Đến nay, đã có trên 41 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đầu tư trên 38.367 tỷ đồng. Nhiều dự án đầu tư đã đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả cao, giải quyết việc làm cho 4.948 lao động (trong đó lao động địa phương là 1.142 người), góp phần thúc đẩy kinh tế, nhất là công nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển.
Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, tỉnh đã đề ra những cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư thiết thực và chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá; đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ doanh nghiệp và tạo điều kiện thông thoáng để thu hút các dự án đầu tư lớn, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Bên cạnh chính sách đầu tư của tỉnh, công tác xây dựng cơ sở hạ tầng ở các khu, cụm công nghiệp cũng được đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là hệ thống đường giao thông, điện, nước. Nhiều dự án đầu tư đã được phê duyệt và triển khai thi công như: khu công nghiệp Gián Khẩu đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật và triển khai thủ tục đấu thầu thi công xây dựng hạ tầng phần mở rộng. Khu công nghiệp Ninh Phúc triển khai đấu thầu thi công xây dựng hạ tầng cảng khô ICD, hoàn chỉnh thiết kế kỹ thuật thi công và tổng dự toán các lô C9-C12. Khu công nghiệp Tam Điệp đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao cho 5 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư để xây dựng nhà máy; chuẩn bị các thủ tục bàn giao chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cho Công ty cổ phần đầu tư phát triển khu công nghiệp & đô thị IDICO - Dầu khí..
Công nhân Công ty TNHH may Đài Loan - KCN Gián Khẩu. Ảnh: P.T
Tính đến hết năm 2007, toàn tỉnh có 32 dự án đầu tư được chấp thuận với tổng mức vốn đầu tư 24.999 tỷ đồng. Đến năm 2008, hoạt động thu hút đầu tư tăng khá, đã hoàn chỉnh và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án với tổng mức đầu tư 19.012 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 215,4 ha; trong đó vốn đầu tư nước ngoài là 308,5 triệu USD.
Khu công nghiệp Tam Điệp, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 7 dự án (Nhà máy may Việt Đức; Nhà máy nghiền đá Đôlômitcanxít; Nhà máy sản xuất cồn; Nhà máy sản xuất bơm tiêm, dây truyền dịch, dụng cụ y tế; Nhà máy sản xuất, gia công các sản phẩm may thể thao; Nhà máy sản xuất bao bì vải địa kỹ thuật) với tổng vốn đăng ký 5.034 tỷ đồng, diện tích thuê đất gần 36 ha.
Khu công nghiệp Ninh Phúc, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 7 dự án (Cảng khô ICD; Nhà máy sản xuất phôi thép, Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô; Nhà máy sản xuất phân đạm; Nhà máy sản xuất sôđa; Nhà máy sản xuất vật liệu Composite và Công ty TNHH Long Sơn) với tổng số vốn đăng ký 13.005 tỷ đồng, diện tích thuê đất 149,41 ha.
Cụm công nghiệp Khánh Cư, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án sản xuất phụ tùng, động cơ và thiết bị công nghiệp tàu thủy Vinashin với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng; diện tích thuê đất 30 ha.
Ngoài ra, Ban quản lý các khu công nghiệp đã báo cáo và được tỉnh đồng ý về chủ trương, đang làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 7 dự án là: Nhà máy bia của Công ty cổ phần Tam Đảo Mới tại Cụm công nghiệp sạch Phú Sơn; dự án đầu tư xây dựng trạm nghiền xi măng của Công ty cổ phần xi măng Hệ Dưỡng và Dự án chế biến hàng nông sản của Công ty cổ phần vật tư kỹ thuật và phát triển Hoa Nam tại Cụm công nghiệp Khánh Cư; Nhà máy giấy Aurora tại Khu công nghiệp Tam Điệp.
Phát triển các khu, cụm công nghiệp thời gian qua đã thực sự đem lại hiệu quả với sự đa dạng, phong phú của các sản phẩm, doanh thu của các doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng cao. Năm 2008, giá trị sản xuất ước đạt 1.321 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2007; nộp ngân sách trên 20 tỷ đồng. Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn tại khu, cụm công nghiệp đi vào sản xuất ổn định, đạt mức tăng trưởng cao, có thị trường tiêu thụ ổn định như xi măng Vinakansai, Công ty thực phẩm Thái Bình Dương, Công ty Foton... đã giải quyết việc làm cho 4.148 lao động (trong đó lao động địa phương là 1.300 người) với mức thu nhập bình quân trên 1 triệu đồng/người/tháng. Sự hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung đã góp phần thúc đẩy công nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển.
Thanh Chiên