Tại Trường Tiểu học Thanh Bình (thành phố Ninh Bình), công tác chuẩn bị cho năm học mới đã sẵn sàng. Ngày 23/8, trường đã đón trên 344 học sinh lớp 1 vào học tại 7 lớp. Cô giáo Phạm Thị Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trước điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu các phòng học và phòng chức năng, nhà trường đã được UBND thành phố Ninh Bình đầu tư hơn 6 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa các lớp học tại khu B (Trường THPT Ninh Bình-Bạc Liêu cũ) và mua sắm thêm các trang thiết bị dạy và học.
Đặc biệt, để đảm bảo các phương án dạy và học trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Trường Tiểu học Thanh Bình đã thực hiện đầy đủ các điều kiện phòng dịch, như phun khử khuẩn khuôn viên, hành lang lớp học bằng dung dịch Cloramin B; tổ chức dọn vệ sinh, mở cửa sổ thông thoáng các lớp học; lau dọn bàn, ghế, trang thiết bị dạy và học tại các lớp, phòng học chức năng; chuẩn bị máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn...
Nhà trường thực hiện nghiêm Bộ tiêu chí đánh giá an toàn về phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học. Đồng thời thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo, diễn biến tình hình dịch bệnh, bổ sung kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch theo phương án chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, Sở Giáo dục & Đào tạo Ninh Bình.
Theo nhà giáo Lương Thị Thanh Vân, Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo thành phố Ninh Bình: Năm học 2021-2022, trên địa bàn thành phố Ninh Bình có trên 32 nghìn học sinh ở 3 cấp mầm non, tiểu học và THCS, với 954 lớp học và 70 nhóm trẻ mẫu giáo. Trước đó, từ tháng 6 và tháng 7, các trường Tiểu học, THCS đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố giao nhiệm vụ chủ động tuyển sinh các lớp đầu cấp vào lớp 1 và lớp 6.
Do điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các nhà trường không tổ chức tuyển sinh theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên như những năm trước, mà tiến hành phương thức chia danh sách học sinh theo tên A,B,C... trên máy tính. Kết quả, 14 trường tiểu học đã tuyển được 3.120 học sinh vào 83 lớp 1 và 12 trường THCS đã tuyển sinh được 1.945 học sinh vào 45 lớp 6.
Để chuẩn bị về cơ sở vật chất cho năm học mới, Phòng Giáo dục & Đào tạo thành phố Ninh Bình đã tham mưu cho UBND thành phố Ninh Bình đầu tư kinh phí hàng chục tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất cho các trường học xuống cấp và mua sắm bổ sung thêm các trang thiết bị dạy và học còn thiếu ở các nhà trường, như sửa chữa lại các khu vệ sinh, cải tạo cảnh quan trường học, mua sắm thêm các thiết bị cho thư viện, phòng học bộ môn....
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến lâu dài, phức tạp, việc dạy và học song hành cùng chống dịch là cần thiết và cần phải thực hiện. Do đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình thường xuyên cập nhật thông tin và sự chỉ đạo của cấp trên, tuyên truyền, hướng dẫn các nhà trường xây dựng phương án, kế hoạch sẵn sàng bước vào năm học mới theo từng diễn biến cụ thể của dịch bệnh. Yêu cầu các nhà trường triển khai các biện pháp phòng chống dịch, như đảm bảo vệ sinh trường lớp, giữ môi trường an toàn cho học sinh và thực hiện tốt khuyến cáo 5K+ vắc xin của Bộ Y tế.
Hiện thành phố có 300 giáo viên mầm non/1.500 giáo viên toàn thành phố đã được tiêm vắc xin mũi 1. Đồng thời, chuẩn bị sẵn kịch bản nếu dịch vẫn diễn biến phức tạp để có phương án học online cho học sinh, hoặc học sinh vẫn đến lớp nhưng phải kiểm soát chặt chẽ quy trình, đảm bảo phòng dịch tại các nhà trường...
Vừa qua, chuẩn bị cho năm học mới, Sở Giáo dục & Đào tạo cũng đã có văn bản về việc chuẩn bị tựu trường năm học 2021-2022 và xây dựng các phương án dạy học đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, ngày 23/8/2021, lớp 1 tựu trường. Ngày 1/9, các cấp học còn lại tựu trường. Riêng các cơ sở giáo dục mầm non đang sử dụng làm khu cách ly dịch bệnh COVID-19 không tựu trường.
Ngày 5/9, khai giảng năm học mới (được thực hiện theo Kế hoạch số 50/KH- SGDĐT ngày 12/8/2021 về việc tổ chức khai giảng năm học 2021-2022). Học kỳ I bắt đầu từ ngày 6/9/2021.
