Dẫn chúng tôi đi tham quan khuôn viên nhà trường, vào tận các phòng học của ngôi trường vừa được xây dựng xong còn thơm mùi vôi vữa, ông Đinh Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: Gia Lạc là xã còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm qua, địa phương vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp giáo dục, đặt mục tiêu đưa trường mầm non đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm 2014. Để thực hiện được mục tiêu này, địa phương đã huy động mọi nguồn lực của xã, huyện và của tỉnh, đồng thời kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa cùng chung tay xây dựng trường.
Sau hơn 1 năm khởi công xây dựng, công trình đã hoàn thành đúng tiến độ, kịp thời đưa vào sử dụng phục vụ cho việc dạy và học của cô và trò trong năm học 2014-2015. Trường được đặt tại trung tâm của xã, có đầy đủ phòng học và các công trình phụ trợ với tổng vốn đầu tư xây dựng 12 tỷ đồng. Cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị được trang bị đầy đủ, sân chơi rộng rãi, đủ điều kiện để phục vụ việc nuôi dạy bán trú cho các cháu tại trường.
Với các cô giáo của nhà trường, được dạy học trong ngôi trường mới vẫn như một giấc mơ. Cô giáo Đinh Thị Lan tâm sự: Tôi về dạy ở Trường được hơn 10 năm rồi. Trước đây, các cháu trong độ tuổi mầm non của xã phải học ở 3 điểm trường đặt tại các thôn Lạc Khoái, Mai Sơn và Lạc Thiện. Lớp học ở các điểm trường của cô và trò Trường Mầm non Gia Lạc đều là những dãy nhà cấp bốn đã xuống cấp, nhưng vẫn được tận dụng để làm lớp học mẫu giáo, thậm chí có lớp phải học nhờ nhà người dân. Do các phòng học ẩm thấp, chật chội nên Trường không thể tổ chức học bán trú cho trẻ.
Cô giáo Đinh Thị Lan cho biết thêm, cũng vì thiếu phòng học nên các cháu phải học ghép lớp, gây nhiều khó khăn trong việc chăm sóc và giáo dục, vì nhận thức của trẻ không cùng lứa tuổi là không đồng đều. Vì lớp học không có tường bao, cổng kiên cố, nên nhà trường cũng không dám mua sắm đồ dùng học tập, vui chơi cho các cháu. Các cháu chủ yếu chơi những đồ chơi do các cô giáo tự làm. Đây chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến lớp của xã rất thấp, chưa đầy 50% đối với lứa tuổi nhà trẻ và 90% đối với trẻ trong độ tuổi mẫu giáo...
Thế nhưng, đây đã trở thành câu chuyện của quá khứ. Từ đầu tháng 12-2014, cô và trò Nhà trường đã được chuyển về khu trung tâm, học tập trong ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp. Cùng chung niềm vui, niềm phấn khởi này chính là các bậc phụ huynh. Anh Bùi Văn Tuấn, một phụ huynh cho biết: "Năm nay là năm học đầu tiên tôi gửi cháu tới lớp, dù cháu đã 4 tuổi. Đa số người dân chúng tôi làm nghề chài lưới. Bởi vậy, luôn mong muốn được gửi con tới trường để yên tâm đi làm. Song những năm trước, các cháu phải học trong những lớp học chật hẹp, tạm bợ, nhà trường lại chưa tổ chức được lớp học bán trú, cứ buổi trưa là phụ huynh phải đến đón các cháu. Như vậy, rất mất thời gian và vất vả cho các cháu nên chúng tôi không cho con đi lớp mà thường cho con xuống thuyền, đi đánh bắt cá cùng bố mẹ để tiện bề trông nom.
Ngôi trường mới đã được khánh thành, các cháu được tổ chức học bán trú nên tôi và nhiều gia đình khác rất yên tâm gửi cháu ở trường. Vậy là mơ ước bấy lâu của bà con về ngôi trường mới giờ đã thành hiện thực. Mong rằng với cơ ngơi khang trang, sạch đẹp này, chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ càng tốt hơn, đáp ứng mong mỏi của người dân địa phương".
Cô giáo Đinh Thị Thoa, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết: "Nhà trường vừa được đoàn kiểm tra công nhận trường học chuẩn quốc gia của tỉnh về kiểm tra và đề nghị UBND tỉnh công nhận Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Đây là niềm vui, niềm tự hào của cô và trò nhà trường. Chúng tôi sẽ phát huy tốt hiệu quả hoạt động, không ngừng phấn đấu vì sự nghiệp giáo dục. Bằng tình yêu nghề và sự nhiệt tình cống hiến, chúng tôi sẽ tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ, trở thành địa chỉ tin cậy đối với nhân dân địa phương".
Nguyễn Hùng