Gia Hưng là xã có diện tích lúa ngoài đê tương đối lớn, những ngày này trên khắp các cánh đồng của xã đang nhộn nhịp vào mùa gặt. Dọc đê tả sông Hoàng Long, lúa đã chín vàng. Người cắt lúa, người gánh, các em học sinh được nghỉ hè đã ra đồng giúp gia đình gặt lúa, các phương tiện từ xe thồ, xe cải tiến, xe bò... được huy động để chở lúa về nhà.
Chị Đinh Thị Xuyến, hợp tác xã Hoa Tiên, tươi cười bên đống lúa to vừa thu hoạch xong: Năm nay, lúa được mùa, bõ công sức bỏ ra cấy đi cấy lại và phòng trừ sâu bệnh... Năng suất trung bình đạt 2,3 tạ/sào, tăng 0,3 - 0,5 tạ so với vụ trước. Đặc biệt, lúa bông to và chắc hạt. Vụ này gia đình chị cấy 5 sào lúa ước thu về hơn 1 tấn thóc.
Còn ông Đinh Văn Bình, nông dân HTX Đô Lương có vẻ buồn hơn: "Năm nay rét quá, mạ chết nhiều nên gia đình tôi không đủ mạ cấy, cấy thưa nên mặc dù lúa tốt nhưng năng suất cũng không cao lắm, riêng một phần diện tích cấy trà muộn của gia đình bị sâu bệnh nhiều nên năng suất chỉ đạt 1,8 tạ/sào".
Trao đổi với đồng chí Bùi Hoàng Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hưng được biết: Hiện nay toàn xã đã thu hoạch được khoảng 15/323 ha lúa, năng suất bình quân trà mùa sớm ước đạt 58 tạ/ha. Năm nay giá thóc tăng nên 1 ha trừ chi phí bà con cũng thu lãi được 5-6 triệu đồng. Hiện nay xã đang chỉ đạo bà con nông dân gấp rút thu hoạch lúa trước khi lũ về theo tinh thần "xanh nhà hơn già đồng", huy động mọi lực lượng trên địa bàn (thanh niên, học sinh...) giúp các gia đình thu hoạch lúa nhanh nhất.
Đến xã Liên Sơn, không khí ngày mùa cũng nhộn nhịp không kém. Cả xã thu hoạch được 20 ha trên tổng số 340 ha lúa, năng suất ước đạt 49-50 tạ/ha. Dự tính đến ngày 5/6 xã sẽ thu hoạch xong, giải phóng đất để gieo trồng vụ mới.
Đồng chí Trần Văn Dưỡng, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nho Quan cho biết: Huyện có tổng diện tích đất gieo cấy là 7.000 ha, trong đó diện tích lúa ngoài đê là 1.800 ha. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ ngày 25/5 đến ngày 5/6 là phải thu hoạch xong diện tích lúa ngoài đê. Đến nay, toàn huyện đã thu hoạch hơn 2.000 ha diện tích lúa ngoài đê và một phần diện tích lúa vùng trũng trong đê, năng suất ước đạt trung bình trên 60 tạ/ha (vụ đông xuân 2007 chỉ đạt 52 tạ/ha).
Về xã Đức Long, đi giữa "mùa vàng" hòa cùng tiếng cười nói rộn rã, phấn khởi của bà con nông dân đang thu hoạch lúa đông xuân ngoài đê, những ánh mắt ánh lên niềm vui được mùa của bà con xã viên HTX nông nghiệp Đức Long làm chúng tôi như quên đi cái nắng nóng và sự mệt mỏi của quãng đường dài hàng chục km.
Vụ đông xuân 2008, xã Đức Long có tổng diện tích gieo cấy là 520 ha, trong đó diện tích lúa trong đê là 250 ha, còn lại 270 ha là diện tích lúa ngoài đê.
Anh Trần Văn Hòa ở đội 6, thôn Phú Nhiêu - HTX Đức Long vui mừng cho biết: Gia đình tôi gieo cấy với tổng diện tích 1,8 mẫu lúa ngoài đê, do chăm bón, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả, vì thế vụ đông xuân này năng suất lúa của gia đình tôi đạt cao nhất từ trước đến nay, đạt 3,1 tạ/sào. Nét mới năm nay, HTX đưa 2 giống mới vào sản xuất là Phú ưu 1 và Phú ưu 978 đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT nghiệm thu và đưa vào sản xuất ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Nông dân xã Liên Sơn (Gia Viễn) thu hoạch lúa đông xuân. Ảnh: Nguyễn Lựu
Tạm biệt Đức Long, đi dọc theo bờ đê qua 3 xã Đức Long, Lạc Vân và Gia Tường…, đến đâu chúng tôi cũng thấy không khí lao động khẩn trương của bà con nông dân, âm thanh của những chiếc máy tuốt lúa, những chiếc xe chất đầy những bao lúa chắc mẩy nối đuôi nhau về nhà…
Bà con nông dân huyện Gia Viễn, Nho Quan đang chạy đua cùng với thời gian để thu hoạch hết diện tích lúa đông xuân, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ mùa. Niềm vui được mùa lúa ngoài đê của vụ đông xuân năm nay sẽ tiếp thêm nghị lực để bà con nông dân chuẩn bị bước vào vụ sản xuất mới đạt hiệu quả cao hơn.
Nguyễn Lựu - Đức Lam