Trong suốt những năm công tác, hai cô giáo Nguyễn Thị Hạnh Nguyên và Triệu Thị Nhungđã có nhiều thành tích nổi bật, sáng tạo trong dạy và học, tận tâm, tận tụy với nghề, có uy tín về chuyên môn và nhiều cống hiến đối với công tác giáo dục tại địa phương, có tinh thần vượt khó vươn lên hoàn cảnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành tấm gương sáng của ngành Giáo dục và lan tỏa trong cộng đồng xã hội.
Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh Nguyên, giáo viên Trường Tiểu học Thạch Bình (huyện Nho Quan) là người sinh ra và lớn lên tại xã Thạch Bình. Ra trường năm 1990, cô được điều động về công tác tại Trường Tiểu học Thạch Bình. Là xã có địa bàn rộng nên Trường Tiểu học Thạch Bình có nhiều điểm trường lẻ. Cô giáo Hạnh Nguyên đã nhiều năm tình nguyện lên dạy tại điểm trường khu Quảng Mào, cách trường trung tâm 6km, gồm học sinh ở ba thôn: Đầm Rừng, Quảng Mào và Bãi Lóng.
Học sinh ở đây đại đa số là con em dân tộc ít người, đời sống còn nhiều khó khăn, nhận thức còn hạn chế. Hầu hết các em phải làm việc phụ giúp gia đình, ít có thời gian dành cho việc học tập. Do vậy, ngay từ khi nhận lớp, cô Hạnh Nguyên tìm hiểu tình hình, phân loại từng đối tượng học sinh, xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với từng nhóm, đối tượng. Trong quá trình giảng dạy, cô tích cực dạy học theo phương pháp tích hợp, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; sử dụng các phương tiện dạy học làm tăng hiệu quả giáo dục; thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả học tập bảo đảm chính xác, toàn diện, công bằng, khách quan…
"Trong công tác chủ nhiệm và giảng dạy, tôi luôn gần gũi, quan tâm, chia sẻ, động viên, khuyến khích kịp thời những tiến bộ của các em, dù là nhỏ nhất. Bằng tình thương yêu và lòng nhiệt huyết của mình, hàng tháng, tôi trích một phần tiền lương tổ chức nhiều hoạt động cho hơn 80 em học sinh tại điểm trường mình đang giảng dạy, như sinh nhật, Tết Trung thu, Lễ Giáng sinh...
Bằng những món quà nhỏ, những tiết mục văn nghệ, những trò chơi dân gian và cùng nhau liên hoan bánh, kẹo, đã giúp các em mạnh dạn, tự tin, yêu trường, yêu lớp và thêm gần gũi, thân thiện với bạn bè, thầy cô... Đồng thời, ngoài giờ học, tôi tranh thủ đến tận nhà các em để tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, động viên và hướng dẫn các em học tập, vì vậy, lớp học do tôi phụ trách luôn đạt kết quả cao trong các hoạt động giáo dục và các phong trào thi đua của khối, của trường..." - cô giáo Hạnh Nguyên chia sẻ thêm.
Đặc biệt, 6 năm qua, cá nhân cô giáo Hạnh Nguyên đã bỏ tiền của gia đình nuôi bữa cơm trưa miễn phí cho nhiều học sinh của trường THCS và Trường Tiểu học Thạch Bình. Đây là những em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà xa trường gần chục km, đường đi lại khó khăn, không có tiền để ăn cơm hàng quán. Hai năm đầu chỉ có 5 - 6 học sinh, nhưng 4 năm trở lại đây, ngày ít thì 16 em, ngày nhiều có đến gần 30 em học sinh ăn trưa và nghỉ ngơi tại gia đình nhà cô để buổi chiều đi học tiếp. Đặc biệt hơn, chồng cô giáo Hạnh Nguyên là bộ đội nghỉ hưu, bằng tình cảm của một người lính đã rất ủng hộ việc làm của vợ, hằng ngày hỗ trợ thêm việc nấu cơm, chế biến bữa cơm trưa miễn phí cho các em học sinh.
Những bữa cơm trưa miễn phí của vợ chồng cô giáo Hạnh Nguyên chứa đựng tình thương yêu con người, tình cô - trò và nâng bước cho nhiều học sinh không bỏ học giữa chừng, nỗ lực tới trường. Cùng với đó, nhiều năm qua, cô giáo Hạnh Nguyên cùng với nhà trường làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, công tác dân vận, vận động được nhiều tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, hội thiện nguyện trong và ngoài xã, huyện, tỉnh tài trợ, tặng những phần quà thiết yếu như tiền, gạo, chăn màn, quần áo, giầy dép, tủ sách thân thiện... cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và cho các điểm trường học trên địa bàn xã.
