34 tuổi và đã có hơn chục năm gắn bó với Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, anh Trần Thủy Hoàng là một trong những chủ nhiệm lớp trẻ nhất của cơ sở. Tất cả học viên của cơ sở chia thành 5 tổ đội, mỗi tổ đội chừng 45-50 học viên. Tổ đội mà anh Hoàng quản lý cũng có 50 học viên, học viên khá đông song những hoàn cảnh đưa đẩy học viên vào đây, cá tính, nếp nghĩ của từng người thì anh Hoàng đều nắm rõ cả. "Đằng sau vẻ bất cần đôi chút lỳ lợm của những người không may dính vào sự quyến rũ chết người của nàng tiên nâu thì đó đơn thuần chỉ là những chàng trai trẻ cũng có khát vọng, có ước mơ và có cả những gia đình nhỏ đang cần họ chăm lo… Làm cán bộ quản lý trực tiếp, không chỉ phối hợp giúp học viên cắt cơn, giải độc, mà nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi chính là giúp các học viên tìm lại chính mình"- anh Trần Thủy Hoàng tâm sự.
Chẳng có trang giáo án chung nào cho tất cả các học viên ở đây. Vì vậy, để việc giáo dục cho học viên đạt hiệu quả cao thì sự chân thành, tâm huyết và linh hoạt giải quyết các vấn đề là lợi thế lớn của mỗi cán bộ quản lý học viên. Anh Phạm Trọng Đại, Trưởng phòng giáo dục và hòa nhập, cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cho biết, trong tổng số 279 học viên mà cơ sở đang quản lý thì có nhiều người từng có tiền án, tiền sự và trên 10% học viên bị nhiễm HIV/AIDS. Như vậy, để cảm hóa, giáo dục và hướng nghiệp cho những học viên một cách có hiệu quả thì thực sự là bài toán khó đối với tất cả những người làm công tác giáo dục ở đây. Tuy nhiên, khó khăn nhiều thì quyết tâm của tập thể cán bộ lại càng cao. Mỗi đồng chí có một cách làm riêng để tiếp cận, tìm hiểu hoàn cảnh của từng học viên, diễn biến tâm lý phức tạp của họ để kịp thời động viên, định hướng tư tưởng, song điểm chung là đều đòi hỏi phải có sự nhiệt huyết trong công việc, phải có sự thương cảm thực sự đối với từng học viên. Trong tổng số các học viên ở đây, có cả những người còn chưa biết chữ. Vì vậy, bên cạnh việc chữa bệnh thì chúng tôi rất coi trọng việc dạy văn hóa cho các học viên này. Việc dạy học viên từ những chữ cái đầu tiên tưởng chừng rất dễ nhưng lại là một thách thức không nhỏ đối với cán bộ quản lý. Bởi người quản lý đứng lớp phải thực sự kiên trì, chỉ một chút nản, hay ức chế với sự chậm chạp của học viên sẽ khiến cho học viên lại càng thiếu niềm tin vào chính mình. Tuy chưa biết chữ, nhưng những trải nghiệm già dặn trong cuộc sống khiến học viên rất nhạy cảm.
ở cơ sở có cả những học viên từng tốt nghiệp Đại học, thậm chí từng làm trong các cơ quan Nhà nước… song vì không đủ bản lĩnh mà gục ngã trước cám dỗ của bạn bè xấu nên sa vào ma túy. Với những đối tượng này, điều quan trọng với họ là sự gần gũi để lắng nghe và chia sẻ. Từ đó, tiếp thêm cho họ niềm tin để vượt qua những khó khăn trong con đường tìm lại chính mình.
Đào Hằng