"Đi làm mới biết gian nan…"
Đó là tâm sự của nhiều người làm công tác tư tưởng tại Yên Mô vào thời điểm năm 2006 khi bắt đầu triển khai, tuyên truyền Nghị quyết 03 đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi vào những năm 1987 - 1988, Yên Mô là vùng đất có truyền thống làm cây vụ đông nhưng có nhiều nguyên nhân khách quan như vật tư nông nghiệp, giống, vốn, chi phí sản xuất tăng cao, các vụ lúa được mùa, lương thực dư thừa, nạn chuột phá cây đông hoành hành… đã làm cho tập quán canh tác này mai một dần và vụ đông chỉ được xếp vào hàng thứ yếu trong tập quán canh tác của bà con. Và khi nói đến trồng cây vụ đông, nhiều người quay đi lắc đầu chán nản, nhiều người nói buông xuôi: "Trồng cũng được mà chẳng trồng cũng xong vì có lãi đâu mà làm…". Thuyết phục làm sao để người dân thay đổi tập quán canh tác, thay đổi suy nghĩ về một vụ đông không đem lại lợi nhuận - đó là vấn đề đau đầu những người làm công tác tư tưởng nơi đây.
Cơ quan tuyên giáo với chức năng hàng đầu trong công tác tư tưởng đã tổ chức tuyên truyền, triển khai Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, phối hợp với các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh… giải thích cặn kẽ cho từng người dân chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện khi tham gia sản xuất vụ đông.
Với phương châm "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", những cán bộ làm công tác tư tưởng nơi đây đã tham mưu cùng các cấp ủy đảng nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên trong sản xuất vụ đông: Mỗi đảng viên tại các chi bộ đều được phân công phụ trách từ 2 hộ gia đình trở lên để tuyên truyền sâu rộng những chính sách hỗ trợ sản xuất vụ đông của tỉnh, gương mẫu trong việc thực hiện mở rộng diện tích cây vụ đông để người dân làm theo, lấy đây là một trong những căn cứ quan trọng để nhận xét, đánh giá, xếp loại đảng viên cuối năm. Nhưng tuyên truyền không chưa đủ, những người làm công tác tư tưởng ở đây xác định "Lý thuyết phải gắn với hành động, nếu không có những người tiên phong đi đầu thì sẽ khó để thuyết phục người dân làm theo".
100% cán bộ, đảng viên trong huyện đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 03, trong đó có những hộ gia đình không có ruộng nhưng vẫn thuê ruộng để làm vụ đông. Gia đình đồng chí Phạm Sinh Huy (nguyên Phó Ban Tổ chức Huyện ủy) là một trường hợp như thế. Mặc dù diện tích ruộng gia đình rất ít nhưng cùng với vợ, anh đã xin thêm 3 mẫu để làm vụ đông, trong đó đưa vào nhiều giống cây trồng mới có giá trị cao như ớt, bí xanh…
Còn đồng chí Vũ Xuân Mưu, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thượng thì được biết đến như một điển hình trong làm vụ đông với diện tích hơn 7 mẫu vào thời điểm bắt đầu triển khai Nghị quyết. Tất cả những việc làm trên đã tác động tích cực đến người dân trên địa bàn, giúp họ củng cố niềm tin, yên tâm bước vào sản xuất vụ đông. Thế nhưng công việc của những người làm công tác tư tưởng nơi đây vẫn chưa hết khó khăn khi vào thời điểm mưa bão, cây đông phải trồng đi trồng lại, không ít người dân đã hoang mang, nản lòng. Những người làm công tác tư tưởng đã phải động viên nhân dân, tranh thủ khung thời vụ tiếp tục gieo trồng hoặc chuyển sang những cây trồng khác phù hợp. Lúc này thì cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc để khắc phục khó khăn do thiên tai.
Các đồng chí thường trực, thường vụ, huyện ủy viên phụ trách xã đã bám sát địa bàn, cùng chia sẻ những khó khăn với người dân, tổ chức triển khai việc cung cấp kịp thời giống, vốn để người dân yên tâm sản xuất. Vào thời điểm này, vai trò của cán bộ, đảng viên và những người làm công tác tư tưởng được thể hiện rõ hơn bao giờ hết khi họ đến từng hộ gia đình, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, gợi ý định hướng cho cấp ủy cơ sở tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên đề mở rộng về cây vụ đông. Với những việc làm thiết thực đó, phong trào sản xuất vụ đông ở Yên Mô từ tự phát chuyển sang tự giác, những khó khăn bước đầu vào thời điểm năm 2006 khi bắt tay vào triển khai Nghị quyết dần được khắc phục.
Nông dân xã Yên Thắng (Yên Mô) chăm sóc cây màu vụ đông.
Cầu nối ý Đảng - lòng dân
Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy đến thời điểm này đã thành công với mục đích đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng chí Hoàng Văn Hòa, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Yên Mô nhấn mạnh: Bản thân Nghị quyết là rất đúng và rất trúng nhưng để trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống, hợp lòng dân như ngày hôm nay phải nhắc đến vai trò của những người làm công tác tư tưởng - những người trực tiếp tuyên truyền triển khai Nghị quyết, vận động nhân dân đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính. Nếu như năm 2006, toàn huyện trồng được 3.225 ha cây vụ đông thì đến năm 2007 con số này là 3.654 ha, huyện đã và đang xây dựng mở rộng bản đồ vùng quy hoạch cây vụ đông. Hầu hết các gia đình trên địa bàn huyện đều đã chủ động mở rộng diện tích trồng cây đông, đưa vào trồng những cây có giá trị kinh tế cao.
Ở một số xã có nghề phụ như Yên Nhân, thời gian đầu khi triển khai Nghị quyết, diện tích cây đông còn rất hạn chế, diện tích ruộng bỏ không còn nhiều do thiếu lao động nhưng đến thời điểm này các cánh đồng trên địa bàn xã cũng đã được đưa vào trồng cây vụ đông, cho giá trị thu nhập cao. Một thành công lớn của những người làm công tác tư tưởng là họ đã thuyết phục được rất nhiều hộ gia đình không "mặn mà" với trồng cây đông trở thành những hạt nhân tiên tiến của phong trào như hộ gia đình ông Lê Trọng Cảnh (xóm 6, Đồng Nhân, Khánh Thượng). Lúc đầu gia đình ông không trồng cây vụ đông vì sợ rủi ro, phụ thuộc vào thời tiết nhưng sau khi được tuyên truyền, vận động, gia đình ông đã tham gia một cách sôi nổi với 6 mẫu ruộng làm vụ đông. Những trường hợp như thế chính là động lực, là niềm vui giúp cho những người làm công tác tư tưởng vượt qua khó khăn, tuyên truyền, vận động nhân dân đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính.
Những người làm công tác tư tưởng cũng chính là những người luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để Nghị quyết được triển khai có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Và có thể nói họ chính là những nhịp cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân, là "chìa khóa" để đưa Nghị quyết trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống, tạo nên niềm vui trong sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.
Quỳnh Thu