"Ngày lễ khai giảng năm học mới đã đến rồi. Sau lễ khai giảng, con sẽ bước vào môi trường học tập với bạn mới, thầy cô mới. Con phải nghe lời thầy cô, cố gắng học chăm để đạt kết quả cao nhé". - Cô Lan Anh vừa nhắc nhở, vừa giúp cậu bé Vũ Ngọc Hoàng thu gọn sách vở. Cậu bé nghe từng lời cô dặn, rồi xúng xính diện thử bộ quần áo mới tinh, khoác chiếc cặp có in hình chú mèo máy Đôrêmon mà mình yêu thích rồi xoay xoay vài vòng trước gương. Cậu nhoẻn cười với mẹ Lan Anh: Con trở thành… học sinh rồi đấy.
Khác với cậu em út Vũ Ngọc Hoàng, đối với em Phạm Thị Lan, năm nay đã là năm thứ 9 em đón lễ khai giảng năm học mới. Dẫu vậy, những xúc cảm về ngày đầu tiên đến lớp vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của cô bé có tuổi thơ đầy sóng gió này. Vừa sắp xếp tập vở mới ngăn nắp vào tủ sách, em vừa tâm sự: Em quê ở Yên Mô. Bố mẹ em bỏ đi khi 3 chị em còn rất nhỏ. Cả 3 chị em sống nhờ sự đùm bọc của ông bà nội. Năm em lên 4 tuổi, sức khỏe của ông bà nội yếu đi nhiều. Không thể lo cho cả 3 chị em, ông bà gửi em vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Phải xa gia đình, em cũng buồn lắm. Nhưng vào đây em lại thấy mình may mắn. Em được các cô, các mẹ chăm sóc, yêu thương chăm chút từng bữa ăn, rèn giũa từng lời ăn tiếng nói… nên vẫn cảm nhận được hơi ấm của một gia đình. Năm em 6 tuổi, trong Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, cũng như bao bè bạn cùng trang lứa, em được các mẹ ở Trung tâm dắt tới trường. Noi gương các anh chị đi trước, em phấn đấu học thật giỏi để sau khi học xong chuyên nghiệp sẽ được về công tác tại Trung tâm. Em muốn được sẻ chia, dìu dắt và làm điểm tựa cho nhiều em có hoàn cảnh như mình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Sửu, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết: Hiện nay, Trung tâm có 38 cháu, trong đó có 36 cháu đang theo học từ Tiểu học đến THPT trên địa bàn thành phố. Kỳ nghỉ hè vừa qua, Trung tâm đã gửi các cháu đi sinh hoạt hè ở Nhà văn hóa thiếu nhi thành phố. Tại đây, các cháu được tự lựa chọn những môn học mình yêu thích như: múa, bơi, vẽ, cờ vua… Việc tạo điều kiện cho các cháu vui chơi bổ ích trong dịp hè, sẽ giúp các cháu thư giãn sau 1 năm học tập căng thẳng, tạo điều kiện để các cháu bộc lộ năng khiếu của bản thân và quan trọng hơn nữa là tạo cho các cháu tính tự lập, bồi đắp cho các cháu sự tự tin để hòa nhập với bạn bè, từ đó vươn lên trong cuộc sống, đồng thời tạo cho các cháu nguồn hứng khởi để bước vào năm học mới.
Để chuẩn bị cho năm học mới này, Trung tâm đã phân công nhiệm vụ cho các cô lên danh sách các cháu ở từng lớp để mua đồ dùng học tập cho phù hợp theo từng khối với tổng kinh phí là 50 triệu đồng. Đến nay, công tác chuẩn bị cho các cháu bước vào năm học mới đã hoàn tất. Đáng mừng là những năm gần đây, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân đã đồng hành cùng Trung tâm để chăm lo tốt hơn cho sự học của các cháu, thể hiện qua những hoạt động rất thiết thực như: tặng sách, vở, đồ dùng học tập, tặng xe đạp… Điển hình như: Hội phụ nữ của Bộ Công an, nhóm sinh viên là cựu học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy…
Chính tấm lòng yêu thương của các mẹ, các cô ở Trung tâm và sự quan tâm của cả cộng đồng đã tiếp thêm nghị lực, niềm tin giúp các em cố gắng vượt qua hoàn cảnh khó khăn của mình vươn lên học giỏi và đã có nhiều em trưởng thành. Trong năm học vừa qua, các cháu đều lên lớp, trong đó có 45% là khá, giỏi… Cô Lan Anh, người đã gắn bó nhiều năm với Trung tâm tâm sự: Vất vả là thế, nhưng nhìn các cháu trưởng thành mình cũng cảm thấy hạnh phúc như những bậc làm cha, làm mẹ vậy. Các cháu sinh ra vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn nên mong ước của chúng tôi là nhìn thấy các em tạo dựng cho mình một cuộc sống tốt hơn. Nhưng để đạt được mục tiêu ấy, các cháu ở Trung tâm rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành và vẫn cần lắm những tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm và toàn xã hội.
Thu Hằng