Theo Cục thống kê tỉnh Ninh Bình, tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.575,3 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2007 và đạt 88,9% kế hoạch năm. Trong đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 1.814,5 tỷ đồng, tăng 18,3%, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 2.154,2 tỷ đồng, tăng 85,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 26% và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 136,226 triệu USD.
Ngành Công nghiệp chế biến tiếp tục tăng trưởng mạnh, khẳng định vị thế chủ lực trong cơ cấu sản xuất công nghiệp của tỉnh với giá trị đạt 4.067 tỷ đồng. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp đều có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước như xi măng và clinker đạt 2.991,6 nghìn tấn, tăng 83,9%; thép hợp kim đúc đạt 720,4 tấn, tăng 41,8%; quả và hạt đóng hộp đạt 5.103 tấn, tăng gấp 2,1 lần, phân lân nung chảy tăng 17,5%... Theo đồng chí Vũ Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Công thương, sở dĩ trong tháng 10, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự tăng trưởng mạnh là do có sự tác động mạnh của nhiều cơ chế chính sách mà tỉnh áp dụng đối với ngành Công nghiệp. Trong đó, những chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư đã thu hút những nhà đầu tư có năng lực, nhiều dự án đầu tư đã đi vào sản xuất và mang lại hiệu quả cao. Về thu hút đầu tư của tỉnh phải kể đến những dự án công nghiệp có mức đầu tư lớn đang được tích cực triển khai xây dựng như: Nhà máy phân đạm công suất 56 vạn tấn/năm, nhà máy phụ tùng động cơ tàu thủy Vinashin... góp phần nhanh chóng đưa Ninh Bình từ một tỉnh nghèo trở thành một tỉnh có ngành Công nghiệp bước đầu phát triển thuộc vào tốp trung bình khá của cả nước. Đội ngũ doanh nhân không ngừng lớn mạnh, nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, sản phẩm sản xuất ra khẳng định được vị thế và thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước như sản phẩm lò quay ximăng 2,3 triệu tấn/năm của Công ty Cơ khí lắp máy Ninh Bình, các sản phẩm cơ khí công nghệ cao của Công ty cơ khí Quang Trung, sản phẩm hoa quả đóng hộp của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao…
Trên thực tế, mặc dù trong những tháng qua, ngành Công nghiệp duy trì được mức tăng trưởng ổn định, song để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp cấp bách, trong đó đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng lấy doanh nghiệp làm đối tượng ưu tiên phục vụ, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản, tiến độ thi công các hạng mục công trình để sớm đưa các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp vào khai thác.
Để phát triển ngành Công nghiệp thì năng lượng được coi như một điều kiện có ý nghĩa then chốt, vì vậy Sở Công thương cần kiến nghị với Bộ Công thương xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng điện, than hợp lý cho các cơ sở công nghiệp lớn trên địa bàn. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh đi đôi với giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp tìm các biện pháp cải tiến công nghệ, tiết kiệm chi phí nguyên liệu, vật liệu để giảm chi phí sản xuất, khắc phục tăng giá đầu vào nhằm hạ giá thành sản phẩm.
Ngành Công nghiệp tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã để thu hút đầu tư phát triển. Thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp và ngành nghề nông thôn gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu cần quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, khai thác tối đa thị trường trong nước đi đôi với mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực có thế mạnh.
Quốc Khang