sẽ rút ngắn lộ trình trình xây dựng các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đến năm 2010, làm cơ sở vững chắc hoàn thành mục tiêu Đề án "Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006-2015" của tỉnh Ninh Bình.
Bài, ảnh: Đức Nghĩa