Bà Vũ Thị Chắt, Đội trưởng đội múa Lân xóm Gòi năm nay đã gần 70 tuổi nhưng niềm đam mê với môn nghệ thuật múa Lân của xóm chưa bao giờ vơi cạn. Bà Chắt cho biết: Múa Lân được coi là một nét đẹp văn hóa truyền thống mang đậm chất nghệ thuật dân gian của người á Đông. Mỗi khi Tết đến Xuân về hay vào ngày hội làng, hội xã, nghe tiếng trống thùng thùng, tiếng thanh la xập xình, cảnh con Lân múa may, uốn lượn, kèm theo cảnh ông Địa cầm quạt vỗ phì phạch vào cái bụng to đùng khiến lũ trẻ con cười nắc nẻ, những người lớn thì quên đi những nhọc nhằn, vất vả, hướng đến những ngày tháng thanh bình, no đủ sắp tới. Múa Lân tượng trưng cho sự đủ đầy, hạnh phúc, sức khỏe và yên bình. Với ý nghĩa tốt đẹp đó, đội múa Lân thôn Gòi, xã Ninh An được khôi phục, duy trì và ngày càng phát triển trong thời đại ngày nay, cũng là một cách giữ gìn nét đẹp văn hóa của người Việt. Cũng theo bà Vũ Thị Chắt, nghệ thuật múa Lân được hình thành ở xã Ninh An từ những năm 1950 nhưng theo thời gian, do chiến tranh nên dần bị mai một. Sau đó, năm 2008, để bảo tồn nghệ thuật múa Lân, ông Đào Cao Lãnh, hiện đã 94 tuổi đã bắt tay vào khôi phục lại môn nghệ thuật độc đáo này. Theo đó, ông Lãnh kêu gọi nhân dân xóm Gòi thành lập đội múa Lân, lúc này, đội văn nghệ và hội tập dưỡng sinh của thôn gồm phần lớn là phụ nữ đã quyết định tham gia đội múa Lân với 16 người. Được truyền dạy, hướng dẫn từ đường đi nước bước đến ý nghĩa của môn nghệ thuật múa Lân, các thành viên trong đội đã say mê học hỏi, luyện tập, góp ý, hỗ trợ lẫn nhau ngày càng trở nên lão luyện, chuyên nghiệp. Được biết, môn nghệ thuật múa Lân đòi hỏi người diễn luôn phải nhanh nhạy trong các động tác, đồng thời mỗi vai diễn trong đội, nhóm đều có một vai trò không thể thiếu để một bài múa Lân thành công.
"Trong các vai diễn thì người múa đầu Lân phải là người có nghệ thuật múa điêu luyện nhất bởi không chỉ là sự thông minh, dứt khoát mà còn rất cần cả yếu tố sức khỏe, do đó chỉ có những người thành thục, nắm vững kỹ thuật, có sức khỏe mới được đảm nhiệm vai diễn múa đầu Lân. Cùng với đó, các vai diễn đều được sắp xếp theo các trình tự nhất định và đòi hỏi sự tập trung và ăn khớp của các vai diễn, mỗi động tác đều phải được thể hiện đúng nhịp điệu phù hợp với tiếng trống đệm. Điều đáng nói là đội múa Lân 15 người của thôn Gòi tất cả đều là phụ nữ, trong đó cao tuổi nhất là 69-70 tuổi và trẻ nhất cũng đã là 48-49 tuổi. Mặc dù có tuổi nhưng các bà, các mẹ vẫn rất nhiệt tình và hăng say luyện tập, đem lại niềm vui cho mọi người và giữ gìn nét đẹp truyền thống của làng…" bà Vũ Thị Chắt cho biết thêm.
Chị Vũ Thị Lịch, trưởng xóm Gòi chia sẻ: Những thành viên trong đội múa Lân đều là những phụ nữ thuần nông, ngày đi làm ruộng, đêm về mới tổ chức tập luyện và sinh hoạt văn hóa các bài hát dân ca. Được sự động viên, ủng hộ của những người chồng, người con, người thân trong gia đình, chị em trong đội luôn tự hào vì mình đang góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống của làng, của quê hương, của dân tộc. Hàng năm, đội múa Lân thường đi biểu diễn các dịp lễ tết, rằm trung thu, ngày mừng thọ người cao tuổi hay trong dịp lễ hội trọng đại của quê hương, đất nước… Nhiều năm nay, đội múa Lân thôn Gòi, xã Ninh An đều tham gia cùng với Đội múa Rồng của xã Ninh Vân trong lễ Rước nước tại lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư. Điều đáng mừng là đi tới đâu, đội múa Lân cũng nhận được sự chào đón nhiệt liệt của nhân dân trong vùng, đó chính là động lực giúp các thành viên ngày càng say mê, gắn bó và quyết tâm thể thiện xuất sắc vai diễn của mình.
Chị Bùi Thị Thanh Nhàn, cán bộ văn hóa xã Ninh An cho biết: Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, trước khi diễn ra lễ hội Hoa Lư, đội múa Lân thôn Gòi lại tranh thủ luyện tập, bổ sung, chỉnh trang lại trang phục, phụ kiện, phương tiện biểu diễn để phục vụ lễ hội. Với sự tham gia của đội múa Lân xã Ninh An, đội múa Rồng xã Ninh Vân làm cho không khí lễ hội càng thêm rộn ràng, náo nức. Ngoài việc biểu diễn phục vụ các lễ hội lớn, đội múa Lân xã Ninh An còn được mời đi biểu diễn tại nhiều sự kiện văn hóa - thể thao và một số lễ hội ở các vùng lân cận trong huyện, trong tỉnh.
Để phát huy hiệu quả hoạt động của đội múa Lân truyền thống, chính quyền xã Ninh An đã, đang và vẫn tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho đội hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, đội múa Lân thôn Gòi cũng hướng đến phương thức hoạt động theo phương châm xã hội hóa để duy trì hoạt động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Hạnh Chi