Sở Giáo dục & Đào tạo cũng xây dựng 3 phương án để thực hiện việc dạy và học. Phương án 1, khi toàn tỉnh kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, không có ca nhiễm lây lan ngoài cộng đồng. Đối với giáo dục mầm non, thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định.
Riêng các trường mầm non đang sử dụng làm khu cách ly, yêu cầu nhà trường lựa chọn những nội dung cốt lõi, cần thiết trong chương trình, xây dựng video, thiết lập các kênh thông tin (qua zalo, viber...) giữa giáo viên và cha mẹ/người chăm sóc trẻ để chia sẻ, tư vấn việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại nhà; đảm bảo yêu cầu về mục tiêu, kết quả mong đợi ở từng độ tuổi.
Đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, học sinh, học viên đi học bình thường, không tổ chức ăn bán trú tại trường (riêng Trường THPT Dân tộc nội trú, THPT chuyên Lương Văn Tụy kiểm soát chặt chẽ học sinh nội trú, hạn chế tối đa việc học sinh trở về nhà vào cuối tuần, chỉ cho về trong trường hợp đặc biệt và phải có sự đồng ý của Ban Giám hiệu nhà trường; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh khi tổ chức nấu ăn cho học sinh nội trú).
Phương án 2, khi toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT- TTg ngày 27/3/2020. Đối với giáo dục mầm non: các cơ sở giáo dục mầm non lựa chọn những nội dung cốt lõi, cần thiết trong chương trình, xây dựng video, thiết lập các kênh thông tin.
Các phòng Giáo dục & Đào tạo xây dựng kho tài liệu, học liệu ngân hàng video,... phù hợp với điều kiện của từng đơn vị để hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non hướng dẫn cha mẹ/người chăm sóc trẻ tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà. Đối với các cơ sở giáo phổ thông và giáo dục thường xuyên, thực hiện chia đôi lớp học, một nửa học buổi sáng, một nửa học buổi chiều.
Không tổ chức chào cờ, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục kỹ năng sống, dạy thêm, học thêm, hoạt động thể dục thể thao tập trung đông người trên sân trường. Kích hoạt tài khoản dạy học trực tuyến (thông qua các ứng dụng dạy học trực tuyến như Microsoft Teams, Zoom, Google Meet hoặc các ứng dụng của các nhà cung cấp dịch vụ đáp ứng được yêu cầu dạy học trực tuyến), chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng dạy học trực tuyến khi học sinh, học viên tạm dừng đến trường. Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như phương án 1.
Trong trường hợp chỉ có một số địa phương của tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, các đơn vị, trường học đóng trên địa bàn thực hiện theo các nội dung trên.
Phương án 3, khi toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT- TTg ngày 31/3/2020. Đối với giáo dục mầm non, thực hiện như phương án 2.
Đối với các cơ sở giáo phổ thông và giáo dục thường xuyên, nhà trường yêu cầu giáo viên các bộ môn kích hoạt tài khoản dạy học trực tuyến, tổ chức dạy học trực tuyến; hướng dẫn học sinh học tập thông qua các ứng dụng khác (nếu có) như zalo, facebook, email...
Thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát để đảm bảo tiến độ dạy học, đảm bảo kế hoạch giáo dục của nhà trường và của ngành; xây dựng kế hoạch kiểm tra đánh giá trực tuyến phù hợp.
Đối với vùng khó khăn thiếu điều kiện dạy học trực tuyến và internet, nhà trường phải có phương án giao bài học, bài tập phù hợp; đồng thời xây dựng kế hoạch dạy bổ sung kiến thức cho học sinh sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và không còn thực hiện giãn cách.
Đối với học sinh lớp 9, lớp 12, trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, học sinh dừng đến trường kéo dài, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức dạy học trên truyền hình Ninh Bình. Trong trường hợp chỉ có một số địa phương của tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020, các đơn vị, trường học đóng trên địa bàn thực hiện theo các nội dung trên.
Sở Giáo dục & Đào tạo cũng yêu cầu các đơn vị, trường học chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch đáp ứng yêu cầu dạy - học. Tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, các đơn vị, trường học áp dụng các phương án dạy học cho phù hợp, đảm bảo tối thiểu những yêu cầu trong các phương án gợi ý nêu trên.
Đối với học sinh trở về từ vùng dịch, phải thực hiện cách ly tập trung theo quy định, các cơ sở giáo dục căn cứ tình hình thực tế, phân công giáo viên hỗ trợ, hướng dẫn học sinh, có phương án giao bài học, bài tập phù hợp hoặc tổ chức dạy học, ôn tập trực tuyến cho học sinh; tiếp nhận lại học sinh khi đảm bảo quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Bài, ảnh: Hạnh Chi