Là cái nôi của phong trào cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Nho Quan quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, viết tiếp những trang sử hào hùng của các thế hệ đi trước để làm nên bức tranh đầy khởi sắc của một Nho Quan năng động, sáng tạo, đầy "bản lĩnh" trong thời kỳ mới.
Trong trí nhớ của các cụ lão thành cách mạng đã từng sống, chiến đấu trên mảnh đất Nho Quan anh hùng như cụ Trương Công Tố, cụ Lương Văn Tại… thì những năm tháng kháng Nhật cứu nước, giành chính quyền với biết bao mất mát, hy sinh như vẫn còn mới nguyên ngày nào. Mùa Thu năm 1945 đã đi vào lịch sử dân tộc, khắc sâu trong tiềm thức của những người con đất Việt như một huyền thoại về tinh thần chiến đấu quật cường, vượt qua mọi khó khăn gian khổ để có được những mùa thu hòa bình như ngày hôm nay.
Là những người đã sống qua 2 thế kỷ, mỗi cụ lão thành cách mạng ở Nho Quan đều không thể diễn tả hết được những cảm xúc, những niềm vui khi tận mắt chứng kiến những đổi thay mạnh mẽ, những bước chuyển mình mang tính đột phá ngay trên quê hương. Nho Quan nay khác Nho Quan xưa nhưng trong sâu thẳm mỗi người vẫn là truyền thống ấy, vẫn là tinh thần quật cường vượt qua mọi khó khăn để vươn tới thành công.
Trạm y tế xã Quỳnh Lưu (Nho Quan). Ảnh: Hoàng Anh
Có mặt tại xã Đức Long - một trong những xã bị thiệt hại nặng trong trận lũ lịch sử năm 2007, chúng tôi càng cảm nhận hết những nỗ lực, cố gắng của người dân nơi đây. Xã có 12 thôn thì có tới 8 thôn ngoài đê nên bao giờ cũng là tâm lũ khi có mưa bão. Còn nhớ trong trận lũ ấy, khi chúng tôi về Đức Long, cả xã chìm trong biển nước, trên 90% đường giao thông nông thôn bị hư hỏng, các trường học bị tàn phá nặng nề, nhiều nhà dân rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất…
Sau gần một năm, trở lại Đức Long, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự "hồi sinh" của những công trình sau lũ. Hầu hết hệ thống đường giao thông nông thôn đã được khôi phục, sửa chữa, đã có 7 km đường được bê tông hóa. Các phòng học bị hư hỏng do lũ cũng đã kịp thời được tu sửa đáp ứng nhu cầu đến trường của các em học sinh.
Đặc biệt với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", Đức Long đã huy động các nguồn lực để thi công 2 công trình lớn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội: Xây dựng trường Mầm non khu Hồng Tiến trên diện tích 300 m2 với giá trị gần 1 tỷ đồng và Trường THCS xã Đức Long với tổng vốn trên 1 tỷ đồng. Vượt qua thiên tai, Đức Long đã phát huy truyền thống của vùng quê cách mạng, vươn lên để tạo bước chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay xã có 830 hộ gia đình đạt gia đình văn hóa, 6/12 khu dân cư đạt khu dân cư tiên tiến… Lý giải về điều này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Đức Long cho biết: Người dân Đức Long nói riêng và người dân Nho Quan nói chung luôn tự hào sinh ra và lớn lên trên vùng quê là cái nôi của phong trào cách mạng, nên luôn nỗ lực hết mình vượt qua khó khăn, xứng đáng với truyền thống hào hùng của quê hương.
Thị trấn Nho Quan hôm nay. Ảnh: Tuấn Anh
Với truyền thống của vùng quê cách mạng Nho Quan đã vượt qua khó khăn, khai thác thế mạnh địa phương để tự tạo cho mình những bứt phá nhằm xây dựng một diện mạo mới năng động. Những năm qua, trên mảnh đất này, nhiều công trình đã được xây dựng khang trang, nhất là các công trình giao thông như: Đường ĐT477, đường nội thị thị trấn Nho Quan, đường du lịch núi Đính - Cúc Phương, đường du lịch Hang Lấp - Vân Trình...
Hệ thống đường giao thông nông thôn đã được huyện chú trọng đầu tư, đã có 100% đường liên xã được bê tông và cứng hóa; hoàn thiện và cải tạo nâng cấp hồ Yên Quang, hồ Thác La, bê tông mặt đê Hữu, đê Năm Căn, nâng cấp hệ thống đê bao Đức Long - Gia Tường - Lạc Vân, xây dựng trạm bơm Đồi Thờ, trạm bơm Đầm Bái… thực hiện kiên cố hóa kênh mương, đưa tổng số kênh cấp I được kiên cố là 40 km, kênh cấp II là 26,7 km. Giá trị 1 ha canh tác đến thời điểm này đạt 40,5 triệu đồng, toàn huyện có 24 cánh đồng 50 triệu đồng, 1.500 hộ nông dân thu nhập 50 triệu đồng/năm trở lên, cơ cấu mùa vụ chuyển biến rõ nét, phong trào làm vụ đông được đẩy mạnh, từng bước đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính.
Mặc dù thời tiết không thuận lợi, lũ lụt liên tiếp xảy ra nhưng vụ đông năm 2007-2008 toàn huyện vẫn gieo cấy được trên 3.000 ha, giá trị sản xuất đạt trên 71 tỷ đồng. Phát huy thế mạnh, tiềm năng sẵn có của địa phương, huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế đồi rừng, kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt, phát triển mô hình kinh tế trang trại tổng hợp đồng thời chuyển đổi một số diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân (thu nhập bình quân của người dân đạt 6,4 triệu đồng/người/năm). Kinh tế phát triển nên người dân có điều kiện tham gia các phong trào xã hội, đặc biệt là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".
Đến thời điểm hiện tại, Nho Quan đã có 76,5% hộ dân được dùng nước sạch, 13/27 xã, thị trấn có nhà văn hóa, 20/27 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Về Nho Quan trong những ngày mùa thu lịch sử tháng Tám, chúng tôi được chứng kiến những đổi thay trên vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Vùng quê ấy đã và đang chuyển mình từng ngày với sự nỗ lực của mỗi người dân, tạo nên gạch nối sống động giữa quá khứ và hiện tại về một Nho Quan anh hùng - một Nho Quan năng động, đầy tiềm lực.
Quỳnh Thu