Gần 30 năm công tác, được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành, được các tổ chức, đoàn thể khen ngợi, vinh danh, nhưng với cô giáo Nguyễn Thị Hạnh Nguyên, niềm vui sướng, hạnh phúc nhất là được nhiều học sinh gọi là "Mẹ" - người Mẹ thứ hai của các em. Bởi trái tim nhân hậu, tình cảm của người giáo viên bền bỉ trong dạy và học, chăm lo bữa ăn đã chạm vào trái tim các em, được các em yêu thương, quý trọng như mẹ của mình. Thêm nữa là những tình cảm yêu mến, động viên, ghi nhận của các bậc phụ huynh, học sinh và những đồng nghiệp cùng trường, cùng ngành giáo dục là động lực, tiếp thêm sức mạnh động viên cô giáo Hạnh Nguyên tiếp tục gánh vác sự nghiệp giáo dục và đào tạo tại nơi còn rất nhiều khó khăn như xã Thạch Bình.
Đối với cô giáo Triệu Thị Nhung, giáo viên, tổ phó chuyên môn mẫu giáo, Trường Mầm non Ninh Vân (huyện Hoa Lư) thì sự nhiệt huyết, yêu nghề và tinh thần lạc quan vượt lên bệnh tật của bản thân để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao lại là tấm gương để những người trong và ngoài ngành Giáo dục trân trọng, nể phục.
Sinh năm 1981, vào ngành năm 1998, hơn 20 năm gắn bó và cống hiến với nghề, cô Nhung nhanh chóng khẳng định năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Với những kiến thức đã được học ở trường, kinh nghiệm đúc kết từ công việc thực tế và không ngừng học hỏi ở bạn bè, đồng nghiệp, từ những thế hệ đi trước, trong các đợt thi cấp trường, cấp huyện và tỉnh, cô được đánh giá cao về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như các kĩ năng xử lý tình huống trong giảng dạy và chăm sóc trẻ.
Từ đó nhận được sự tín nhiệm của cán bộ, giáo viên trong trường, được bầu làm tổ phó chuyên môn mẫu giáo từ năm 2009. Với cương vị của mình, cô Nhung rất tích cực trong việc giúp đỡ các giáo viên khác trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt trong công tác bồi dưỡng dự thi giáo viên giỏi các cấp.
Trong năm học 2017-2018, cô giáo Nhung đã tích cực xây dựng, trang trí lớp học theo các góc, tạo môi trường hoạt động phong phú trong lớp, giúp cho trẻ hứng thú trong hoạt động học cũng như hoạt động góc, được nhà trường đánh giá cao. Khi tham gia hội thi làm đồ dùng dạy học cấp trường, cô đạt kết quả xếp loại A, tạo thêm nhiều đồ dùng, đồ chơi sáng tạo trong tiết dạy, tạo hứng thú cho trẻ khi học tập.
Đồng thời phối kết hợp với Ban giám hiệu, các tổ chuyên môn trong trường tổ chức các đợt hội giảng, hội học, thi sáng kiến kinh nghiệm, đồ dùng, đồ chơi qua các phong trào thi đua và các ngày lễ lớn của đất nước để chị em cùng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Với sự nỗ lực không mệt mỏi, cô Nhung đã đạt được nhiều thành tích trong quá trình công tác: Hàng năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường; liên tục đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện; được UBND huyện Hoa Lư, Sở Giáo dục và Đào tạo tặng nhiều giấy khen; LĐLĐ tỉnh cấp giấy chứng nhận danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" 5 năm (2001-2005) và 5 năm (2005- 2010)… Dịp 20/11 năm 2018, Cô Nhung là một trong 2 cá nhân nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc của tỉnh Ninh Bình được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen và tham gia chuỗi các hoạt động trong chương trình tri ân, tôn vinh cán bộ quản lý, giáo viên tiêu biểu của ngành Giáo dục tại Hà Nội.
Nhưng điều đặc biệt đáng nể phục của mọi người đối với cô giáo Triệu Thị Nhung là sự lạc quan, tinh thần vượt khó vươn lên trong cuộc sống và bệnh tật của mình. Nếu ai mới gặp sẽ không thể nhận ra bản thân cô Nhung là một giáo viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn và đang mang trong người căn bệnh ung thư. Cô phát hiện mình mắc căn bệnh nan y này vào đúng dịp 20/11/2016, lúc này căn bệnh ung thư tuyến giáp đang ở giai đoạn 2, phải phẫu thuật và xạ trị. Bản thân cô phải chiến đấu với bệnh tật, chồng con cũng hay ốm đau khiến có thời điểm kinh tế gia đình rơi vào kiệt quệ.
Nhưng vượt lên hoàn cảnh, cô Nhung luôn lạc quan, yêu đời, ngày nào cũng đến trường từ sáng sớm rồi hết giờ mới về. Những vất vả, bệnh tật được cô cùng chồng và các con chia sẻ, động viên cùng nhau vượt qua. Cô Nhung cho biết, cô rất vui và cảm động khi luôn được sự quan tâm, động viên bằng vật chất và tinh thần của các cấp, các ngành, bạn bè, đồng nghiệp và các phụ huynh, học sinh - những tình cảm thân thương, yêu quý ấy giúp cô thêm động lực và tự nhủ phải nỗ lực cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa để ổn định sức khỏe, hoàn thành nhiệm và được làm công việc mà mình đã yêu thích và gắn bó hơn 20 năm nay.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh