Đi cùng chúng tôi là đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh và cán bộ Hội Nông dân huyện Kim Sơn. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là mô hình làm chiếu cói ở gia đình anh Nguyễn Văn Mười, xóm 6, xã Lưu Phương. Anh Mười từng là trùm trưởng họ đạo Phát Ngoại thuộc Giáo xứ Phát Diệm, hiện nay là xóm trưởng xóm 6. Với gia đình anh cùng những giáo dân quanh đây thì cây cói đã gắn bó máu thịt với họ. Chế biến cói đã trở thành nghề chính song hành với nghề nông của bao người dân quê. Năm 2002 gia đình anh Mười không dừng lại ở việc sản xuất nhỏ lẻ theo hộ mà đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Gia đình trực tiếp đứng ra mua nguyên liệu về, sau đó khoán sản phẩm cói đến tận tay người lao động và liên kết, hợp đồng với các doanh nghiệp, đại lý trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm. Mỗi năm gia đình anh sản xuất 5 tấn cói, sản phẩm chủ yếu là chiếu cói 1 m, thu hút gần 10 lao động tham gia, trong đó có 6 lao động là các giáo dân cùng xóm, với mức thu nhập trung bình 1 triệu đồng/người/tháng. Anh Mười cho biết: Nhờ cói mà cuộc sống của các gia đình trong xóm đã khá giả lên rất nhiều, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5,4% trong tổng số 138 hộ. Các sản phẩm từ cói như chiếu, thảm, dép, túi, hộp... hình thức đẹp, mẫu mã hợp thị hiếu khách hàng được xuất đi khắp trong, ngoài nước. Chiếu cói Kim Sơn đã nổi danh với các thương hiệu như chiếu đậu, chiếu cải...
Chia tay gia đình anh Mười, dọc theo con đường làng được đổ bê tông phẳng lì của xã, chúng tôi tiếp tục đến thăm gia đình anh Trần Duy Hưng, Bí thư chi bộ xóm 5A - một gia đình Công giáo thuộc họ đạo Phương Trung. Điều mà tất cả mọi người trong đoàn đều cảm nhận được cảnh làng quê thanh bình nhưng rất trù phú, nhịp sống sôi động với những ngôi nhà cao tầng, mái bằng đua chen san sát; những vườn cây, ao cá, những nếp nhà ngăn nắp; những chuyến xe hàng ngược xuôi chuyên chở đầy ắp cói; các ngõ, xóm, nhà dân vang vọng tiếng se cói, tiếng máy khoan, bào của nghề mộc... Vào nhà anh Trần Duy Hưng, chúng tôi không khỏi trầm trồ trước cơ ngơi khang trang cùng những chậu cây cảnh được bày san sát ngay từ đầu cổng.Chúng tôi mải mê ngắm nhìn vườn cây cảnh rộng gần 2.800 m2 của gia đình. Hàng trăm gốc cây với đủ các loại như sanh, lộc vừng, đa... với các kiểu, dáng, thế khác nhau. Có cây trị giá tới 400 triệu đồng, còn trung bình cũng vài chục triệu đồng/cây. Phải là một người thực sự đam mê cây cảnh, có thú chơi, con mắt nghệ thuật và sự kiên trì, am hiểu thì mới có thể tạo ra được những tác phẩm có giá trị cả về nghệ thuật và kinh tế như thế. Tâm sự với chúng tôi, anh Hưng cho biết: Trước kia, khu vườn này nhà anh trồng cây ăn quả, nhưng sau khi đi tham quan một số mô hình làm cây cảnh, và vốn có niềm yêu thích từ lâu, anh đã quyết định và vận động gia đình chuyển sang làm vườn cây cảnh, với nguồn vốn tự có ban đầu của gia đình trên 100 triệu đồng. Cây cảnh là một thú chơi tao nhã, nhưng làm nghề tạo cây cảnh thì phải thật bền bỉ, kiên nhẫn và không kém phần gian truân. Anh đã phải lặn lội đi nhiều nơi để tìm mua giống cây về cấy phôi. Khi cây đạt tiêu chuẩn đưa lên chậu, anh tỉ mỉ tạo thế cho mỗi cây. Không chỉ chăm chút cho vườn cảnh, gia đình anh còn tích cực tăng gia sản xuất bún. Trung bình mỗi ngày gia đình sản xuất khoảng 300 kg bún cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn cho các địa phương, có thêm một khoản thu nhập không nhỏ.
Bác Trần Đức Hậu (xã Yên Lộc), mặc dù đã vào cái tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng trông vẫn rất nhanh nhẹn. Bác hiện đang làm đội trưởng sản xuất, chi hội trưởng chi hội nông dân xóm 2 và là Chánh trương xứ đạo Yên Bình. Mặc dù đảm nhiệm, hai cương vị khác nhau nhưng theo bác lại bổ trợ cho nhau trong quá trình tham gia các hoạt động xã hội. Những đóng góp của bác được người dân trong xóm, xứ đạo, xã ghi nhận như tuyên truyền vận động người dân, giáo dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, lời răn của Chúa; vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tham gia phát triển các ngành nghề, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn an ninh trật tự, thu hút, tập hợp hội viên nông dân vào tổ chức Hội, tuyên truyền, vận động nông dân chuyển giao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra năng suất, giá trị, sản lượng cây trồng, con nuôi cao.... Ngoài tham gia công tác xã hội, bác còn cùng với gia đình vừa cấy lúa, vừa se đay sợi, trung bình mỗi năm tiêu thụ khoảng 3 - 4 tấn đay sợi, tăng thêm nguồn thu nhập.
Rời Kim Sơn khi trời đã về chiều, ấn tượng đọng lại với chúng tôi là những giáo dân, những chánh trương, trùm trưởng đang hăng say lao động sản xuất, làm giàu trên mỗi tấc đất quê hương. Họ đã thực hiện đúng phương châm "Sống tốt đời, đẹp đạo", "Kính Chúa, yêu nước".
Bài, ảnh: Hoàng Tâm