Tới thăm Thư viện tỉnh những ngày này, khi công tác chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh đã hoàn tất. Những tài liệu sách, báo, ảnh… đã được trình bày theo từng giai đoạn, bối cảnh lịch sử của tỉnh giúp cho độc giả dễ dàng nắm bắt và thấy được rõ ràng nhất sự lớn mạnh không ngừng của tỉnh qua từng giai đoạn. Bà Lại Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết, hướng tới sự kiện kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh, Thư viện tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ và huy động sự tham gia của tất cả cán bộ, nhân viên của Thư viện trong việc sưu tầm, xây dựng tư liệu góp phần chuyển tải đến bạn đọc những thông tin quý về tỉnh những ngày tái lập. Đến nay, việc trưng bày đã hoàn tất và Thư viện đã mở cửa để đón bạn đọc từ ngày 15-3 đến 15-4. Mặc dù Thư viện có trên 1.500 tư liệu sách, báo viết về đất và người Ninh Bình, song chúng tôi chỉ chọn lựa và đưa vào phòng trưng bày 150 cuốn sách bao gồm các tư liệu quý như: Lịch sử Đảng bộ tỉnh, các huyện, xã, phường; các văn kiện Đảng bộ tỉnh; di tích và danh thắng Ninh Bình; sách về đất và người Ninh Bình; Tuyển tập văn thơ viết về Ninh Bình và đặc biệt là có cuốn tài liệu đầu tiên về địa chí Ninh Bình của tác giả Nguyễn Tử Mẫn. Ngoài ra, chúng tôi còn có tập hợp các trang Báo Ninh Bình từ năm 1992 trở lại đây. Các trang báo chính là sự phản ánh đầy đủ, chi tiết về tình hình phát triển kinh tế-xã hội tỉnh ta sau ngày tái lập.
Đến tham quan phòng trưng bày sách của Thư viện tỉnh những ngày này, bác Hoàng Văn Mỡ ở phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) không giấu nổi niềm xúc động khi ký ức về những ngày đầu tái lập tỉnh như hiện ra thật gần khi bác được đọc những tài liệu cũ. Bác Mỡ chia sẻ, vào những ngày mà Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đang sôi nổi các hoạt động hướng tới lễ kỷ niệm ngày tái lập tỉnh, tôi đến Thư viện như để tìm về một thời khó khăn nhưng cũng rất đỗi tự hào của mỗi người con của quê hương Ninh Bình. Trong hơn 1.500 tư liệu, tôi dành nhiều thời gian để đọc các số báo của Báo Ninh Bình những ngày đầu tái lập tỉnh. Trong các trang báo đều thể hiện rõ những thuận lợi, khó khăn của tỉnh ta những ngày đầu tái lập. Qua đó, mới thấy hết được tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm và nỗ lực vươn lên của Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Tại Bảo tàng Ninh Bình, các cán bộ, nhân viên cũng đang khẩn trương hoàn thiện các công đoạn trưng bày để sẵn sàng phục vụ khách tới tham quan. Ông Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình cho biết, thông qua việc trưng bày các hiện vật gắn với từng mốc lịch sử của tỉnh kể từ khi tái lập đến nay, góp phần tuyên truyền, ôn lại truyền thống hào hùng vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình. Qua đó, khơi dậy và phát huy truyền thống cách mạng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, thiết thực góp phần xây dựng quê hương Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững. Thông qua hoạt động trưng bày góp phần quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là thế mạnh về du lịch của tỉnh tới đông đảo khách tham quan.
Theo đó, nội dung phần trưng bày được lựa chọn để thể hiện phải chuyển tải được những nội dung như: hình ảnh, tài liệu và hiện vật của các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh từ khi tái lập tỉnh đến nay; những thành tựu đã đạt được về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội; những hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về thăm và làm việc tại Ninh Bình… Số lượng hiện vật khá nhiều, song các cán bộ, nhân viên ở Bảo tàng đã phải cân nhắc, lựa chọn những hiện vật có nội dung trình bày xúc tích, dễ hiểu, sống động và có khả năng truyền tải được nhiều thông tin. Mỗi hiện vật là một câu chuyện cụ thể về đất và người Ninh Bình. Cụ thể, là những hình ảnh, tài liệu và hiện vật của các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh từ khi tái lập đến nay; những hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về thăm và làm việc; những hình ảnh tái lập tỉnh như hình ảnh đoàn xe từ Nam Định về Ninh Bình, một số hình ảnh Ninh Bình trước năm 1992: Sông Vân, Rạp ngoài trời, nhà dân vùng đất bồi Kim Sơn, Nông trường Bình Minh (Kim Sơn)… Đặc biệt, Bảo tàng còn trưng bày các bức ảnh, hiện vật ghi dấu sự chuyển mình vươn lên mạnh mẽ trong phát triển kinh tế của tỉnh như: những hình ảnh xây dựng cơ sở hạ tầng những năm đầu tái lập tỉnh; hình ảnh và hiện vật các công ty, nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh: KCN Khánh Phú, KCN Gia Viễn; nhà máy Thành Công… các làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, thêu Văn Lâm, cói mỹ nghệ Kim Sơn, gốm Bồ Bát…
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng