Thiêng liêng lời thề
Cụ Lương Văn Tại, lão thành cách mạng năm nay đã 97 tuổi đời, 73 năm tuổi Đảng, những ký ức lúc tỏ lúc mờ không còn nguyên vẹn nhưng những năm tháng ở chiến khu Quỳnh Lưu, những ngày đầu tham gia cách mạng với tư cách là những thế hệ đầu tiên của Ninh Bình được đứng trong hàng ngũ của Đảng với một niềm tin tha thiết về độc lập, tự do của Tổ quốc vẫn còn in đậm trong trí nhớ của cụ.
Giờ đây, khi đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ vẫn sắt son một niềm tin với Đảng. Khi được hỏi, một đời trung kiên theo Đảng, điều gì cụ còn giữ lại đến hôm nay? Gương mặt cụ toát lên niềm vui, ánh mắt tràn đầy tự hào xúc động: "Đó chính là lời thề thiêng liêng trong ngày kết nạp Đảng!".
Cha đẻ của cụ Tại là cụ Lương Văn Lợng (hay gọi là cụ đồ Lợng) là một trong những đảng viên đầu tiên của chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Quỳnh Lưu được thành lập vào năm 1929. Trong quá trình hoạt động cách mạng, cụ Lương Văn Lợng đã có những đóng góp cho phong trào cách mạng của Quỳnh Lưu nói riêng và của toàn tỉnh nói chung. Cụ đã từng bị giam tại nhà tù của thực dân Pháp, chịu nhiều tra tấn dã man của quân thù.
Tiếp nối truyền thống của cha, anh em cụ Lương Văn Tại đã tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ. Anh trai cụ là cụ Lương Văn Tài, là Bí thư của Tổng ủy Quỳnh Lưu từ năm 1942 đến năm 1945; hy sinh năm 1945 trong cao trào kháng Nhật cứu nước, phá kho thóc chia cho dân nghèo, được công nhận là liệt sỹ. Cụ Tại đã đi qua những bước ngoặt lịch sử lớn của Quỳnh Lưu nói riêng, của tỉnh Ninh Bình nói chung, sống và chiến đấu hết mình vì lý tưởng cách mạng của Đảng, vì một quê hương tự do, độc lập.
Khi chúng tôi hỏi kỷ niệm sâu sắc nhất của cụ trong các thời kỳ kháng chiến cụ bảo tất cả những trận đánh, những hy sinh của đồng đội rồi những chiến công của quân và dân ta đều đã ăn sâu trong tâm trí cụ như những kỷ niệm không thể quên, bao nhiêu ngày tháng tham gia hoạt động cách mạng là bấy nhiêu kỷ niệm.
Cụ bà Nguyễn Thị Cuộc ngày ấy cũng tham gia trong hội phụ nữ cứu quốc, cùng các đội tự vệ đi phá kho thóc Nhật giành chính quyền. Hai cụ quen nhau trong bom đạn chiến tranh và đã cùng chiến đấu, cùng trải qua biết bao gian khổ để có được ngày hôm nay. Những tấm huân, huy chương treo trong nhà là minh chứng sống động cho một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Những tấm giấy đó tuy đã bị mờ đi theo thời gian nhưng những gì mà các thế hệ của gia đình cụ Tại đã cống hiến cho mảnh đất Quỳnh Lưu nói riêng và cho phong trào cách mạng của cả tỉnh nói chung thì không một tấm huân, huy chương nào có thể ghi tạc hết được.
Cụ dừng lại hồi lâu rồi bất chợt nói: "Ước gì tôi sống lại thời trai trẻ để tiếp tục cống hiến cho Đảng, cho Tổ quốc. Với tôi năm 1948, khi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng cũng là lúc tôi nhủ với lòng mình cả cuộc đời này sẽ sống, phấn đấu vì Đảng, vì lời thề thiêng liêng trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng tôi vẫn theo dõi sự phát triển của đất nước, của tỉnh qua các phương tiện truyền thông và thấy rằng đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày hôm nay. Những thành tựu nổi bật, ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực đó là nhờ có sự lãnh đạo tài tình của Đảng". 6 người con cụ Tại đều đã trưởng thành và tích cực đóng góp xây dựng quê hương Ninh Bình ngày một giàu đẹp.
Gặp Đại tá Lương Văn Tuấn, nguyên Chính ủy Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, con thứ hai của cụ Tại, chúng tôi thấy cái chất "nhà nòi cách mạng" thể hiện rõ trong từng lời nói. Anh nói: "Truyền thống quê hương, truyền thống gia đình luôn là động lực, là sức mạnh giúp anh em chúng tôi vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, sống xứng đáng với những hy sinh của thế hệ đi trước.
Tuy không phải trải qua bom đạn nhiều như ông, như bác và như bố nhưng là một người lính trong thời bình, tôi hiểu hơn hết nhiệm vụ của mình trong công cuộc giữ gìn an ninh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng quê hương". Với cương vị hiện nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, Đại tá Lương Văn Tuấn đã và đang cùng đồng đội đóng góp một phần nhỏ bé cho sự phát triển của tỉnh mà chính người sinh thành ra anh cách đây mấy chục năm cũng không thể tưởng tượng ra. Tất cả con cháu cụ Tại tuy mỗi người một việc nhưng đều dốc sức để xây dựng Ninh Bình ngày một phát triển.
