Tỉnh Ninh Bình hiện còn hơn 1.609 phòng học tạm từ cấp học mầm non đến THPT cần phải sửa chữa và xây dựng mới, trong đó Kim Sơn 244 phòng, thành phố Ninh Bình 61 phòng, thị xã Tam Điệp 56 phòng, Hoa Lư 122 phòng, Gia Viễn 137 phòng, Nho Quan 389 phòng, Yên Khánh 224 phòng, Yên Mô 204 phòng.
Năm 2008, nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ và ngân sách của tỉnh dành cho chương trình kiên cố hóa trường học là hơn 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã gặp một số khó khăn, vì vậy đến nay nguồn vốn hàng chục tỷ đồng vẫn đang "đóng băng". Theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo nếu tỉnh nào giải ngân chậm, không đúng thời gian quy định sẽ phải trả lại vốn cho Chính phủ.
Theo kế hoạch từ đầu năm học 2008, ngành Giáo dục - Đào tạo Ninh Bình đã xây dựng kinh phí cho chương trình kiên cố hóa trường học trong năm là 53,319 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ là 33,8 tỷ đồng và ngân sách tỉnh dành cho chương trình là gần 20 tỷ đồng. Theo phân bổ thì những xã thuộc 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao sẽ được hỗ trợ 100% vốn từ ngân sách của Trung ương và của tỉnh, các xã không thuộc xã nghèo nhưng thuộc các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn, Yên Mô sẽ được hỗ trợ là 85%, các xã thuộc huyện Hoa Lư, Yên Khánh sẽ được hỗ trợ 80%, thị xã Tam Điệp sẽ được hỗ trợ 60% và thành phố Ninh Bình được hỗ trợ 30%. Từ khi có Đề án kiên cố hóa trường học giai đoạn 2008-2012, ngành Giáo dục - Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng rà soát lại các phòng học, trường học cần xây dựng và tu sửa. Việc rà soát và thống kê đã nhanh chóng được hoàn tất. Ban chỉ đạo Đề án cũng đã lập kế hoạch năm 2008, nguồn vốn kiên cố hóa trường học sẽ được dành để tập trung xây mới và sửa chữa 148 phòng học, thuộc các cấp học mầm non và tiểu học của 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn trên đang gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử tại huyện Yên Mô, tổng nguồn vốn kiên cố hóa trường học năm 2008 là 10,8 tỷ đồng để đầu tư cho các trường mầm non và tiểu học của 3 xã nghèo là: Yên Thành, Yên Thái, Yên Đồng, nhưng đến nay vẫn chưa có đồng vốn nào được giải ngân… Nguyên nhân của tình trạng trên theo ông Lê Văn Dung, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo: Do giá cả vật liệu xây dựng không ổn định nên việc tính toán, đấu thầu gặp nhiều khó khăn, thủ tục đấu thầu rườm rà dẫn đến chậm trễ, một số trường nằm trong kế hoạch hỗ trợ xây dựng nhưng thiếu mặt bằng nên phải đợi cấp đất và san lấp mặt bằng. Một số huyện như: Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn vừa qua chịu ảnh hưởng của lũ lụt hơn 1 tháng nên cũng ảnh hưởng đến việc thi công công trình.
Để khắc phục tình trạng trên, Ban chỉ đạo Dự án đã đôn đốc các địa phương nhanh chóng khởi công xây dựng công trình. Đối với ngành Tài nguyên - môi trường cần tạo điều kiện, nhanh chóng cấp mặt bằng cho các trường; Sở Xây dựng hoàn thành việc thiết kế móng phù hợp với từng địa phương; Sở Tài chính chuẩn bị mẫu văn bản, giấy tờ để có thể làm thủ tục quyết toán khi có thể. Tín hiệu khả quan là đến nay, phần lớn các địa phương đã bắt đầu khởi công công trình. Ông Lê Văn Dung cũng khẳng định: "Ngành sẽ cố gắng đôn đốc để các địa phương khởi công trước 31-12, đảm bảo sử dụng nguồn vốn hợp lý và kịp thời, tránh tình trạng chậm trễ phải trả vốn về cho Trung ương".
Nguyễn Thơm