Như mọi năm thì mùa mưa bão kết thúc vào 31-10 dương lịch. Nhưng năm nay thời tiết bất thường. Từ ngày 29-10 đến 3-11, những cơn mưa rất to kéo dài rầm rập trút nước xuống một địa bàn rộng lớn từ thượng nguồn đến hạ lưu, tạo nên cơn lũ hung hãn trên sông Hoàng Long đe dọa diễn lại thảm kịch lũ, lụt trên toàn bộ địa bàn 21 xã vùng phân lũ, chậm lũ ở hai huyện Nho Quan, Gia Viễn vào đầu tháng 10-2007. Nhưng do chuẩn bị tốt, phản ứng nhanh nên ngay từ 31-10, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh đã có Công điện số 09 chỉ đạo các cấp chủ động phòng, chống mưa lũ. Do mưa lũ vẫn tiếp tục kéo dài, lũ dâng cao, 16h ngày 31-10, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện phương án chống tràn với lực lượng mạnh: Quân đội 850 cán bộ, chiến sĩ, công an 190 cán bộ, chiến sĩ và 700 người thuộc đội xung kích của các địa phương. Về vật tư: Đã tập kết 35.000 bao nilon, 5.800 m2 bạt chống sóng, 1.500 m3 cát, 500 bộ rọ thép, 300 m3 đá hộc và các phương tiện xe ôtô, công nông, máy xúc.
Thời điểm căng thẳng bắt đầu từ 20h ngày 31-10 tại Hưng Thi lũ đạt đỉnh 15,78 m, tại bến Đế lũ đạt đỉnh 4,69 m (vượt báo động 3 là 0,69 m). Lũ đổ về rất nhanh, lại xuống chậm, vì vậy mực nước sông Đáy cao, toàn bộ lực lượng vào trận chống trả quyết liệt với thủy thần. Do công tác chuẩn bị kỹ và được cải tiến nhiều, chỉ huy quyết liệt nên công việc diễn ra rất khẩn trương, căng thẳng nhưng mạch lạc, nhịp nhàng. Điện luôn được chiếu sáng suốt trên mặt tràn. Năm nay đất được thay bằng cát, nên thao tác nhanh, đỡ sức người và tạo bờ bao chắc, ít rò rỉ. Đặc biệt bạt chắn sóng được phủ toàn bộ con trạch đất, chống được xói lở và không làm nhũn đất. Mặt tràn được bố trí thuận lợi để các phương tiện cơ giới hoạt động dễ dàng. 4h sáng 1-11, đỉnh lũ bất khả kháng đã tràn qua trạch đất của tràn Đức Long, Gia Tường (Nho Quan). Đồng chí Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh, sau khi tính toán kỹ độ an toàn của các tuyến đê và phương án xử lý các tình huống xảy ra đã chỉ đạo quyết tâm bảo vệ bằng được tràn Lạc Khoái để giảm độ thiệt hại đến mức thấp nhất cho đồng bào vùng phân lũ. Đồng chí Phan Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Tiểu ban tiền phương trực tiếp chỉ huy trận chiến này. Lũ cứ cuồn cuộn đổ về. Khi nước dâng lên +4 m, cán bộ, chiến sĩ ở đây đã hoàn thành đắp 2 hàng bao tải cát lên trạch đất. Khi mực lũ ở bến Đế đạt đỉnh 4,69 m thì việc đắp thêm con trạch cát để gia cố bảo vệ con trạch đất cũng hoàn thành. Các lực lượng quân đội, công an, xung kích không tiếc công sức, dũng cảm vượt lên gian khổ, hiểm nguy, thường trực suốt đêm đội mưa, chịu rét chống rò rỉ, thẩm lậu, gia cố liên tục các đoạn nguy hiểm để bảo vệ an toàn cho toàn tuyến.
Tràn Lạc Khoái (nhìn từ mặt sông). Ảnh: Thanh Chiên
6h sáng ngày 2-11 là thời khắc hiểm nguy nhất, đỉnh lũ kép tại bến Đế lại đạt đỉnh +4,69 m, nước lại xuống rất chậm, sóng to, gió lớn. Ban chỉ huy tiền phương xin lệnh của Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Thắng cho xả tràn qua cống Mai Phương vào Đầm Cút rồi qua cống Địch Lộng và xả nước ra sông Đáy. Đây là việc xử lý kịp thời, đúng lúc, nên đã bảo vệ an toàn tràn Lạc Khoái. Khi nước xuống dần, niềm vui rạng rỡ bừng trên những khuôn mặt hốc hác vì thức đêm và gian nan vất vả. Nhiều người dân trong vùng xả lũ lên mặt tràn nắm chặt tay cán bộ, chiến sĩ, nước mắt lưng tròng, cảm ơn những người giữ vững con trạch để bảo đảm sự bình yên cho họ. Khi về kiểm tra tràn Lạc Khoái, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bí thư Tỉnh ủy Đinh Văn Hùng đã đánh giá cao và biểu dương tinh thần trách nhiệm làm việc quên mình, lao động sáng tạo của cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang nên đã giữ vững tràn, tránh được những tổn thất rất nặng nề cho nhân dân 12 xã vùng xả lũ.
Để có chiến công lớn này, bắt đầu là sự lãnh đạo, chỉ đạo hết sức sâu sắc, trí tuệ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các đập tràn sinh ra để bảo vệ an toàn các tuyến đê nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do lũ lụt gây ra. Vì vậy, muốn giữ tràn bảo vệ các vùng phân lũ thì phải củng cố các tuyến đê. Trong mấy năm nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo liên tục gia cố các tuyến đê. Năm 2005 đã đầu tư nâng cấp, đổ bê tông mặt đê hữu Hoàng Long dài 20 km… Trên tuyến đê này có tràn Lạc Khoái dài 730 m, cao trình mặt tràn +4,0 m, phần trạch đất cao trình +4,9 m. Năm 2007 đã tôn cao áp trúc và đắp cơ đê bảo đảm cao trình chống lũ cho đê tả Hoàng Long. Tháng 6-2008, tuyến đê này lại hoàn thành việc đổ bê tông mặt đê trên những đoạn xung yếu. Đây chính là những điều kiện then chốt để tỉnh quyết định giữ vững tràn Lạc Khoái mà vẫn bảo đảm an toàn cho các tuyến đê. Chiến công giữ vững tràn Lạc Khoái cũng thể hiện rất rõ năng lực chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh. Đã qua mùa mưa bão mà không chủ quan. Thiên tai ập xuống bất thường mà không lúng túng. Trong chỉ đạo điều hành nhanh nhạy, sáng tạo, kiên quyết, xử lý các tình huống đúng lúc, hiệu quả cao.
Các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang, lực lượng xung kích các địa phương đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chuẩn bị kỹ cả kế hoạch phòng, chống và "4 tại chỗ", sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không quản gian khổ, hiểm nguy, dũng cảm, năng động, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Chiến công giữ vững tràn Lạc Khoái còn là minh chứng sinh động cho luận điểm: Những thành tựu kinh tế - xã hội bao giờ cũng được kết tinh từ sự lãnh đạo sáng suốt của các cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành hiệu quả của các cấp chính quyền và tinh thần làm chủ cao của các tầng lớp nhân dân.
Tạ Khôi