Những dịp lễ, Tết đại gia đình lại quây quần, đoàn tụ. Trong những dịp như thế câu chuyện về sự đấu tranh và hy sinh anh dũng của các thế hệ trong gia đình luôn được nhắc lại để con cháu khắc cốt ghi tâm, lấy đó mà rèn luyện phấn đấu.
Các cháu của cụ Tại tuy sinh ra và lớn lên trong thời bình nhưng đều chăm chú lắng nghe những câu chuyện ấy và cảm thấy tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình. Cụ nói đùa với chúng tôi: "Nhà tôi đông con, đông cháu nên những dịp sum họp là như một buổi kể chuyện truyền thống. Tôi rất mừng là các cháu không quay lưng lại với truyền thống cách mạng của gia đình mà luôn hỏi chuyện ngày xưa mỗi khi có điều kiện về thăm ông." Các cháu, chắt cũng hỏi cụ rất kỹ về những tấm huân, huy chương treo trong nhà, những kỷ vật lưu lại của một thời kỳ đấu tranh anh dũng, kiên cường trên khu căn cứ cách mạng.
Điều đó khiến vợ chồng cụ Tại vui lắm vì thế hệ hôm nay đã biết nâng niu những giá trị lịch sử và luôn muốn tìm "Về nguồn" để làm điểm tựa viết tiếp những trang sử mới sao cho xứng đáng với truyền thống cách mạng của gia đình.
Chia tay cụ trong tâm trạng đầy xúc cảm về một gia đình với biết bao thế hệ đã đóng góp cho độc lập, tự do của quê hương chúng tôi thấy tự hào biết bao khi được gặp những con người như thế, những gia đình như thế, những người đã coi Đảng là lẽ sống, là niềm tin; kiên trung, kiên định với lý tưởng của Đảng.
Đảng là niềm tin sáng mãi
Cựu chiến binh Đỗ Xuân Núi ở thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh là thế hệ sau của cụ Lương Văn Tại nhưng nhiệt huyết, niềm tin với Đảng cũng trọn vẹn như thế. Trong quá trình công tác từ khi nhập ngũ (năm 1970), trải qua nhiều chiến trường, nhiều vị trí và nghỉ hưu với chức vụ Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Bình, Đại tá Đỗ Xuân Núi luôn rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, đề cao trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng giao phó.
Ông Núi tâm sự: Khoảnh khắc thiêng liêng nhất của cuộc đời tôi chính là khi đứng dưới cờ Đảng, cờ Tổ quốc và kề vai sát cánh với các đồng chí, đồng đội, tôi đã hô vang lời tuyên thệ của một đảng viên mới, cảm xúc thiêng liêng, tự hào năm 1973. Lời thề ấy đã theo tôi suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ và trong suốt quá trình công tác rồi nghỉ hưu.
Câu chuyện giữa chúng tôi và Đại tá Đỗ Xuân Núi diễn ra vào một buổi chiều giáp Tết. Biểu cảm trên khuôn mặt ông ánh lên niềm tin, kỳ vọng, ông tâm sự: "Tôi đã theo dõi Đại hội XIII từ ngày khai mạc cho đến bây giờ và thực sự thấy phấn khởi, tin tưởng và kỳ vọng vào một nhiệm kỳ mới.
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong Đại hội lần này là đã hoạch định, vạch ra con đường phát triển của đất nước không chỉ trong 5 năm tới mà còn có tầm nhìn chiến lược, xa hơn, rộng hơn, gắn với những dấu mốc quan trọng của Đảng, của đất nước như kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước.
Đặc biệt, công tác nhân sự được thực hiện theo quy trình 5 bước hết sức chặt chẽ, khoa học, bài bản, kỹ lưỡng, sàng lọc nhiều hơn đã giúp cho các đại biểu chọn lựa đúng những đảng viên ưu tú, tâm huyết, trách nhiệm, có đủ năng lực, trí tuệ để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo xây dựng đất nước.
Tôi thấy danh sách Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới rất tiêu biểu, rất xứng đáng, bảo đảm tính kế thừa và chiều hướng cho sự phát triển. Không chỉ có đủ các tiêu chuẩn, đủ đức, đủ sức, đủ tài, có tâm, có tầm để gánh vác tốt nhiệm vụ, trọng trách trong thời kỳ mới, những đồng chí trúng cử trên đều hội tụ niềm tin để nhân dân cả nước gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình.
Đặc biệt có 7 đồng chí là con em quê hương Ninh Bình được Đại hội tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, trong đó có 1 đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị. Đó là niềm tự hào của người dân vùng đất Cố đô".
Cũng theo ông Núi, vấn đề có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng hiện nay chính là tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân. Có như thế mới thắt chặt được niềm tin của dân với Đảng, theo phương châm "lấy dân làm gốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trọn đời theo Đảng, những đảng viên như cụ Tại, ông Núi là lớp thế hệ đảng viên kiên trung, bất khuất, luôn khắc cốt ghi tâm những lời thề trong ngày kết nạp Đảng, làm cho danh hiệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự là niềm tự hào mỗi khi nhắc tới.
Những đóng góp của các đảng viên ấy đã và đang góp phần quan trọng bảo vệ uy tín, danh dự của Đảng, phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng và chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh; truyền lửa cho thế hệ trẻ để những mầm xuân của Đảng, những thế hệ sau này soi chiếu, phấn đấu noi theo, để Đảng là niềm tin sáng mãi trong triệu triệu trái tim người Việt Nam.
Quỳnh Thu